Như nhà thơ, nhà văn Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố đã nói: “Đà Nẵng đẹp, Đà Nẵng nên thơ, người Đà Nẵng mạnh mẽ nhưng luôn yêu cái đẹp, yêu thơ”. Những bài thơ giàu cảm xúc, đã gửi gắm tình yêu quê hương, tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa Đà Nẵng. Mỗi tác giả một giọng điệu, một cách thể hiện; mỗi bài thơ là một mảnh ghép sinh động làm nên bức tranh Đà Nẵng suốt dặm dài lịch sử phát triển.
![]() |
"Đà Nẵng mùa xuân" một tập thơ quần tụ những bài thơ mới - cũ xen lẫn với đầy những thao thiết viết về Đà Nẵng mới ra mắt gần đây. Ảnh: Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng cung cấp |
Chung tình yêu lớn
Từ những bức tranh xuân rực rỡ trên bán đảo Sơn Trà đến ký ức về những năm tháng hào hùng tại Hải Vân, và cả sự sống động của đời sống hôm nay trên dòng sông Hàn, thơ viết về Đà Nẵng, từ thơ kháng chiến đến thơ hiện đại đều thể hiện rất rõ sự tri ân sâu sắc đến lịch sử và những con người có chung tình yêu lớn lao, cùng vun đắp nên mảnh đất này.
Nhà văn Nguyễn Kim Huy đầy thao thiết với Đà Nẵng nhìn từ... thơ, đem đến một góc nhìn mới về tiến trình thơ ca của Đà Nẵng từ thời kỳ kháng chiến đến hiện đại. Đó là, tiếng gọi thiêng liêng trong chiến tranh “Đà Nẵng gọi ta như người mẹ gọi con/ Như người yêu gọi người yêu xa cách” (Thu Bồn, Đà Nẵng gọi ta). Người đọc có thể mường tượng ra không khí náo nức niềm vui ngày giải phóng thành phố, tháng 3-1975, qua những câu thơ tuyệt hay, đẹp đẽ, sâu lắng và tràn ngập cảm xúc trong bài “Thành phố tháng Ba” của nhà thơ Hoàng Tư Thiện với lừng lững “bầu trời thành phố mênh mông”: “Tháng Ba tháng Ba/ Ơi tháng Ba/ Khi con tu hú gọi mùa rôm rả/ Những tấm lưới sãi lòng mình quanh Bến Đá/ Cá khơi luồng tấp nập bãi Thanh Khê... / Từ chiếc nôi nhỏ của một tời tấm bé/ Đến bầu trời thành phố mênh mông”…
Bức tranh sống động về Đà Nẵng suốt dặm dài lịch sử phát triển tiếp tục được khắc họa rõ nét trong từng tác phẩm thơ, ở đó nhà thơ Đông Trình xúc động ca ngợi trong trường ca “Từ chiếc tao đời mẹ ru”. Trong những nghiên cứu về thơ Đông Trình, đều tóm gọn rằng, thơ ông có thế mạnh ở cấu trúc, ngôn ngữ, thi ảnh và cả nhạc tính nhưng đặc sắc hơn là cách kết thúc bài thơ luôn vượt khỏi dự cảm người đọc.
Những bài thơ sau bao nhiêu dằn xóc đời mình với những vết cứa rỉ máu trái tim thi sĩ giữa thời cuộc đổi thay, ông một lần nữa “vặn mình” để sống, để yêu và để đi tìm. Nhiều lúc ông tự tách mình ra khỏi hiện hữu, lao vào một “thế giới siêu thực” để không chấp nhận lỗi thời.
Các nhà thơ Đà Nẵng luôn yêu mến, gắn bó với đất, người Đà Nẵng. Hầu hết đều có những trang viết sâu đậm ân tình, phóng khoáng đẹp đẽ và cũng không ít những trở trăn suy nghĩ về Đà Nẵng, đặc biệt dành một tình yêu lớn lao với vùng đất nơi đây. Nhà thơ Ngân Vịnh gọi tên “Đà Nẵng mến yêu” như để thấu tỏ lòng: “Nơi đây không sinh ra tôi/ Vẫn để cho lòng tôi thấu tỏ”. Nguyễn Nhã Tiên vừa hùng trang viết “Sử thi Sông Hàn”: “Có một sông Hàn ngày ngày ra biển/ Lại trăm sông Hàn chảy thấm vào thơ” vừa dịu dàng rưng rưng “Nghe em hát bên bờ sông Cổ Cò”. Bản thân nhà thơ, nhà văn Nguyễn Kim Huy cũng thao thức cùng thành phố với “Đêm Hàn giang”: “Hàn giang đêm, em và anh/ Hai bờ ngoảnh mặt cho mình lứa đôi”.
