Chút xưa Đà Nẵng

"Chứng nhân xanh" giữa vùng đất kiên cường

.

Giữa lòng Đà Nẵng năng động, vẫn còn những dấu tích của thời gian, nơi những “chứng nhân xanh” lặng lẽ của lịch sử, âm thầm kể chuyện về những tháng ngày hào hùng. Cây me Phước Trường nằm trong khuôn công viên Phước Trường (đường Hồ Nghinh - Đông Kinh Nghĩa Thục - Phước Trường 15 - Lê Thước) là một trong những di tích như vậy. Tán cây rợp bóng này là biểu tượng của ký ức, chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử và tinh thần đấu tranh kiên cường của nhân dân nơi đây.

Di tích cây me Phước Trường là một trong 3 di tích lịch sử cách mạng cấp thành phố tại phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà). Ảnh: V.H
Di tích cây me Phước Trường là một trong 3 di tích lịch sử cách mạng cấp thành phố tại phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà). Ảnh: V.H

Biểu tượng của lịch sử hào hùng

Cây me ở làng Phước Trường có từ bao giờ? Câu hỏi mà cả những bậc cao niên gắn bó trọn đời với mảnh đất này khó có thể trả lời chính xác. Sừng sững giữa không gian bao la của công viên Phước Trường, với chiều cao khoảng 30 mét, tán lá xum xuê tỏa bóng, gốc cây to đến mức 3 người ôm không xuể. Trải qua bao thăng trầm, cây không chỉ là phần quen thuộc trong đời sống thường nhật mà còn khắc sâu vào ký ức, trở thành biểu tượng hào hùng trong tâm thức người dân địa phương. Bởi nhắc đến di sản xanh này, người ta không thể không kể đến sự kiện trọng đại ngày 19-8-1947.

Dưới bóng cây xanh rì ấy, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ khu Đông (Thành ủy Đà Nẵng) tổ chức cuộc mít-tinh kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh 2-9-1945. Lần đầu tiên một cuộc tập hợp công khai được tổ chức giữa lòng thành phố kể từ khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Giữa năm tháng kháng chiến gian khó, khi đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, cây me Phước Trường hiên ngang tỏa bóng như biểu tượng của lòng dũng cảm, ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất, không khuất phục trước kẻ thù.

Không dừng lại ở sự kiện này, cây còn gắn bó với nhiều giai đoạn khác trong hành trình đấu tranh của nhân dân địa phương. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, địa điểm này là nơi hội họp bí mật của các chiến sĩ cách mạng, địa điểm liên lạc và trao đổi tin tức giữa các cơ sở kháng chiến. Dưới tán cây rậm rạp, nhiều kế hoạch quan trọng được bàn bạc, các quyết định lịch sử được đưa ra, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Trải qua bao biến cố, cây me vẫn đứng đó, lặng lẽ nhìn dòng chảy thời gian trôi. Những câu chuyện về lòng dũng cảm, sự hy sinh của các thế hệ sinh sống tại làng Phước Trường xưa cứ thế được lặng lẽ ghi nhớ, trở thành phần không thể thiếu trong lịch sử địa phương. Với những giá trị lịch sử đó, sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), cây me trong khuôn viên đình làng Phước Trường (đình cũ) được Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng) gắn bia: “Di tích lịch sử cây me Phước Trường”.

Trên tấm bia ấy có khắc nội dung: “Sau khi ta chủ trương cho nhân dân hồi cư về thành phố, tại đây Thành ủy Đà Nẵng đã tập hợp đồng bào khu Đông làm lễ Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh, cờ đỏ sao vàng được treo thị uy sát đồn giặc suốt ngày 19-8-1947”.

Trong tâm thức người dân địa phương, cây me là linh hồn của vùng đất, tựa như một phần máu thịt của mình. Gắn bó với mảnh đất Phước Trường hơn 60 năm, ông Trương Văn Kiên, Trưởng Ban quản lý, bảo vệ di tích Đình làng Phước Trường luôn dành tình cảm đặc biệt cho cây me cổ thụ. Dưới tán cây xanh rợp bóng, ông Kiên không giấu được niềm tự hào khi nhắc đến những giá trị mà cây me đã gìn giữ qua bao thế hệ. Với ông, đó không chỉ là cây cổ thụ đơn thuần mà còn là biểu tượng của sức sống bền bỉ, tinh thần quật cường mà cha ông đã hun đúc trong thời kỳ đấu tranh.

