* Tương truyền, nhà bác học Lê Quý Đôn lúc 8 tuổi đã nổi tiếng về tài đọc rất nhanh, “nhất mục thập hàng” - một lần đưa mắt đọc liền được 10 dòng chữ. Thành ngữ “nhất mục thập hàng” xuất phát từ đâu và có ý nghĩa như thế nào? (Trương Thành, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
![]() |
Thành ngữ điển cố thông dụng, một trong các cuốn sách giảng nghĩa cặn kẽ về thành ngữ “Nhất mục thập hàng”. |
- Sách Trung Quốc thành ngữ cố sự tổng tập (Chủ biên: Đường Kỳ, Trường Xuân - Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004), giảng “nhất mục thập hàng” (一目十行) nghĩa là nhìn qua một lần, đọc được mười hàng.
Theo đó, Giản Văn Đế Tiêu Cương của nước Lương là người con thứ 3 của Lương Vũ Đế Tiêu Diễn. Tiêu Cương thiên tư thông minh mẫn tiệp, mới lên 6 tuổi đã biết viết văn, mọi người đều cảm thấy kỳ lạ, ngay cả phụ thân là Lương Vũ Đế cũng không tin. Một ngày nọ, Lương Vũ Đế ra một đề mục cho Tiêu Cương, bảo rằng:
- Con hãy ngồi viết trước mặt cha đây, để cha tận mắt thấy mới biết con rốt cuộc có biết viết văn hay không!
Tiêu Cương liền cầm bút, trong chốc lát đã viết xong. Lương Vũ Đế vừa đọc vừa khen ngợi:
- Hay quá! Câu chữ lưu loát, từ ngữ tươi đẹp, như thế này ai còn không tin tài học của con ta!
Khi trưởng thành, Tiêu Cương rất thích đọc sách, mà còn đọc rất nhanh. Trong Lương thư - Giản Văn Đế kỷ khi nói về Tiêu Cương có viết “độc thư thập hàng câu hạ”. Thành ngữ “nhất mục thập hàng” chính là từ “thập hàng câu hạ” diễn hóa mà thành.
Sách Thành ngữ điển cố thông dụng, Hồng Khánh - Thái Vy biên dịch, (NXB Đà Nẵng, 2002) ở trang 117 chép chuyện Vương Thiếu Liêm ở Hà Nam (Trung Quốc) có tài đọc nhanh, chỉ cần một cái liếc mắt (nhất mục) có thể đọc được mười hàng (thập hàng). Đời sau gọi cách đọc của Vương Thiếu Liêm là "nhất mục thập hàng" (Liếc mắt một cái đọc được mười hàng), để chỉ cách đọc của người đó rất nhanh. Có khi cũng chỉ đọc sách không cần hiểu, chỉ cần nhanh. Thành ngữ này cũng viết là "Thập hàng câu hạ".
Nhà thơ Quách Tấn trong một lá thư gửi học giả Nguyễn Hiến Lê, có viết: “Tôi nay đã thành người nhất mục thập hàng”. Khi dùng điển cố này, nhà thơ Quách Tấn không có ý tự đề cao mình (có tài đọc nhanh như họ Vương) mà chỉ tự châm biếm mình. Năm 1973, nhà thơ bị bệnh tăng nhãn áp (glaucome), chỉ còn một mắt (nhất mục). Trong một bài thơ hí tác (làm để tự giễu cợt), ông viết: Hóa nửa cụ Đình Chiểu/ Không hai chàng Vân Tiên/ Xui đường hoa chỉ thoáng/ Những bán diện thuyền quyên.
Cụ Đồ Chiểu bị mù cả hai mắt nên Quách Tấn chỉ bằng một nửa của cụ. Trên đời này chỉ có độc nhất chàng Vân Tiên được tiên cho sáng mắt trở lại. Lương Nguyên Đế bị chột một mắt nên thứ phi Từ Chiêu Bôi chỉ đánh phấn thoa son có nửa mặt (bán diện).
Trang kienthuc.net.vn, khi nói về môn khách đặc biệt của Trần Quang Khải, đã nhắc đến Trạng nguyên Bạch Liêu, một con người tài hoa lỗi lạc, nhưng trong sử sách không được nhắc đến nhiều có lẽ bởi vì ông không ra làm quan. Bạch Liêu người làng Nguyên Xá, huyện Đông Thành (nay là huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Ông là người đầu tiên được ghi vào bảng vàng khoa mục của nước nhà.
Ông thông minh, nhớ lâu, đọc sách 10 dòng một nháy mắt... (nhất mục thập hàng). Do nhớ lâu, chăm học, Bạch Liêu đã thi thố qua bốn kỳ (trường nhất, trường nhì, trường tam, trường tứ) đều xuất sắc, được người đương thời ca ngợi là người hơn cả Kinh trạng nguyên Trần Cố. Ông quả là một văn nhân quán thế, là vị “thủy tổ khai khoa” của xứ Nghệ như lời suy tôn của các nhà nho đời sau.
ĐNCT