Năm 2000, tôi từ Phân viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội vào Báo Đà Nẵng thực tập nghiệp vụ một tháng, theo nguyện vọng, được phân về phòng Văn hóa - Xã hội do anh Trương Ngọc Phương làm trưởng phòng. Chưa kịp tiếp xúc nhiều với anh, tôi ấn tượng bởi câu khái quát của các anh chị trong phòng về người anh lớn: về đến phòng là thấy anh Phương ngồi đó, không trật đi đâu hết!
![]() |
Anh Trương Ngọc Phương trên tầng thượng khách sạn Tâm Đức, địa điểm đầu tiên Báo Giải phóng Quảng Đà đóng chân khi trở về thành tháng 3-1975. Ảnh tư liệu nhân vật cung cấp |
“Không trật đi đâu!” là cách nói riêng có của người Quảng, với anh Trương Ngọc Phương còn chỉ tính cần cù, chịu thương chịu khó, say mê công việc. Hồi đó, phóng viên của báo đi lấy thông tin về, phần lớn anh em chưa có máy tính cá nhân nên viết tin bài trên giấy A4 và trưởng phòng biên tập trên bản thảo đó. Màu mực đỏ là dấu vết biên tập, cắt câu, thêm từ, đảo đoạn.
Tôi mới là sinh viên năm 3, tay viết còn non nên bản thảo vẫn còn sửa khá nhiều, song chưa bao giờ trưởng phòng trả lại bài yêu cầu viết lại. Chứng tỏ người biên tập dày công đọc, chỉnh sửa bài viết cho phù hợp với văn phong tờ báo. Năm sau, tôi quay lại Báo Đà Nẵng thực tập tốt nghiệp 3 tháng, tiếp tục đầu quân cho Phòng Văn Xã. Ở căn phòng dưới tầng trệt số 42 Trần Phú, chúng tôi mỗi ngày tỏa đi khắp thành phố lấy tài liệu viết tin, làm bài, còn trưởng phòng vẫn cần mẫn với tập bản thảo viết tay.
Sau này, nhiều anh chị cho tôi biết anh Phương ở “trên núi xuống”, chỉ thế hệ các chú, các anh làm báo từ trong chiến tranh chống Mỹ, cơ quan đóng ở núi Hòn Tàu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam với tờ Giải phóng Quảng Đà, cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng.
“Thời điểm giải phóng thành phố Đà Nẵng, tin tức từ các chiến trường gửi về dồn dập”, anh Phương mở đầu câu chuyện về những ngày từ chiến khu trở về thành, làm báo trong không khí hăng say. Từ 26, 27 tháng 3 năm 1975, nhận thông tin chiến sự cũng như các quyết định của Thường vụ Đặc khu ủy, anh em phóng viên có anh, Hồ Duy Lệ, Vũ Thành Lê, Hoàng Văn Tín, sau có thêm Lê Nguyên Khôi, ông Hồ Hải Học phụ trách tờ báo, bắt đầu thu dọn tài liệu, máy móc để xuống núi. Cùng đi có một số phóng viên Thông tấn xã như Nguyễn Đức Quảng cũng ở trong Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà.
Từ Hòn Tàu các anh xuống Điện Thọ, huyện Điện Bàn rồi chia thành nhiều tổ để vào thành phố. Anh Phương và ông Học đi cùng tổ với thường vụ Đặc Khu ủy. Ngày 28-3 xuống đến Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm, gặp nhiều tốp lính cởi trần chạy ra cổng, ông Học hỏi mới biết là có binh biến, lính bỏ súng để trở về với gia đình. Hai ông liền làm ngay bản tin gửi ra Thông tấn xã Hà Nội, đặt tên là “Trở về với nhân dân”, phát bằng máy quay tay. Đang đi thì nghe tin phát trực tiếp về bài viết của mình kèm một bài xã luận do phóng viên Thông tấn xã viết về sự kiện này. “Hai anh em vui lắm, bởi trong điều kiện hết sức thô sơ vẫn viết được bài báo ngắn, phát gần như ngay lập tức với sự kiện”, anh Phương hồ hởi kể lại bản tin đầu tiên khi xuống núi.