“Thuở ấu thơ, tôi đã thấy cây me sừng sững giữa làng như một phần không thể tách rời của quê hương. Không ai biết chính xác cây có từ bao giờ, nhưng những câu chuyện về các buổi họp bí mật của cách mạng, tháng năm đấu tranh gian khổ vẫn luôn được cha ông truyền lại qua từng thế hệ. Vì lẽ đó, việc bảo vệ và chăm sóc di tích này không chỉ là gìn giữ một di sản, mà còn là lưu giữ ký ức, hồn cốt quê hương và cội nguồn xóm làng”, ông Kiên xúc động chia sẻ.

Dưới tán cây xanh

Ngày nay, cây me Phước Trường không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là điểm dừng chân đầy hấp dẫn đối với người dân địa phương và du khách. “Chứng nhân xanh” này vẫn lặng lẽ tỏa bóng mát, chào đón những ai muốn tìm về ký ức xưa, khám phá câu chuyện lịch sử thấm đẫm tinh thần kiên trung của nhân dân mảnh đất này.

Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, cây me Phước Trường còn có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân địa phương. Theo ông Kiên, cùng với các di tích khác, cây me cổ thụ tạo thành không gian thiêng liêng, nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng quan trọng làng Phước Trường xưa. Mỗi dịp lễ hội, các bậc cao niên lão làng cùng người dân lại tập trung để cúng tế, tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, nhân dân bình an. Tán me xum xuê trở thành nơi che mát cho các buổi họp mặt, những câu chuyện làng quê mộc mạc nhưng đượm tình người…

Nhận thức được tầm quan trọng của cây trong lịch sử và văn hóa, chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di tích này. Hàng rào bảo vệ được xây dựng xung quanh cây me, cùng với các biển báo, thông tin giới thiệu về lịch sử và ý nghĩa của di tích. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cũng được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của người dân, du khách về tầm quan trọng của việc bảo tồn di tích. Những câu chuyện về cây me được đưa trong các buổi ngoại khóa, trở thành một phần trong chương trình giáo dục lịch sử địa phương.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ chia sẻ, cây me Phước Trường là một trong 3 di tích trên địa bàn được UBND thành phố công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp thành phố. Những năm qua, chính quyền địa phương đã không ngừng nỗ lực trong công tác bảo tồn, đồng thời phát huy giá trị của di tích theo hướng gắn kết truyền thống văn hóa, bản sắc địa phương. Không chỉ dừng lại ở việc quản lý và bảo vệ, các ban ngành, đoàn thể, trường học và đơn vị trên địa bàn cũng chung tay thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về ý nghĩa của di tích. Nhiều trường học đã chủ động đăng ký chăm sóc, bảo vệ di tích, biến nơi đây thành một địa chỉ giáo dục truyền thống sinh động cho học sinh.

“Hiện phường đã triển khai số hóa thông tin giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của các di tích bằng mã QR, giúp người dân và du khách dễ dàng tiếp cận thông tin. Đây cũng là một phần trong mục tiêu xây dựng phường Phước Mỹ trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ - văn hóa của quận Sơn Trà, hướng đến hình ảnh phường giàu đẹp, an bình, văn minh và hiện đại”, bà Bình chia sẻ thêm.

Ngày nay, cây me Phước Trường không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là điểm dừng chân đầy hấp dẫn đối với người dân địa phương và du khách. “Chứng nhân xanh” này vẫn lặng lẽ tỏa bóng mát, chào đón những ai muốn tìm về ký ức xưa, khám phá câu chuyện lịch sử thấm đẫm tinh thần kiên trung của nhân dân mảnh đất này.

Dưới tán cây xanh rợp bóng với biết bao thế hệ đi qua, mang theo những câu chuyện cùng ký ức không thể phai mờ, cây me vẫn đứng đó, bền bỉ trước thời gian như nhân chứng lặng lẽ của lịch sử - người kể chuyện không lời về những tháng năm hào hùng. Và rồi, trong tiếng gió rì rào qua kẽ lá, tiếng chim hót líu lo cùng với hương thanh mát, dịu nhẹ của lá me hòa quyện thành bản giao hưởng thiên nhiên dịu êm. Ở nơi ấy, con người như được kết nối với quá khứ, lắng nghe nhịp thở của lịch sử và cảm nhận sự giao thoa giữa hiện tại với những tháng năm không thể lãng quên.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.