Người yêu thơ xứ Quảng rất tự hào về nhà thơ Thu Bồn với gia tài thi ca, tiểu thuyết và trường ca nổi tiếng. Hay đã từng yêu những vần thơ nồng đượm chân tình của Đông Trình, Thanh Quế, Tần Hoài Dạ Vũ… Nhưng đâu chỉ có những tên tuổi ấy, Đà Nẵng còn là miền đất dung dưỡng nhiều tâm hồn thi sĩ, nơi mà mỗi làn gió từ sông Hàn hay những con sóng vỗ từ bờ Mỹ Khê đều mang theo những vần thơ thấm đẫm tình quê…
![]() |
Chân dung nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ. Ảnh: NVCC |
1. Chầm chậm bước vào không gian văn chương xứ Quảng, tôi bắt gặp những câu thơ nồng nàn hơi thở đất mẹ của Thu Bồn, hay cái u hoài, trăn trở trước thời gian của Phạm Hầu, Vũ Hữu Định. Thập niên 60-70, thơ Vũ Hữu Định (1942-1981) được đánh giá là thứ thơ đi ra từ cảm xúc của một trái tim chân thành. Trong đó, Khúc hát người lỡ vận hay Cảm ân người vợ khổ, Còn chút gì để nhớ… là những bài thơ hay, được nhiều người chép vào sổ tay để dặn mình, dặn người.
Vũ Hữu Định - thi sĩ của những kẻ lãng du, của những chuyến đi hoang hoải, viết thơ như một cách để níu giữ quê hương trong lòng. Một Pleiku xưa, một Đà Nẵng trong ký ức, những miền đất ông đi qua đều thấm vào thơ với vẻ đẹp hoang sơ, buồn bã mà đầy quyến luyến. Những câu thơ “Đứng lại bên đường núi/ Hồn ta đây là rừng/ Tay sông hồ vuốt tóc/ Tóc rụng hết ngày xanh/ Đồn cheo leo đón gió/ Bốn mùa phên mây che...” trong bài Biên trấn ca của ông không chỉ là nỗi cô đơn của một kẻ lữ hành giữa núi non, mà còn là tiếng lòng của những con người xa quê, luôn mang trong mình một miền nhớ, một niềm khắc khoải không nguôi.
Ông yêu cuộc sống giang hồ, nhưng trong sâu thẳm vẫn là một con người tha thiết với tình quê, tình đời. Trong suốt cuộc đời của mình, ông chỉ viết về những điều đơn sơ, bình dị nhất, như thể từng câu chữ đã nằm sẵn trong tim, chỉ cần nhấc bút là hiển hiện. Chính sự tự nhiên ấy đã khiến thơ ông sống mãi trong lòng người đọc. Và có lẽ, với người yêu thơ, qua bao năm tháng, những câu chữ của ông vẫn ở đó và thường xuyên ngân lên như khúc hát của người lữ khách chưa bao giờ thực sự về đến nhà.
2. Nếu thơ Vũ Hữu Định là những bước chân phiêu bạt mang theo nhiều tâm sự thì thơ Thanh Quế lại đằm thắm, nặng nghĩa tình quê hương, xứ sở. Trong căn nhà nhỏ trên đường Ba Đình, ông dành cả cuộc đời để viết về mảnh đất này với những vần thơ giản dị, giàu cảm xúc.
Ai quen biết Thanh Quế đều hiểu rằng ông từng đi qua những năm tháng kháng chiến gian khổ, chứng kiến biết bao mất mát, hy sinh nên thơ ông luôn phảng phất một nỗi buồn man mác, một sự suy tư không dứt về thân phận con người trước, trong và sau cuộc chiến. Nhưng dù viết về chiến tranh hay đời thường, những tác phẩm của Thanh Quế vẫn ẩn chứa niềm tin vào cuộc sống và sự tử tế của con người.
Ông không dùng ngôn từ hoa mỹ, không cố gắng gọt giũa câu chữ để tạo ấn tượng. Trong hàng trăm bài thơ của Thanh Quế, người đọc tìm thấy những tâm sự rất thật, những nỗi niềm rất gần gũi, như thể đang nghe một người anh, người bạn tri kỷ chậm rãi giãi bày.
