“Thơ ca không làm nên thóc vàng gạo trắng nhưng làm nên giấc mơ cho người gieo trồng”, có thể thấy dù ở thời đại nào, không gian văn hóa và tầng lớp nào thơ ca vẫn luôn là mạch nguồn sâu thẳm, mang sứ mệnh kết nối để tạo nên sự thấu hiểu. Vì thế, các nhà thơ luôn là những chủ thể sáng tạo vừa mang tính độc lập, vừa cộng hưởng để “làm nên giấc mơ”. Và đến thế hệ trẻ hôm nay, họ cũng đã tự nguyện tiếp nối và thực hành dấn thân với thơ ca bằng tất cả sự say mê với những khát khao sáng tạo đích thực.
![]() |
Tác phẩm của một số tác giả trẻ tiêu biểu. Ảnh: M.A |
Những câu chuyện xoay quanh lực lượng sáng tác thơ trẻ lâu nay vẫn thu hút sự quan tâm của xã hội mà đặc biệt là những thế hệ nhà thơ đi trước, nhằm tạo dựng, nuôi dưỡng và từ đó hy vọng về những mùa thơ được tiếp nối. Người viết trẻ là lực lượng sáng tác được giới hạn trong độ tuổi dưới 35. Với những thế giới riêng nhưng họ gặp gỡ nhau về động cơ khởi nguồn sáng tạo và xa hơn là khát vọng khẳng định gương mặt thơ của bản thân.
Khởi nguyên thuận lợi
Người viết trẻ làm thơ hôm nay có nhiều cơ hội bộc lộ thế giới tinh thần và phiêu lưu chữ nghĩa rộng mở hơn những thế hệ trước. Những sáng tác của họ xuất hiện đều đặn và tạo nên những ấn tượng nhất định trên các trang báo, tạp chí văn chương đầu ngành như báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội và rất nhiều tạp chí văn nghệ địa phương; họ thành lập các trang mạng xã hội của riêng mình để giao lưu và quảng bá sáng tác; họ chủ động xuất bản những tập thơ, trường ca và tự phát hành vào đời sống…
Sống trong bầu quyển sáng tạo dân chủ, chủ trương phát triển và phát huy vai trò của văn học nghệ thuật được Đảng ta đặc biệt quan tâm, người trẻ hôm nay có những khởi nguyên hết sức thuận lợi cho việc thể nghiệm và thực hành sáng tạo. Họ có những lợi thế quan trọng về hiểu biết đời sống xã hội, những phạm vi tri thức liên ngành; sự am hiểu ngoại ngữ và được tiếp xúc sâu rộng với văn chương thế giới đương đại; được kế thừa di sản thơ ca của những thế hệ đi trước vừa thỏa sức sáng tạo. Họ làm nên những mảng màu sắc tươi mới cho sự vận động của dòng chảy thơ ca đương đại với những phác họa thơ đầy ấn tượng.
Đề tài, chủ đề trong các sáng tác của các tác giả trẻ cũng trở nên rộng mở: bản sắc văn hóa vùng miền; dân tộc thiểu số; người lính và chiến tranh cách mạng; những thế sự đời tư mang tính nhân văn, nhân bản sâu sắc; những trăn trở về nhiều vấn đề xã hội quan tâm. Những sắc thái tượng trưng, siêu thực, hậu hiện đại, tân hình thức, phê bình sinh thái, nữ quyền, liên văn bản được vận dụng và thực hành sáng tạo mang lại những hệ giá trị thẩm mỹ mới và những hình dung sống động về thế giới tâm hồn.
Có thể điểm tên một số tác giả trẻ tiêu biểu xoay quanh góc nhìn này như: Trần Đức Tín, Nguyễn Thị Kim Nhung, Phùng Thị Hương Ly, Lữ Hồng, Vân Phi, Trần Quốc Toàn, Nguyên Như, Hương Giang... Đặc biệt, tác giả Vĩ Hạ (sinh năm 2004) đoạt giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Đi tìm những bóng người” vào năm 2022; tác giả Phùng Thị Hương Ly cũng đoạt giải Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Dưới vòm hoa đại khải” năm 2024. Có thể thấy, bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, tinh thần dấn thân văn chương nghiêm túc, người viết trẻ hôm nay đã và đang từng bước xác lập vị thế và sức sống riêng của mình trên nền văn chương đương đại Việt Nam.
“Tìm cách diễn đạt bản thân”
Nhà thơ người Chile Pablon Neruda (Nobel Văn chương 1971) từng phát biểu: “Tôi không có lời khuyên nào dành cho các nhà thơ trẻ cả. Họ cần phải tự đi trên con đường của họ; họ phải đương đầu và vượt qua trở ngại khi tìm cách diễn đạt bản thân”. Những khởi nguyên ban đầu dù khởi sắc thế nào thì tất yếu những tác giả trẻ hôm nay cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định khi “tìm cách diễn đạt bản thân”.
Vốn sống chưa thực sự sâu sắc; sự am hiểu những chân giá trị thuộc về truyền thống có phần còn mờ nhạt dẫn đến chiều sâu về văn hóa dân tộc trong sáng tác chưa được sắc nét. Họ quá đi sâu vào những biểu hiện của cái tôi cá nhân mà chưa thực sự đào sâu vào những vấn đề phổ quát, những đề tài mang tính sâu rộng của xã hội. Hoặc là quá sa vào việc đổi mới, mang lại cho thơ những tân hình thức dẫn đến những giá trị tạo ra chưa thực sự đúng nghĩa với cốt lõi giá trị của thơ ca, chưa đáp ứng được nhu cầu của công chúng văn chương hiện nay.
Việc in ấn, xuất bản và phát hành các đầu sách thơ của nhiều tác giả trẻ còn gặp nhiều khó khăn. Những hạn chế âu cũng là những khó khăn đó đặt ra, vừa là tấm gương soi chiếu, vừa là thử thách để thôi thúc những tác giả trẻ không ngừng đào sâu bản thân, sống hết mình với cuộc đời, từ đó thăng hoa sáng tạo, góp phần mang lại nhiều hơn nữa những sắc thái độc đáo và mới mẻ cho dòng chảy thơ ca hôm nay.
Để nghĩ về những mùa thơ bội thu về sau, hẳn rằng công tác quan tâm và phát hiện, động viên và bồi dưỡng đội ngũ sáng tác trẻ là một tất yếu khách quan và phải được các cơ quan văn học nghệ thuật từ trung ương đến địa phương quan tâm đúng mực và hiệu quả. Con đường sáng tạo thơ ca luôn rộng mở và tử tế với những ai luôn tâm nguyện thành thực với thơ ca. Người viết trẻ sẽ tự tin có cách riêng của mình trong thực hành và thể nghiệm sáng tạo để xác tín bản thân.
TRẦN VIỆT HOÀNG