Giữ Giao thừa trong tim

.

Đêm Giao thừa năm 90. Trời trở gió.

Cái rét của những hôm giáp Tết tại miền Trung lạnh căm. Mới qua đợt lụt thì sương muối lại giăng lối. Năm nào trời thương thì thu hoạch được mấy sào. Năm nào bão lũ thì Tết cười như mếu. Thành ra, cái cơ cực in hằn cả trong những nỗ lực của người lớn, lúi húi bận kiếm đồng ra, đồng vào; in hằn vào ước mơ của sắp nhỏ, mong có quần áo mới.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Riêng nhà Khánh, chỉ biết trông chờ vào quầy pháo nổ.

Gió lùa vào khe cửa hẹp. Lá dưới đường xào xạc thổi. Khánh run người hít hà mũi. Hai ba con ngồi co ro trong sạp hàng nhỏ cách nhà mấy trăm mét, cố bán nốt vài thùng. Trong màn đêm loang lổ tối của thời khắc chuyển mùa, mọi cảm quan của Khánh chỉ còn lại mỗi cái mùi hăng hắc của đèn dầu mắt cá và màu đỏ rực của dây pháo trên kệ hàng.

Điếu thuốc cháy lách tách trên tay ba Khánh sau khi ông rít một hơi dài. Những làn khói vẽ vòng xám xịt lên bầu trời, ngược chiều gió thổi.

- Con buồn ngủ chưa?

Khánh khẽ dụi mắt:

- Con phải thức để rước ông Táo...

Ba Khánh gật gù cho một câu trả lời. Đảo mắt qua mấy kiện hàng, chút phiền muộn lại hóa thành một hơi thở sâu trĩu ngực. Khói thuốc trắng ngà bay thành đường dài như sương muối đầu mai.

Từ đợt hai ba tháng Chạp, hôm nào họ cũng túc trực ở đây. Mấy ngày trước bán buôn khá khẩm, nhà ai cũng ghé mua vài dây để treo trước cửa. Dân quê quan niệm, đầu năm có tiếng nổ đì đùng đuổi tà ma, có xác pháo đỏ rực ngoài cổng như dòng báo hỷ, chính là khởi đầu cho 365 ngày may mắn.

Hăm bảy, thấy pháo chẳng còn mấy, ông vui rạo rực bảo Khánh trông hàng. Trên chiếc xe đạp khung sắt vắt ngang, là một bóng lưng háo hức. Mua thêm năm thùng pháo nổ, ông thoăn thoắt chạy về cho kịp buổi chợ. Vậy mà lượng tiêu thụ lại đột ngột giảm. Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Giờ thì mấy thùng pháo y như quả bom nổ chậm trong nhà.

- Không biết mẹ đang làm gì ba ha?, Khánh lẩm bẩm.

- Chắc là chuẩn bị mâm cúng ngoài sân. Dù sao giờ này cũng đã muộn.

- Thế năm nay con xông đất nhà mình phải không ạ? Mẹ nói tuổi con tốt lắm.

Lấy khăn choàng cổ quàng thêm cho Khánh, ông chỉ biết bật cười:

- Con gái rượu năm nào chả tốt. 

Khánh gãi đầu ngượng ngùng, chốc lát sau cũng cười theo khúc khích.

Tầm mười một giờ đêm, khi xung quanh chỉ còn tiếng lốp bốp nghẹt bấc của đèn dầu, Khánh nhác thấy bà Triền hàng xóm. Bà ấy đang bưng cái rổ con, đạp tối tiến dần về đầu ngõ. Đến gần sạp hàng, bà khẽ nheo mắt, miệng mở to:

- Ơ hay, sao bây còn ở đây? Về, về ngay, vợ bây nó khóc bù lu bù loa ở giếng nước kia kìa!

Ba Khánh bật phắt dậy. Cái ghế đẩu bị xô ngã lệch, kêu lên một tiếng két rõ to. Ông run giọng, lắp bắp:

- Cô ơi, vợ con... cô ấy, làm sao vậy ạ?

- Ai biết đâu đấy. Tao đang vội về nhà. Chỉ thấy nó khóc ghê lắm. Bây cứ tới xem thế nào.

