Dấu ấn huyện đường Đông Lâm

.

Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Năm Thành Thái thứ 11 (1899) đặt thêm huyện Đại Lộc thuộc phủ Điện Bàn”. Huyện đường được đặt tại châu Đông Lâm thuộc tổng Đại An (nay thuộc xã Đại Quang).

Bia chiến tích chiến công diệt ác tại Đông Lâm ngày 28-1-1960. Ảnh: V.T
Bia chiến tích chiến công diệt ác tại Đông Lâm ngày 28-1-1960. Ảnh: V.T

Điểm “hội quân” đầu tiên

Phan Châu Trinh cho biết trong cuốn Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký: “Năm ấy (tức năm 1908) vào hạ tuần tháng Giêng âm lịch, viên tri huyện Đại Lộc nhân việc xâu mà sách nhiễu, lại tăng khống số dân lên quá số thiệt trong xã, dân các xã không chịu nổi”. Nhân một bữa đám giỗ ở làng Phiếm Ái (nay thuộc xã Đại Nghĩa), các vị hào lý và học trò, từ câu chuyện thuế nặng sưu cao, nhân dân đói khổ, bàn viết đơn xin giảm nhẹ sưu thuế.

Ngày 10-3-1908, đoàn “xin sưu” từ các tổng, làng kéo về huyện đường Đông Lâm. Thế nhưng, tri huyện Phạm Văn Lãng đã xuống tỉnh bẩm báo việc tụ tập đông người. Trước tình huống ấy, một số người dao động, muốn bỏ về. Các thủ lĩnh quyết định tổ chức nhóm họp ngay trong huyện đường và xướng nghị trước quần chúng: “Quan đã đem việc bẩm tỉnh rồi, dầu có tan về cũng không tránh khỏi tội tụ họp đông người liên danh ký chỉ, chắc sẽ bị tra tấn lôi thôi, mang lấy cực lụy vô danh. Vậy ta cứ theo quan vác đơn xuống tỉnh kêu xin, dầu không có kết quả tốt cũng còn danh nghĩa tỏ cùng quan trên thấu rõ thực tình xin giảm sưu thuế, chứ không có điều gì trái phép”.

Từ huyện đường Đông Lâm, đoàn “xin sưu” kéo xuống tỉnh đường La Qua (Vĩnh Điện), rồi sau đó cả ngàn người bao vây Tòa Công sứ Hội An. Khí thế ngất trời. Sau này, các nhà nghiên cứu đánh giá: Phong trào chống sưu, thuế ở Quảng Nam và 10 tỉnh Trung Kỳ năm 1908 là đòn đánh thẳng vào chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, mà một trong những biện pháp chủ yếu là tăng thuế. Đồng thời, làm lung lay mạnh mẽ bộ máy thống trị cấp tỉnh, cấp phủ, cấp huyện của thực dân, phong kiến.

Nơi cáo chung chính quyền phong kiến bù nhìn

Lịch sử lặp lại. 37 năm sau, Đông Lâm lại là nơi “hội quân” trong cao trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của huyện Tây Bắc (mật danh của huyện Đại Lộc lúc bấy giờ).

Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh và Liên Xô vô điều kiện. Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định phải hành động kịp thời và phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa không chờ Trung ương và Xứ ủy mà bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một. Ngày 16-8, Ủy ban vận động cứu quốc huyện Tây Bắc bí mật tổ chức hội nghị tại nhà cụ Trần Cảnh (nay thuộc thôn Song Bình, xã Đại Quang). Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban bạo động khởi nghĩa huyện Tây Bắc do ông Ngô Quang Tám làm Chủ tịch và chính thức phát động quần chúng xuống đường biểu tình, giành chính quyền từng phần vào ngày 18-8-1945.

Cũng tại hội nghị quan trọng này, lãnh đạo Ủy ban bạo động khởi nghĩa huyện Tây Bắc đã soạn thảo một lá thư gửi tri huyện Trần Điền để khống chế và buộc y phải giao chính quyền cho cách mạng.

