Xa vắng, nỗi ngậm ngùi dài

.

Hữu Thỉnh sinh năm 1942, quê Vĩnh Phúc, tác giả nhiều trường ca nổi tiếng như Đường tới thành phố, Trường ca biển, Trăng Tân Trào. Song, đọng lại trong trí nhớ người đọc vẫn là những bài thơ ngắn như Sang thu, Chiều sông Thương, Tìm người, Hỏi, Thơ viết ở biển..., Xa vắng nằm trong số này.

Minh họa: ST
Minh họa: ST

Nếu chọn 10 bài thơ hay nhất của Hữu Thỉnh, sẽ có Xa vắng. Nếu chọn 50 bài thơ tình hay nhất Việt Nam trong 30 năm trở lại đây, thì cũng sẽ có Xa vắng. Bài thơ viết vào tháng 2-1999, in trong tập Thương lượng với thời gian (NXB Hội Nhà văn, 2005).

Xa vắng là một bài thơ ngắn nhưng đầy những ám ảnh. Mỗi khổ thơ là một bức tranh tâm trạng đầy mộng mị và ma lực, hút lấy người đọc, chếnh choáng theo từng bước chân của nhân vật trữ tình, ngỡ ngàng, hẫng hụt, chạm vào đáy của câu chữ, tưởng hiểu mà không hiểu, tưởng thấy được bóng hình nhưng rồi vẫn ngậm ngùi.

Xa vắng là tòa lâu đài nhiều cửa mà không tìm thấy cửa vào và lối ra của thế giới tâm tình nhân vật. Bài thơ khó giải mã. Đó là một thú vị! "Xa vắng" được định nghĩa: 1. Xa xôi và vắng vẻ. 2. Xa cách, không gặp mặt nhau (Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học, 2005, trang 1139). Chú ý sẽ thấy, cái ngút ngàn, xa ngái thể hiện trong cấu trúc bài thơ. Tra hỏi chính mình, tìm câu trả lời cho mình, song, vẫn cứ là nỗi khắc khoải của kiếm tìm, chờ đợi.

Bài thơ đầy nỗi niềm. Một người tìm một người. Tìm kiếm như cuộc đuổi bắt. Ảo ảnh vẫn là ảo ảnh. Cái hay của bài thơ này là sự pha lẫn giữa cái có thể đếm và cái không thể đếm, giữa cái cụ thể và cái mơ hồ. Các câu hỏi cứ dồn lên, thổn thức.

Xa vắng cũng là cách đi tìm cái đẹp. Cái đẹp mơ hồ có, mơ hồ không. Ranh giới chập chờn, khắc khoải như tiếng chim từ quy kêu trong một khoảng rừng thanh vắng, đêm khuya: Xa vắng quá…, xa vắng quá…, xa vắng quá… với trạng thái bồn chồn, tần ngần và đi hỏi: hỏi cát, hỏi bến, hỏi chợ, tìm người soi gương năm xưa. Tất cả đều hư ảo. Cái hay của bài thơ toát ra từ những khúc thức, chạm vào nhung nhớ, bâng khuâng, không dứt. Hình ảnh, nhịp điệu các câu thơ tựa như những giọt đàn toát ra thứ âm thanh xa vắng, vời vợi, làm động lòng người.

Xa vắng

Xa vắng quá bồn chồn đi hỏi cát
Đường đông người, đâu nhỉ dấu chân em

Xa vắng quá, một mình đi hỏi bến
Người sang đò có dặn sóng gì thêm

Xa vắng quá tần ngần đi hỏi chợ
Người mua gương dạo ấy có hay về

Người mua gương một lần quay trở lại
Soi tưng bừng rồi lặng lẽ ra đi.

Chú ý sẽ thấy, các đối tượng được hỏi, được đề cập đều nằm ở dạng khó tìm, khó gặp. Vậy thì, hỏi để làm gì? Ý nghĩa của những câu hỏi? Trong bài thơ có hai nhân vật, hai hình tượng trung tâm: Người đi hỏi và Em. Các hình ảnh vệ tinh khác xoay quanh chủ đề chính: xa vắng. Một cuộc đuổi bắt, chờn vờn, hư thực: "Xa vắng quá bồn chồn đi hỏi cát/ Đường đông người, đâu nhỉ dấu chân em". Đường đông người, muôn vàn dấu vết của bàn chân và đâu là dấu chân em trên cát, làm sao tìm được? Câu hỏi rơi vào vô vọng: Đâu nhỉ?

Cũng như bến, chỗ đông người, chen chúc, lắm kẻ qua, người lại, vọng một câu hỏi mơ hồ: hỏi bến. Bến còn đó, người đi đâu? Không có câu trả lời. Lại thêm, sóng lớp trước nối tiếp với sóng lớp sau, làm sao mà người sang đò có dặn sóng gì thêm. Lời dặn trở nên bùi ngùi: "Xa vắng quá, một mình đi hỏi bến/ Người sang đò có dặn sóng gì thêm".

Rồi, nhân vật trữ tình “tần ngần” đi hỏi chợ. Hỏi chợ để tìm người mua gương của dạo ấy có hay về? Có trở về nhưng chỉ một lần và lần duy nhất ấy, cầm gương “soi tưng bừng rồi lặng lẽ ra đi”. Sao lại “soi tưng bừng”, “rồi lặng lẽ ra đi”? Câu thơ gợi bao nỗi niềm về nhan sắc, về vẻ tàn phai, về sự lạnh lẽo, cô đơn của năm tháng - đời người: Xa vắng quá tần ngần đi hỏi chợ/ Người mua gương dạo ấy có hay về/ Người mua gương một lần quay trở lại/ Soi tưng bừng rồi lặng lẽ ra đi".

Xa vắng là đi tìm cái đẹp. Cái đẹp mơ hồ. Ranh giới chập chờn, khắc khoải như tiếng chim từ quy kêu trong một khoảng rừng thanh vắng, đêm khuya: Xa vắng quá…, xa vắng quá…, xa vắng quá… và các câu hỏi: hỏi cát, hỏi bến, hỏi chợ, tìm người, người soi gương năm xưa. Tất cả đều ảo ảnh. Cái hay của bài thơ cũng từ đó mà ra, toát ra từ những khúc thức mơ hồ, chạm vào nhung nhớ, bâng khuâng. Hình ảnh, nhịp điệu các câu thơ tựa như những giọt đàn toát ra thứ âm thanh day dứt, lay động lòng người. Các từ láy: bồn chồn, tần ngần, lặng lẽ khiến cho tâm trạng thêm xao xuyến, làm cho câu thơ lung linh, hay thêm.

Xa vắng là một bài thơ đầy niềm thương và nỗi nhớ! Hữu Thỉnh, thi sĩ tài hoa, nắm bắt tinh tế sự chuyển biến của tâm trạng, của thiên nhiên đất trời và chuyển những rung động đó thành thơ, vừa thực vừa ảo, vừa mộng mơ, trữ tình vừa đau đáu nhân sinh.

HUỲNH VĂN HOA

;
;
.
.
.
.
.