Dứt lời, bà Triền sải những bước dài vào đêm. Sau lưng bà là một khoảng sáng lập lòe, với hai bóng hình đang hấp tấp dọn hàng thật lẹ. Ba Khánh chạy ù tới gốc cây bàng. Khánh nhảy phốc xuống ghế, lon ton lấy khóa cửa. Mấy kiện pháo được bỏ vào thùng nhôm, cột ở yên sau xe đạp. Ba ẵm Khánh ngồi lên phía trước, rồi dắt xe về hướng giếng nước. Bước chân ông vững vàng nhưng Khánh nghe ra sự nôn nóng.

Người đàn ông với tấm lưng còng lam lũ ba bước gộp thành hai. Mấy tàn lửa đỏ còn sót sau khi đốt ụ rơm ngoài đường vẫn nhấp nháy đỏ, nóng bừng mặt. Vài ba chiếc xe đạp vụt qua, chở sau là mấy chậu vạn thọ mới tưới ngập nước sau đợt kỳ kèo trả giá. Ai nấy đều có những lo toan vội vã.

Tết nhất rồi, mong đừng ra cơ sự gì trái khuấy.

Đêm cứ kéo lê thê con đường ra giếng. Những bóng cây như nuốt chửng hai ba con. Khánh bĩu môi cố ngăn cơn nấc. Những đứa trẻ khi quá sợ đều chọn cách khóc nhè. Đường cứ xào xạc tiếng bước chân. Tiếng bánh xe đạp. Tiếng thở dốc vì cố dùng sức quá cột hơi của buồng phổi. Thời gian như đã trôi qua mấy chục phút, lại như chỉ vừa đúng một cái chớp mắt để ngăn cơn xót mỏi. Khánh nhẩm đếm nhịp tim để làm đơn vị đo lường.

Kìa, mẹ!

Khánh reo lên. Mẹ Khánh đang dùng tấm lưng để đối diện mắt cô. Cái bóng lưng lom khom hì hục xách từng gàu nước, đổ vào thùng nhựa dưới chân.

Mẹ!

Khánh gọi tiếp. Lần này bà khẽ khựng người. Khuôn mặt đầy mồ hôi quay về phía Khánh. Mắt bà đã ráo hoảnh, nhưng con ngươi vẫn đỏ ửng, còn bọng dưới thì sưng húp.

- Có chuyện gì mà còn ngồi ở đây? Không phải giờ này đang ở nhà chuẩn bị mâm cúng?

Ba Khánh dựng xe đạp cạnh gốc phượng, giành lấy gàu, tay thoăn thoắt xách lên.

Mẹ Khánh đáp lại lí nhí:

-  Nhà hết nước. Chờ mãi không thấy ông về, tui mới đi gánh.

- Xách nước thôi mà cũng khóc?

Nghĩ chồng không vui, bà cúi đầu vân vê vạt áo đã ướt nhẹp:

- Ừm thì... trời tối quá, tui bị trượt chân, đổ hết. Gần nửa đêm rồi, tui vội, sợ để qua Giao thừa thì không lấy nước được nữa. Cuống quá... hoảng... cho nên mới... cho nên...

Bà bỏ ngỏ câu kế tiếp.

Trong thoáng chốc, mọi thanh âm quanh giếng yên lặng lạ kỳ. Rồi chẳng biết ai bắt đầu, từng tràng cười khoái chí vang lên. Bên cạnh, hình như khóe môi của ba Khánh cũng cong ra đôi chút. Ông húng hắng cuống họng:

- Thật là... Có gì để tui về rồi làm. Tết, có bao giờ là muộn! Lớn rồi mà cứ y như con nít.

Ông nói xong liền xách thùng nước đặt lên vai, ra hiệu vợ dắt xe đạp. Khánh vờ như người lớn, chắp tay sau lưng, tò tò đi bên cạnh. 

- Đã mua mấy chậu vạn thọ nhỏ đặt bàn thờ má chưa?

- Đủ rồi, có cả lay-ơn màu nhung ông thích.

- Khéo vẽ chuyện, mua làm gì cho tốn...

Tiếng nói chuyện vẳng xa dần rồi mất hút. Toàn là những thứ linh tinh vụn vặt. Vậy mà nghe chừng, trong cái đêm Giao thừa hun hút lạnh, lại làm người ta chợt thấy ấm lòng tới khó tả.