Ông Trần Quang Đại, cán bộ lão thành cách mạng, được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ đưa thư này. Bấy giờ, ông là tiểu đội phó đội tự vệ đỏ, tham gia bảo vệ hội nghị. Chấp hành lệnh của lãnh đạo, ngay chiều tối hôm 16-8, ông mượn chiếc xe đạp dông thẳng lên huyện đường Đông Lâm. Sau khi trao đổi với một anh là cơ sở bí mật của ta trong tiểu đội lính tập về kế hoạch hỗ trợ khởi nghĩa, chập tối đỏ đèn, ông ung dung đi thẳng vào bên trong nhà riêng của tri huyện Trần Điền (nằm trong khu vực huyện đường).

Huyện Điền vừa ăn cơm xong, mặc áo bà ba màu gụ đang ngồi nói chuyện trong phòng khách với một người dáng bộ sang trọng. Thấy ông Đại, ông ta hỏi với vẻ lo lắng: “Anh đến có việc chi không?”. Ông Đại đáp: “Tôi đem thư của cách mạng tới cho quan huyện đây!”. Nghe vậy, huyện Điền tái mặt, vội dẫn ông ra ngoài hiên và nói nhỏ: “Ngài đó là đặc phái viên của tỉnh lên nắm tình hình của Đại Lộc...”. Ông ngắt lời ngay, giọng gay gắt: “Muốn biết tình hình thì quan huyện xem thư này sẽ rõ! Hay là ngài sợ?”.

Theo lời ông Đại, lá thư đó có nội dung đại ý là: “Thời cơ cách mạng đã đến. Cách mạng báo cho quan tri huyện biết: Chỉ ủng hộ chứ không được kháng cự. Nếu kháng cự là tự sát!”. Huyện Điền run rẩy mở thư ra xem. Càng xem nét mặt y càng tái nhợt, giọng nói đứt quãng: “Anh về nói lại với mấy ảnh... tôi sẽ... tuân thủ đúng theo thư này”.

Đúng theo kế hoạch, 5 giờ sáng ngày 19-8-1945, nhân dân các tổng của huyện Đại Lộc kéo về sân huyện đường Đông Lâm với khí thế hừng hực. Trước hàng nghìn người biểu tình, Ủy ban bạo động khởi nghĩa huyện Đại Lộc công bố 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và tuyên bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của huyện. Đến 13 giờ cùng ngày, tri huyện Trần Điền đã phải xin giao nộp huyện đường, triện cùng tất cả hồ sơ liên quan. Ta tịch thu được 6 khẩu súng, 12 viên đạn chì và 9 đồng bạc Đông Dương. Cách mạng Tháng Tám 1945 ở huyện Đại Lộc thành công đã góp phần vào thắng lợi chung của tỉnh Quảng Nam - một trong 4 tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Sau khi Hiệp định Genève 1954 được ký kết, Đông Lâm là quận lỵ của quận Đại Lộc. Đông Lâm cũng là một trong 6 trung tâm huấn luyện chính của địch ở Đại Lộc - thực chất là nơi thí điểm các hình thức tra tấn dã man nhất, tàn bạo nhất đối với những người yêu nước và gia đình cách mạng trung kiên. Đêm ngày 28-1-1960, ta tổ chức tiêu diệt Chi phó Công an quận Đại Lộc kiêm Giám đốc Khu huấn chính, ngay tại nhà riêng tại khu vực huyện đường Đông Lâm, gây tiếng vang lớn, khích lệ tinh thần cách mạng của nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương.

Để bảo đảm an toàn, cuối năm 1962, địch buộc phải chuyển quận lỵ Đại Lộc từ Đông Lâm về Ái Nghĩa.

VÂN TRÌNH

;
;
.
.
.
.