Hòa chung dòng chảy thơ ca của đất nước, những bài thơ viết về Đà Nẵng là những tư liệu sống động, giúp độc giả hôm nay hiểu hơn về những khó khăn và hy sinh của thế hệ đi trước. Là những lát cắt chân thực về một thời kỳ không thể nào quên. Những bài thơ không còn đơn thuần là cảm xúc riêng tư cá nhân mà qua đó, tác phẩm không chỉ ghi lại lịch sử mà còn truyền cảm hứng và bài học về lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần đoàn kết cho các thế hệ mai sau; là những bản hùng ca về tình yêu, lòng hy sinh và khát vọng hòa bình của dân tộc. |
Giá trị nhân văn và lịch sử
Hòa chung dòng chảy thơ ca của đất nước, những bài thơ viết về Đà Nẵng là những tư liệu sống động, giúp độc giả hôm nay hiểu hơn về những khó khăn và hy sinh của thế hệ đi trước. Là những lát cắt chân thực về một thời kỳ không thể nào quên. Những bài thơ không còn đơn thuần là cảm xúc riêng tư cá nhân mà qua đó, tác phẩm không chỉ ghi lại lịch sử mà còn truyền cảm hứng và bài học về lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần đoàn kết cho các thế hệ mai sau; là những bản hùng ca về tình yêu, lòng hy sinh và khát vọng hòa bình của dân tộc.
Nhận xét thơ về Đà Nẵng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Nguyễn Nho Khiêm cho rằng, với ánh nhìn từ quá khứ đến hiện tại và hướng tới tương lai đã nói rằng, thông qua việc khắc họa những mất mát đau thương, các nhà thơ, thi sĩ đồng thời ngợi ca sức mạnh của lòng yêu nước và ý chí quật cường, vượt qua mọi ác liệt của chiến tranh để hướng tới hòa bình. Đồng thời, là khát vọng vươn lên, tinh thần đoàn kết, sáng tạo của một Đà Nẵng trẻ trung, năng động.
Tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình này được nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm chỉ rõ trong tập thơ “Ngọn đèn của mẹ” của nhà thơ Nguyễn Đức Hạt (sinh năm 1945 tại Quảng Nam, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương) với các biểu tượng quen thuộc như ngọn đèn của mẹ, bàn tay chai sần hay những ngã đường bình yên.
Yêu nước trong thơ Nguyễn Đức Hạt không tách rời tình cảm gia đình, như cách người mẹ dõi theo con, thắp sáng ngọn đèn để tiếp sức và che chở. Tinh thần yêu nước trong tập thơ Nguyễn Đức Hạt nói chung, của những nhà thơ, thi sĩ thời kháng chiến nói riêng không phải là những tuyên ngôn lớn lao, mà hiện hữu qua những hình ảnh gần gũi và xúc động.
“Tập thơ của anh Nguyễn Đức Hạt thể hiện sự sáng tạo, nhạy cảm và tình yêu sâu đậm đối với đất nước, con người. Là lời ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh: lòng yêu nước, đức hy sinh, tình mẫu tử và tinh thần đoàn kết. Tập thơ đậm chất hào hùng, không chỉ đáng đọc mà còn đáng suy ngẫm, góp phần làm giàu thêm văn học kháng chiến của đất nước ta”, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm nhìn nhận.
Mới đây nhất, những nhà thơ, thi sĩ Đà Nẵng lại quần tụ trong tập thơ “Đà Nẵng mùa xuân” nhân dịp chào mừng Tết Nguyên tiêu Ất Tỵ và ngày Thơ Việt Nam 2025. Một lần nữa mạch nguồn thơ ca của Đà Nẵng tiếp tục vươn dòng chảy. Những bài thơ trong thi phẩm “Đà Nẵng mùa xuân” lại đến tay bạn đọc, những người yêu thơ, hoặc dĩ yêu Đà Nẵng qua những trang thơ. Cũng một lần nữa, thơ ca thể hiện rõ nét giá trị nhân văn và tính lịch sử khi khắc họa kịp thời, rõ nét tiến trình phát triển của thành phố.
Nhiều thi sĩ xưa nay và các nhà thơ hiện đại từ mọi miền đất nước cũng đã rất say đắm cùng đất thơ Đà Nẵng... Nhưng, dường như Đà Nẵng đẹp tươi thơ mộng vẫn còn đang chờ những bài thơ, những trường ca đỉnh cao xứng với tầm vóc, tinh thần, vẻ đẹp Đà Nẵng…
NHÂN HÒA ANH