Sinh ở Phú Yên nhưng với Thanh Quế, mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng là chốn đi về của ông suốt mấy chục năm qua. Tính tới thời điểm này, ông xuất bản 13 tập thơ và trường ca, 24 tập tiểu thuyết, truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn và 4 tập chân dung văn nghệ, trong đó có tiểu thuyết “Cát cháy” và tập thơ “Những tháng năm vay mượn” đạt các giải thưởng văn học. Năm 2012, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Đặc biệt, trong tập thơ “Nhặt lên từ cỏ” xuất bản năm 2022, người yêu thơ gặp lại một Thanh Quế sâu sắc, cá tính, ưu tư và đầy hy vọng.
Tập thơ “Nhặt lên từ cỏ” là tập thơ không có tựa đề cho từng bài, mà ông lần lượt đánh số cho mỗi sáng tác như lời tự sự rất đời. Là nhà thơ, nhà văn dành một đời trút hết ruột gan cho câu chữ, nhưng ông vẫn cợt nhả chính mình: “Đau biết bao khi bị chê thơ dở/ Đau hơn cả là trong thơ không còn tình còn nghĩa/ Trang giấy như bãi sa mạc cằn khô” (Bài 116) và đắng cay khi nhận ra sức sáng tạo của mình đã cạn: “Tôi giẫm chân quá lâu/ trong những bài thơ cũ của mình/ Đến nỗi muốn nhấc chân lên để đi tìm bài thơ mới/ Cũng không nhấc nổi” (Bài 121). Ở tuổi ngoài 80, sức khỏe hạn chế nhưng Thanh Quế vẫn miệt mài viết. Ông bảo, viết là cách để mình sống trọn vẹn hơn, để lưu lại những gì đã qua, để kể cho thế hệ sau nghe về một thời mình đã sống, đã yêu, đã hy vọng.
3. Nhờ sự giao thoa giữa núi và biển, giữa trầm tích văn hóa và sự chuyển động không ngừng của thời đại, mà thơ xứ Quảng vừa có sự hùng vĩ, khoáng đạt của thiên nhiên, vừa thấm đẫm nỗi niềm nhân sinh. Đó là những câu thơ vẽ nên bức tranh quê với bờ tre, ruộng lúa, bãi mía, triền dâu hay con đò chiều lặng lẽ. Hoặc đó cũng có thể là những vần thơ tràn đầy khí phách, viết từ những ngày tuổi trẻ lên đường ra trận…
Nhiều người nhận xét rằng, Thu Bồn, Đông Trình hay Tần Hoài Dạ Vũ là những phong cách thi ca tiêu biểu của lớp nhà thơ trưởng thành từ thời chiến tranh. Nếu Đông Trình dung dị và chân chất trong từng câu chữ, như thể gom nhặt từ chính cuộc đời mà viết ra, thì Tần Hoài Dạ Vũ lại lắng sâu, giàu triết lý, chất chứa những suy tư về nhân sinh, thời cuộc.
Nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong đã viết về nỗi buồn và vẻ đẹp trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ rằng, chân dung tự họa của thi nhân bây giờ không còn thắp lửa đấu tranh mà quay về với tình yêu, cũng có nghĩa là quay trở lại với vùng sinh quyển cố hữu của nghệ thuật là vẻ đẹp và nỗi buồn. Ngay khi viết về nỗi buồn, nỗi buồn trong thơ được ông nâng niu trìu mến, nỗi buồn đẹp mà sang trọng, day dứt quặn thắt mà không bi lụy.
Trải qua nhiều thập kỷ, từ những nhà thơ đã thành danh đến người sáng tác trẻ hôm nay, dòng chảy thi ca xứ Quảng vẫn chưa bao giờ ngừng lại. Có người chọn cách lưu giữ vẻ đẹp xưa cũ, có người viết nên những trang thơ của thời đại mới trẻ trung hơn, táo bạo hơn, nhưng điểm chung vẫn mang một tình yêu quê hương, xứ sở. Trong dòng chảy tự tình mà chầm chậm đó, những diễn đàn thơ, những tập san văn nghệ vẫn miệt mài kết nối những tâm hồn đồng điệu, để thơ vẫn luôn là miền dịu dàng neo giữ mọi ký ức, nỗi lòng và tâm hồn thi nhân.
TIỂU YẾN