Vào đến thành phố Đà Nẵng, nhóm phóng viên được đưa đến khách sạn Tâm Đức, số 192 đường Độc Lập (nay là số 184 đường Trần Phú). Các phóng viên bắt tay vào nhiệm vụ. Riêng anh Trương Ngọc Phương ghi lại các bản tin của Thông tấn xã và Đài Tiếng nói Việt Nam qua 2 cái radio, 2 máy ghi âm, chép lại trên giấy rồi đưa về các địa phương tuyên truyền cho nhân dân biết tình hình đất nước. “Thời điểm đó diễn biến thời sự quá nhanh, phóng viên thực hiện viết các bản tin, ghi chép tin tức trên đài rồi in reno đưa về các địa phương; nghe trên đài biết quân giải phóng hành quân giải phóng đến đâu thì ghi lại rồi in ra, tuyên truyền trong thành phố. Làm báo trong khí thế đó nên sau này anh cũng như các phóng viên khác làm tin rất tốt”, anh Phương chia sẻ.
Hơn hai tháng sau, vào dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ, tờ Giải phóng Quảng Đà ra số báo in đầu tiên sau khi về thành, có hình Bác Hồ trên trang nhất, sử dụng tranh khắc gỗ, ảnh kẽm. Thời điểm đó ông Hồ Hải Học được giao nhiệm vụ như một tổng biên tập, anh Phương làm thường trực tòa soạn. Mỗi số báo có số bản in khoảng 1.000 tờ. Khi tờ báo còn thơm mùi mực, các anh dùng xe jeep là chiến lợi phẩm thu được của địch, đưa báo lên Hòa Cầm, Đại Lộc, đưa vào Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An.
Đến tháng 8-1975, hai tờ Giải phóng Quảng Đà và Giải phóng Quảng Nam được nhập lại thành tờ Quảng Nam - Đà Nẵng trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng và cơ quan của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1977, Báo Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản 2 kỳ/tuần và trở thành cơ quan của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đây là thời kỳ báo có bước chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức, bên cạnh những cán bộ từ chiến khu, báo bổ sung nhiều phóng viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí, chất lượng in và phát hành có bước phát triển đáng kể.
Giai đoạn này báo mới có một tòa soạn chuyên nghiệp với đầy đủ chức danh thư ký, họa sĩ trình bày… Anh Phương được cử đi học lớp Trung cấp báo chí. Ba của chị Lê Cẩm Liên (vợ anh Phương) là Trưởng ban tin ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, nên anh được học nhiều từ những phóng viên kỳ cựu, cộng với thời gian gần 10 năm làm phóng viên, hiểu từng vùng đất khi đi về các địa phương lấy thông tin. Bản tính cần cù, chịu khó nên anh được bổ nhiệm làm Thư ký Tòa soạn từ năm 1986, 10 năm sau mới về làm Trưởng phòng Văn Xã và được bổ nhiệm Phó Tổng Biên tập từ năm 2004. Anh được xem là người kỳ cựu của tòa soạn báo, từ tờ Giải phóng Quảng Đà đến Quảng Nam - Đà Nẵng và sau này là nhật báo Đà Nẵng; cùng với đó là 5 đời tổng biên tập. Bản tính chỉn chu, nghe nhiều hơn nói, thận trọng, giúp anh đứng vững với nghề.
Trong chiến tranh, nhiều cán bộ, phóng viên hy sinh anh dũng, góp phần vào sự nghiệp báo chí cách mạng của quê hương, mà chúng ta luôn tự hào. Sau chiến tranh, chính những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm nên truyền thống vẻ vang và đáng tự hào của Báo Đà Nẵng hôm nay.
HOÀNG NHUNG