Tiếng báo thức làm Khánh choàng tỉnh.

Mồ hôi cô vã ra như tắm, nhuộm lưng áo thành từng mảng ướt nhẹp. Ngồi thừ vài phút để phân biệt mơ thực, Khánh khẽ đặt tay lên ngực trái, níu lấy trái tim đang bang bang nhảy. Giấc mơ chân thật đến nỗi như thể nó mới chỉ xảy ra cách đây vài phút, chứ không phải là hơn ba chục năm trời.

Hình như Khánh mơ về ba, về mẹ, về những cái Tết đã xa.

Mở cửa sổ. Những vạt nắng sớm đậu khẽ lên mái tóc đã chẳng còn mượt như ngày thơ. Mái tóc đã bị cháy dần dưới cái nóng thị thành, sau vô số ngày ngược xuôi tìm chỗ đứng. Trong khoảnh khắc đón bình minh, Khánh mới chợt mông lung nghĩ về bao điều xưa cũ mà cô tạm khóa trong ký ức. Về những cái Tết xưa, và cả những cái Tết sau này. Cái Tết ngày trưởng thành không còn cần đi gánh nước, cũng chẳng phải cố đợi bán thêm tràng pháo hay ráng thức tới một hai giờ sáng để làm lễ đón ông Táo về nhà.

Nhưng trong ký ức của một người con xa quê gần mười năm có lẻ, cái Tết năm 90 là hồi ức đẹp với sự vừa vặn đủ: đủ tình thương, đủ thành viên, đủ kỷ niệm.

Trong những cái Tết cô đơn trên đất khách xa xôi, Khánh luôn mong có thể lại được ngồi cạnh ba bên sạp pháo. Người ta thường chẳng biết quý trọng những thứ đang có. Đến khi mất đi, họ mới ngậm ngùi tiếc nuối khi biết chúng vô giá quá đỗi. Như kỷ niệm bên ba, như thời gian bình yên ngày còn lon ton theo sau mẹ.

Khánh khẽ thở dài, cố hít một hơi. Cô tham lam lấp tràn phổi thứ không khí hiếm hoi không lẫn lộn mùi khói xe nhức mũi. Khánh sờ bên má, mang tai, mấy vết hằn thít lấy sâu hoắm. Những vết cháy da loang lổ theo dấu khẩu trang, chạm vào vẫn còn ran rát. Tự nhiên cô bật khóc, như một đứa trẻ lạc đường về.

Từ ngày mất việc, mọi chi tiêu ở thành phố trở thành một con quái vật khổng lồ đè ép vai Khánh. Khánh chật vật xin việc khắp nơi, những cái lắc đầu thay cho một lời hồi đáp. Cuối năm, mọi thứ như đang ấn cái nút tạm dừng để chờ điều gì đó. Khánh chờ không nổi, vậy là cô quyết định tạm thời chạy xe ôm công nghệ. Khánh không dám nói với mẹ. Hay đúng hơn, cô muốn giấu mẹ những điều đang đè ép mình tới nghẹt thở. Mẹ đã chẳng còn đôi chân khỏe để gánh nước. Cuộc phẫu thuật thất bại đã làm nửa người dưới của bà trở nên xơ cứng. Sau cú sốc mất chồng bảy năm trước thì giờ này đã chẳng còn thứ gì chống đỡ bà ấy đứng dậy. Cuộc sống tự dưng thật u ám...

Điện thoại đột ngột vang lên vài âm báo. Có cuốc mới. Một đơn giao hàng giá 70 nghìn, ghi chú là đồ ăn. Khánh xoa vội khóe mắt, mặc vào áo đồng phục. Xe cộ chen nhau trên đường. Khói nhả ra từ chiếc xe cũ kỹ làm cái nắng càng oi nồng. Khánh tấp vào ngôi nhà cuối hẻm theo địa chỉ. Sau cái cổng sắt màu trắng là dàn hoa giấy rũ xuống ban công tầng hai.

Khánh gọi điện thoại cho người đặt. Tiếng tút tút đều đặn vang làm cô có chút nôn nóng. Việc hủy chuyến phút chót thỉnh thoảng vẫn diễn ra. Chỉ là hôm nay, sau giấc mơ kia, tự nhiên Khánh bồn chồn hơn mọi lúc. Tâm trí cô có chút không yên lòng, chẳng hiểu vì sao.

