Loài cây no ấm

.

Bao đời nay, có loài cây không biết tự bao giờ đã xuất hiện và gắn bó như thành viên trong mỗi gia đình ở thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang). Người dân truyền tai rằng, loài cây ấy là kiệu hương, được mệnh danh là loài cây “no ấm”. Bởi nó dìu dưỡng bà con qua thời gian khó, giúp chặng đường ăn học các con thêm vững vàng và mâm cơm đủ đầy hơn, nhất là mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Cây kiệu hương sau khi thu hoạch được bó theo ký, cung cấp cho khách hàng. Ảnh: H.T.V
Cây kiệu hương sau khi thu hoạch được bó theo ký, cung cấp cho khách hàng. Ảnh: H.T.V

Nếu ở xứ hoa đào có dưa hành, thì ở xứ hoa mai có cây kiệu hương làm nên món củ kiệu, là món ăn kèm truyền thống trong ngày Tết cổ truyền của nhiều gia đình ở dải đất miền Trung. Nếu không có củ kiệu, dường như Tết thiếu đi sự trọn vẹn hương vị vốn có.

Món quà của núi rừng

Năm nào cũng vậy, cứ vào tiết trời xuân, khắp các triền đồi ở thôn Thạch Nham Tây phủ màu xanh non tơ óng ánh của cây kiệu hương. Vậy nên, tôi hào hứng rời thành phố ghé thăm các triền đồi trồng kiệu hương của người dân, để nghe họ tâm tình về kiệu, về người, về vùng đất chỉ có nắng, có gió nhưng lại có giống cây lạ. Tại sao vùng đất Hòa Vang rộng lớn nhưng duy nhất ở Thạch Nham Tây mới có thể trồng kiệu hương? bà Nguyễn Thị Trữ (70 tuổi), gần đời người gắn bó với kiệu chậm rãi nói, thực ra, bà không rõ cây kiệu hương có tự bao giờ, chỉ biết rằng, khi sinh ra, truyền thống trồng kiệu hương đã trải qua nhiều đời cha ông trong dòng họ. Đến nay, gia đình bà đã qua bốn đời trồng kiệu hương.

Lúc còn nhỏ, đôi lần, bà nghe các bô lão trong làng nói rằng, cây kiệu hương xứ này có nguồn gốc từ kiệu Huế, có hình dáng tựa cô gái mười tám, thân nở, eo thắt, củ nhỏ, nhiều nhánh kèm vị cay, giòn, nồng, thơm, đặc biệt không hăng, tạo nét riêng biệt so với các loại kiệu khác. Thời khai hoang lập địa, so với cây lúa, rau màu được trồng dưới đồng bằng thì cây kiệu hương “bắt buộc” phải trồng trên đồi đất sỏi, nằm sâu trong núi, nơi có những mạch nước ngầm ngọt mát mới phát huy hết hương vị đặc trưng.

Thủa đó, kiệu hương được trồng trên đồi cao, đoạn đường di chuyển từ nhà đến đồi xa, phải đi bộ, vòng quanh nhiều cung đường rừng mất chừng hơn nửa tiếng. Vì vậy, khi thu hoạch, bà phải đi bộ gánh kiệu hương xuống dưới xuôi khá vất vả. Nhưng bà tặc lưỡi, với bà và đa số bà con việc đó không khó khăn, chỉ đáng lo khi không có kiệu, không có nguồn thu nhập…

Bà Trữ bày tỏ, kiệu hương trồng vào hai vụ mùa là Đông Xuân và Hè Thu. Hầu hết, người dân trồng vụ Đông Xuân để thu hoạch kịp vào mùa Tết. Theo bà, trồng kiệu “dễ mà khó” bởi đỡ vất vả hơn trồng lúa, rau màu vì ít khi bị mất mùa, ít bị ảnh hưởng sâu bệnh nhưng phải chăm kỹ như con vì cỏ lên rất nhanh, làm dày luống đất, sẽ ăn kiệu bất cứ lúc nào. Để tạo ra cây kiệu hương làm nức lòng người thưởng thức gần xa, phải trải qua 5 bước.

