Đã hơn 50 năm trôi qua, giờ đây nhìn lại, nhiều nghiên cứu về thơ của lớp người trẻ tuổi yêu nước thời ấy đều có chung nhận xét - gọi tên, rằng, đó là “những vần thơ lửa”. Trong giai đoạn lịch sử đặc biệt ấy của đất nước, đã hình thành một loạt các cây bút ở độ tuổi đôi mươi, có văn hóa cao, dấn thân vào con đường tranh đấu và dùng thơ ca như vũ khí để chống kẻ thù xâm lược và giành lại hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
![]() |
Một buổi sinh hoạt văn nghệ yêu nước của Tổng Đoàn học sinh Đà Nẵng. Ảnh: Tư liệu |
Hồi ức
Ở Vỹ Dạ. Vườn nhà tàn tạ, xơ xác lá xao xác gió. "Bạn vẽ Bồ đề Đạt ma/ với nụ cười Di lặc" (Thanh Thảo). Không dưng hiện ra câu hỏi bình thường nhất, mà có ý nghĩa, đối với mỗi đời người và người đời: câu hỏi về tình yêu?
Tình yêu, thời ấy, giữa hoàn cảnh ấy, đầu tiên, là sự gắn kết với tình yêu quê hương, tình yêu nước từ nét tàn phai nơi ngôi nhà ấy: "Tôi yêu đất nước này chân thật/ Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi/ Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi/ Và yêu tôi đã biết làm người/ Cứ trông đất nước mình thống nhất" (Trần Vàng Sao, Bài thơ của một người yêu nước mình). Đó là một quê hương, nơi trái tim người luôn biết “rung động dưới bầu trời sao”. Quê hương ấy đã thấm vào bên trong trái tim người bằng những gì máu thịt nhất.
Và, Thái Ngọc San, buổi sáng tháng 4-1972. Chiếc xe đạp cũ và mười ngàn đồng chia sẻ dúi vội vào tay anh, trước khi cùng Trần Phá Nhạc nhảy lên chiếc xe tải “di tản” khỏi cư xá Nam Giao.
Quê hương, khi tìm ra được con đường phải đi, với anh, trong những tháng ngày khắc khoải ấy là những bước chân đi qua phố chết: "Tôi vẫn đi qua những con đường/ khô dấu cây in hằn dấu đạn.../ Tôi nhìn tôi thật đau thương/ cẳng chân dài đi qua phố chết/ những chữ viết ai còn sót lại trên tường vôi kia/ một thời quá khứ" (Thái Ngọc San, Về những con đường khô cây). Và quê-hương-tìm-thấy đã hiện ra: "Đôi mắt trong hơn biển xanh nước đầy/ Em đã lớn lên cùng với núi sông này/ Thân em nhỏ nhưng lòng em bền vững/ Tôi đã thấy em bay trong trời rộng/ Đôi cánh trắng như cánh cò bay/ Có bao nhiêu đau thương, bao nhiêu nguy biến/ Cúi xuống lòng quê hương tìm hương trìu mến". (Thái Ngọc San, Quê em).
Trước trang sách cũ
Giờ đây nhìn lại, nhiều nghiên cứu về thơ của lớp người trẻ tuổi yêu nước thời ấy đều có chung nhận xét - gọi tên, rằng, đó là “những vần thơ lửa”. Trong giai đoạn lịch sử đặc biệt ấy của đất nước, đã hình thành một loạt các cây bút ở độ tuổi đôi mươi, có văn hóa cao, dấn thân vào con đường tranh đấu và dùng thơ ca như vũ khí để chống kẻ thù xâm lược và đòi hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
Trong các tác phẩm thơ ngày ấy, dễ dàng tìm thấy nhận định chung nhất: Thơ yêu nước tại các đô thị miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975, là một mắt xích trong tổng thể nền văn nghệ dân tộc. Trong những người trẻ cầm bút khi ấy, số lượng những người viết lớn lên hoặc hoạt động tại Quảng Nam - Đà Nẵng là khá nhiều, như: Đông Trình, Tần Hoài Dạ Vũ, Phan Trước Viên, Hoàng Thoại Châu, Phan Viên Hoài, Hoài Hương, Trần Phá Nhạc, Chinh Văn, Nguyễn Hoàng Thọ…
Ngày 8-3-1965, thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ tại bãi biển Xuân Thiều (Đà Nẵng), bắt đầu mở rộng chiến tranh. Tinh thần yêu nước được khơi dậy, bùng cháy trong tầng lớp trí thức - văn nghệ sĩ. Hàng loạt tổ chức yêu nước - tiến bộ hình thành tại các đô thị miền Nam. Trong bối cảnh ấy, những người viết trẻ ý thức rõ công việc của họ.
