Có những ca khúc mùa xuân gắn với từng giai đoạn lịch sử của đất nước đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng người yêu âm nhạc, có một nhạc sĩ mà những ca khúc của ông mang ý nghĩa của mùa xuân, một mùa xuân tươi thắm của hy vọng và lạc quan, đó là nhạc sĩ Xuân Hồng, tác giả của “Xuân chiến khu”, "Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" và “Mùa xuân bên cửa sổ”.
Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu |
Quyết lòng diệt tan kẻ thù
Được sáng tác tại chiến khu vùng Đông Nam Bộ năm 1963, trong bối cảnh đồng bào và chiến sĩ miền Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, "Xuân chiến khu" như nguồn động viên quý báu cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam bước vào cuộc chiến đấu sinh tử vì độc lập tự do.
Mở đầu ca khúc là giai điệu rộn ràng tươi vui, cảm nhận được không khí rất xuân với “tiếng chim rừng vang hót khắp nơi” và “gió đưa cây rừng cành lá vi vu, như báo hiệu một mùa xuân thắng lợi”. Qua nét tả của Xuân Hồng, xuân ở chiến khu thật đẹp, đẹp cả về cảnh sắc và về âm thanh. Nó giản dị và hồn nhiên với mai vàng và chim hót. Xuyên suốt bài hát là những ca từ, nốt nhạc mộc mạc, tràn đầy niềm tươi vui, lạc quan tin tưởng như không còn những hy sinh gian khổ. Và trong cái “lãng mạn cách mạng” ấy, những người con của “thành đồng Tổ quốc” vẫn luôn nung nấu một quyết tâm: “Quyết lòng diệt tan kẻ thù, toàn dân ta hưởng trọn mùa xuân”.
Hình ảnh người chiến sĩ quân giải phóng trong ca khúc với ca từ trìu mến, thân thương, có giá trị như một lời động viên đầy ý nghĩa: “Chào anh bộ đội thêm một tuổi đời, mừng anh thêm một tuổi quân, thêm nhiều chiến công toàn dân đang mong”. Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ ấy, “Xuân chiến khu” là “món ăn tinh thần” động viên, thôi thúc toàn quân, toàn dân chiến đấu với tinh thần lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Và có một chi tiết đặc biệt là sau 5 năm bài hát ra đời, thính giả hai miền Nam Bắc mới được nghe "Xuân chiến khu" trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam qua tiếng hát nghệ sĩ Thanh Huyền và từ đó vang xa, vang mãi trong lòng mọi người đến ngày thắng lợi năm 1975.
Mùa xuân đẹp nhất quê mình
Tiếp mạch xuân từ “Xuân chiến khu” là “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” được nhạc sĩ phác thảo từ tháng 3 và hoàn thành ngày 30-4-1975 trong niềm niềm cảm xúc đặc biệt thời khắc miền Nam giải phóng, Bắc Nam về chung một nhà. Đây cũng là 1 trong 6 tác phẩm tiêu biểu mang đến Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho nhạc sĩ Xuân Hồng.
Cảm xúc lắng đọng và niềm vui vỡ òa "Xa ba mươi năm nay đã gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào…", một mùa xuân diệu kỳ với “Ngày đi như trong đêm mơ, tuổi lớn rồi mà như ngây thơ...”. Không thể ý nghĩa hơn khi mùa xuân được nhân đôi niềm vui! Đất trời, biển rộng cờ hoa, nụ cười, nét mặt hân hoan rạng ngời của đồng bào, chiến sĩ như hòa quyện tạo nên bản hòa âm đầy sắc màu trên thành phố mang tên Bác. Kết thúc bài hát là câu cảm thán tác giả như nói lên tiếng lòng của nhiều người: “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh là mùa xuân đẹp nhất quê mình”.
Tình yêu và ước vọng
Ca khúc thứ ba của nhạc sĩ Xuân Hồng “Mùa xuân bên cửa sổ” viết dựa trên ý thơ Song Hảo. Bài hát ra đời trong bối cảnh đất nước vừa có hòa bình vừa có chiến tranh ở phía Bắc và Tây Nam. Một tình yêu bình dị nhưng trong sáng và cao đẹp giữa người lính trẻ, vào mùa xuân trở về thăm phố phường trong những ngày mặt trận bình yên và thăm người yêu là cô thợ trẻ. “Mùa xuân bên cửa sổ” ra đời đã chinh phục ngay giới trẻ, đặc biệt là những người lính trẻ xa nhà với hình ảnh thật lãng mạn, đẹp và bình yên. Một bản tình ca ngọt ngào, dịu dàng, tràn đầy tình yêu và ước vọng của tuổi trẻ làm nên hình ảnh đẹp và nên thơ của đất nước đang độ xuân về.
Có thể nói, không nhiều các nhạc sĩ có những ca khúc về mùa xuân có ý nghĩa và “hợp thời” với mùa xuân như 3 ca khúc trên của ông. Đất nước đã bước vào mùa xuân thứ 50 hòa bình thống nhất và độc lập tự do nhưng trong tâm trí của các thế hệ con dân đất Việt, trong lòng vẫn cảm thấy bồi hồi, trào dâng niềm tự hào mỗi khi nghe lại những ca khúc bất hủ đó.
Nhạc sĩ Xuân Hồng (1928-1996) quê ở Châu Thành, Tây Ninh, tham gia cách mạng từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Năm 1960, ông làm chính trị viên, Trưởng đoàn Văn công Quân giải phóng. Năm 1967, ông tập kết ra Bắc, học Trường Âm nhạc Việt Nam rồi trở lại chiến trường tiếp tục hoạt động. Sau năm 1975, ông từng là Trưởng phòng Nghệ thuật sân khấu Sở Văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Thành phố, Tổng Thư ký Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV. Ông còn nổi tiếng với nhiều ca khúc như “Bài ca may áo”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Cây đàn ghi ta của đại đội ba”, “Người mẹ của tôi”... Nhạc sĩ Xuân Hồng được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2014), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (2000), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2004) cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác. |
DÂN HÙNG