Tháng Hai rét lộc, tôi nghe bà tôi lẩm bẩm câu ấy khi chuẩn bị ra chùa. Chưa kịp hỏi thêm, bóng dáng nhỏ nhắn lẩn trong màu áo nâu và vành khăn đen nhánh đã khuất xa phía cổng. Nhìn ra ngoài vườn, thấy thấp thoáng những chồi cây đã âm thầm lớn dậy. Có phải vì gặp tiết trời mưa ẩm - là cái cớ của sự hồi sinh sau những ngày đông tháng giá.
![]() |
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Vừa mới ngày nào của tháng Giêng, còn là cái lạnh tê tái, cắt da cắt thịt, đến độ những bông hoa phải rụng hết cánh chỉ còn trơ lại phần đài bám trụ. Thế mà sau một vài đêm, nguồn ấm từ đâu truyền lại bỗng đánh thức những tơ non, búp nõn.
Tháng Hai vẫn có gió, có mưa, có nắng... nhưng gió, mưa và nắng thật lạ lùng! Gió không phải là cái gió se sắt, lạnh lẽo mà mơn man như giãi bày, thủ thỉ. Đủ để người ta khoác tấm áo nhẹ, quàng chiếc khăn mỏng ra đường làm duyên cùng cỏ cây, hoa lá. Xui khiến người ta gặp nhau mà trao đôi câu chuyện tâm tình, thế sự.
Mưa tháng Hai đích thị mưa xuân, là thứ mưa phơi phới như gieo tơ, rắc bột; chẳng đủ làm ướt tóc kẻ lại, người qua. Thứ mưa ấy dịu dàng vương trên má, thấm trên môi làm nở những đóa hoa hàm tiếu như nụ cười những cô gái mới lớn. Thứ mưa ấy rưng rưng trong mắt, mân mê vạt áo liền chị, liền anh trong ngày hội làng và thấm đẫm lời ca nơi đầu đình, bến nước... Nắng tháng Hai thi thoảng bừng lên, là thứ nắng non của mùa xuân: mỏng manh và mềm mịn. Chỉ kịp làm ấm những mầm xanh mới lớn, đủ hong chút đỗ cuối mùa của bà còn sót lại, đợi hôm nào nấu mẻ chè hoa cau.
Ngày âm ấm, nồng nàn, đêm rón rén băn khoăn. Có những khi khó dỗ giấc ngủ vì bứt rứt, đắp thêm tấm chăn thì nóng mà nằm không lại lạnh. Thời tiết cắc cớ đến khó chịu. Tháng Hai yên tĩnh mà dường như lại cũng rất rộn ràng.
Không còn cái đông vui nhộn nhịp của những ngày quanh quẩn Tết, không còn sự tụ họp đông đủ ồn ào. Những con đường, góc phố vốn huyên náo bỗng lặng lẽ vô chừng. Tưởng có thể cảm được vị đất, vị trời trong từng nếp áo, nếp khăn. Trong nhà như đếm được bước đi của thời gian qua tiếng tích tắc chiếc đồng hồ trên tường, tiếng trở mình của con thạch sùng giấu mình trên mái ngói. Đàn gà cũng vắng bóng và bớt tiếng hơn hẳn những ngày cuối năm. Mọi sự như nghỉ ngơi và ngẫm ngợi để bắt đầu những điều rất mới.
Nhưng tháng Hai cũng rộn ràng, xao động làm sao! Là cái rộn ràng trong âm thầm tích tụ. Chẳng phải bao nhiêu nguồn nhựa đang trào dâng và rạo rực giữa tạo vật đấy thôi. Chẳng phải mỗi ngày lại thấy cỏ cây điểm thêm những sắc màu cho tấm áo mới. Và bầy chim cũng say sưa ca hát, bài ca về niềm tin yêu, hy vọng.
Tháng hai rất nhanh mà dường như cũng chậm.
Nhanh khi người ta bận đi du xuân, trẩy hội, mải miết với tiếng trống, canh chầu khắp chốn, khắp nơi. Những lễ hội dọc mùa tưởng nối dài miên man từ làng này sang làng khác, từ buổi nọ tới buổi kia không ngơi nghỉ. Đi như sợ mùa xuân sẽ hết, lại phải đợi ba mùa dằng dặc. Nhanh khi mỗi sớm mai thức dậy thấy lòng dường như rộng mở, xênh xang.
Nhưng tháng Hai cũng chậm, là khi thấy giọt sương vương dài trên đọt lá từ sớm tinh mơ rồi ở lại cả ngày dài; làm rung lên những suy tư thầm kín trong tầng sâu nhất của ý nghĩ. Và bỗng nhiên nhận thấy những cũ kỹ, bền lâu trong cuộc sống này mới thực sự đáng trân trọng. Những nụ hoa cuối cùng trong góc vườn xòe nở đôi cánh muộn mằn mà vẫn mặn nồng, xao xuyến.
Tháng Hai, những bữa cơm gia đình thanh đạm hơn dịp Tết nhưng đong đầy ấm áp, sẻ chia. Những câu chuyện nối dài êm ả; nụ cười hiền xóa tan cái lạnh ẩm của tiết mưa bụi, gió se.
Con thuyền tháng Hai lặng lẽ trôi, chở theo bao cung bậc và tha thiết. Để rồi một khoảnh khắc nào; giữa một quãng vắng của đường và mùa, bất chợt nhìn lên cao, thấy vòm mây và màu lá mới, lòng dâng lên những đồng điệu khó cất thành lời. Là đồng điệu với an nhiên và tạo vật.
Là đồng điệu với tháng Hai!
NHẤT MẠT HƯƠNG