Cảm hứng chủ đạo của dòng thơ yêu nước trong các đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 là khuynh hướng bày tỏ ý thức công dân và đấu tranh cho hòa bình - độc lập dân tộc; thể hiện ngày càng rõ, nhất là ở những người làm thơ trẻ từ thập niên 1960 về sau. Họ đã cầm bút giữa hoàn cảnh đục - trong, sáng - tối lẫn lộn. Đó là sự phức tạp trong tình hình lũng đoạn của chủ trương văn nghệ thực dân mới, bên cạnh sức ảnh hưởng của văn học dân tộc và tính chất dân chủ trong văn học thế giới (thông qua khá nhiều ấn phẩm dịch).
Nhớ lại
Và, căn phòng nơi tầng ba, Thư viện Đại học Huế, năm 1968, lần đầu gặp tác giả của “Thừa Phủ ơi, lòng ta hồng biển lửa” nổi tiếng trong giới sinh viên học sinh các đô thị miền Nam, được sáng tác hai năm sau đó: "Kiêu hùng tóc biếc bay cao/ Em tung nón rách/ Em gào tự do/ Ngày mai trên những chuyến đò/ Có cô con gái học trò sang sông/ Áo bay thơm má em hồng/ Cờ vươn cao gọi gió/ Thừa Phủ ơi/ Lòng ta hồng biển lửa!".
Tác giả những vần thơ ấy là Võ Quê, một trong những người sống sót trở về từ nhà tù Côn Đảo không thể nào quên phút giây trào nước mắt khi giữa chốn địa ngục trần gian lại nhận được tấm lòng người mẹ: "Đời sống ngục tù vốn nhiều thiếu vắng/ Thiếu bát cơm thơm mùi vị quê hương/ Thiếu bàn tay của mẹ dịu dàng"… (Võ Quê, Món quà xuân mẹ ra Côn Đảo).
Không gì khác hơn là, chính tình yêu quê hương - đất nước đã dẫn đến hành động chống lại sắt thép, bạo lực. Huỳnh Văn Hoa, trong bài viết “Nguyễn Hoàng Thọ, ánh lên những ngọn lửa hồng” đã dẫn cách nói của Võ Quê, là thứ thơ của “lửa đường phố” với dũng khí “đi giữa rừng súng máy” (Trần Phá Nhạc).
Và, dù không hề có ảo tưởng về những sáng tác của chính mình, vốn được xem là tâm tình, nhiệt huyết tuổi thanh xuân, những người cầm bút thời ấy vẫn tin rằng, văn chương - nghệ thuật là cái phần đáng quý nhất của người: "Tôi dứt khoát là người yêu nghệ thuật/ Vẽ bàn tay thành những mấu tim/ Chém vào lưng bóng tối/ Chân lý nơi mỗi tấm gương không hề phản chiếu/ Nỗi u hoài của những đường gươm/ Lướt qua đầu sự thật" (Trần Phá Nhạc, Đi giữa rừng súng máy).
Đó là sự chọn lựa dấn thân, trên cả hai bình diện ý thức công dân và ý thức nghệ sĩ. Đóng góp của họ, về mặt văn học sử, có lẽ là sự “góp máu” vào truyền thống yêu nước của dân tộc. Và thời ấy, khi ở độ tuổi còn rất trẻ, có lẽ họ chưa hề xem văn chương là sự nghiệp gì to tát. Dù vậy, những tác phẩm của họ, trong chừng mực nhất định, đã xác lập ngôn ngữ thời đại, góp thêm một hình dáng khá đặc biệt phần của thi ca hiện đại Việt Nam…
NGUYỄN ĐÔNG NHẬT