Cửa két một tiếng, bật mở. Người phụ nữ luống tuổi khệ nệ nâng lên hộp đồ ăn nhiều tầng được bỏ sẵn trong túi.

- Cháu là giao hàng? Phiền cháu đem đồ ăn này tới địa chỉ cô đặt trên app nhé.

- Vâng - Khánh vươn tay nhận rồi treo lên trước xe - Phí ship ai trả ạ?

- A đúng, phí ship, cô trả, đây, cháu xem.

Người phụ nữ móc vội vào túi áo, lôi ra vài tờ tiền. Sau đó, như không yên tâm, lại dặn thêm:

- Trong này có canh gà cô hầm mấy tiếng, cháu cột cho chắc nhé, cô sợ bị nghiêng đổ. Với lại, cũng gần giờ cơm trưa rồi, cháu cố gắng chạy nhanh tý, cô sợ con gái cô lại bỏ bữa. Nó tăng ca đã mấy ngày chẳng được về nhà ăn một bữa no...

Khánh khựng người, trong giây lát. Ngón trỏ còn đặt tại nút chuẩn bị giao hàng trên app. Cô ngước lên. Người phụ nữ vẫn luyên thuyên dặn dò những thứ vụn vặt. Hộp đồ ăn được chỉnh tề đặt trên xe, dường như đang tỏa hương ngào ngạt. Đột nhiên cổ họng Khánh nghèn nghẹn.

- À, nói vậy thôi chứ cháu chạy cẩn thận nhé, đừng vội quá. Con gái chạy xe ôm cũng không dễ dàng gì.

Lúc này hốc mắt của Khánh đã có chút đỏ. Cô gật đầu đồng ý.

Người phụ nữ như tìm thấy đồng minh, tiếp tục tỉ tê:

-Tình hình bây giờ, kiếm tiền cũng khó quá cháu nhỉ. Tết nhất rồi, con gái cô bảo lúc này nghỉ thì sợ mất thưởng. Cô nhìn mà xót. Thật ra cô chỉ cần nó vui vẻ, khỏe mạnh. Bây giờ nghỉ cũng được, ở nhà đón Tết cùng gia đình. Kiếm thêm mấy đồng cũng chẳng giàu lên ngay. Cô già rồi, còn ở với nó được mấy cái Tết đâu.

Khánh cảm giác mắt mình đã nhòe nhoẹt. Cô lấy tay lau vội mấy cái, chào tạm biệt người phụ nữ. Chưa bao giờ Khánh thấy đợt hàng đi giao lại nặng tới như thế. Cả trái tim cô như bị bóp nghẹt. Cô nhớ tới mẹ.
Kể từ ngày thất nghiệp, Khánh không dám gọi về nhà. Gần cuối Chạp mà cô còn chưa đặt vé. Đã qua cái khoảng thời gian săn giá rẻ, hiển nhiên là Khánh không có ý định về. Cô tính chạy xuyên Tết để kiếm thêm ít tiền. Khánh thậm chí đã nghĩ sẵn lý do nếu mẹ hỏi. Có điều, cô chưa từng nghĩ tới cảm xúc của mẹ. Từ ngày ba mất, căn nhà ấy đã trống trải vô cùng...

Nhìn hộp đồ ăn, tự nhiên Khánh bừng tỉnh. Mình phải về, Khánh thủ thỉ nói nhỏ. Mai là ngày cuối năm rồi, nếu nhanh thì vẫn kịp chuyến xe cuối cùng rời bến.

Trong phút chốc, Khánh chợt nhớ tới vô số điều xưa cũ. Tại cái đêm lạnh co ro năm ấy, trên vai ba là thùng nước, bên trái là chiếc xe đạp chở pháo được mẹ dắt chậm rãi. Trong tiếng nói chuyện vọng đến, hình như đâu đó là tiếng của ba ấm tới tận dạ:

Tết có bao giờ là muộn, nếu trong tim mỗi người luôn biết lưu giữ khoảnh khắc Giao thừa!

NGUYỄN TRẦN THANH TRÚC

;
;
.
.
.
.