Thứ nhất, kiệu giống bảo đảm đẹp “mã” từ lá đến củ, nhánh. Thứ hai, làm sạch đất và dọn cỏ. Thứ ba, cày đất và rải phân. Thứ tư, gieo kiệu giống sâu dưới lòng đất, chừng hơn gang tay bởi gieo nông, kiệu sẽ không phát triển. Thứ năm, sau khi gieo kiệu và lấp đất, thực hiện công đoạn phủ “bổi” (gọi là cây gỗ tươi, phải có lá) lên các luống đất để làm ẩm đất, giúp kiệu dễ dàng nứt lên, nếu không có bổi, có thể sử dụng rơm tươi.

“Theo kinh nghiệm cha ông để lại, đặc tính kiệu hương sống trong môi trường sỏi, đá, chịu hạn, kén nước tuy nhiên, thời gian đầu, để kiệu làm quen với đất phải tạo điều kiện cho kiệu ẩm đất, tưới nước sẽ không phù hợp, khiến kiệu bị ngộp nước, làm úng kiệu. Sau đó, chừng gần tháng, giở bổi và chăm sóc, nhổ cỏ khoảng ba tháng hơn. Phải chú ý hiện tượng kiệu bị lá đỏ, nếu có phải thu hoạch để bảo đảm chất lượng”, bà Trữ chia sẻ kinh nghiệm.

Người dân nơi đây luôn tâm niệm, có lẽ cây kiệu hương là món quà mà núi rừng ban tặng bởi các mạch nước ngầm sâu trong lòng đất, hòa cùng cái nắng, cái gió nơi núi rừng, góp phần nuôi dưỡng cây kiệu hương. Điều này cũng tạo nên sự đặc trưng cây kiệu hương Hòa Nhơn từ hương vị đến hình dáng so với cây kiệu được trồng dưới đồng bằng đất cát.

Cây xóa đói, giảm nghèo

Người dân nơi đây luôn tâm niệm, có lẽ cây kiệu hương là món quà mà núi rừng ban tặng bởi các mạch nước ngầm sâu trong lòng đất, hòa cùng cái nắng, cái gió nơi núi rừng, góp phần nuôi dưỡng cây kiệu hương. Điều này cũng tạo nên sự đặc trưng cây kiệu hương Hòa Nhơn từ hương vị đến hình dáng so với cây kiệu được trồng dưới đồng bằng đất cát.

Từ lâu, cây kiệu hương là bệ đỡ cho các hộ gia đình tại thôn có công ăn việc làm ổn định, cải thiện thu nhập, nhất là nhóm phụ nữ ở độ tuổi 40 trở lên và những người không đủ điều kiện làm việc tại các khu công nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo. Vào mùa Tết, cây kiệu hương là loài cây làm ra hạt dưa, mứt, kẹo, bánh cũng như bày biện mâm cơm thêm ấm cúng và trong đời sống hằng ngày, có đồng ra, đồng vào giúp các con ăn học đến nơi, đến chốn. Nhờ vậy, cây kiệu hương được người dân trong vùng đặt thêm cái tên là cây “no ấm”.

Bà Nguyễn Thị Hồng (60 tuổi), người trồng kiệu hương từ những năm 90 cho hay, giống đa số người con sinh ra từ mảnh đất trồng kiệu, từ nhỏ, ba mẹ gắn bó với kiệu hương nuôi chị em bà khôn lớn. Nối tiếp truyền thống, vợ chồng bà sau khi nên duyên cũng tiếp tục hành trình trồng kiệu hương, để bốn người con có cái ăn, cái mặc, ăn học nên người. Nhắc đến kiệu, ký ức bà chợt dội lại một thời chẻ tre, bó kiệu, bà vui vẻ nói, thời trước, kiệu hương không bán theo ký như bây chừ mà bán theo bó.

Dịp Tết, cả gia đình thức từ tối hôm trước đến sáng hôm sau để chẻ lạt tre bó kiệu, một bó lớn gồm mười bó kiệu nhỏ. “Ngày trước, tôi gieo trồng chủ yếu trên các triền đồi, về sau, tôi trồng song song dưới đồng bằng vì tuổi cao di chuyển khó khăn. Mỗi năm, tôi gieo khoảng 60kg giống kiệu, sản lượng 150-300 kg, giá 25-35 ngàn đồng/kg. Tôi chỉ canh cánh nỗi lo về sau cây kiệu hương có nguy cơ mất đi bởi đa số con trẻ lớn lên đều rời làng, ít ai tìm về với đất, với kiệu ”, bà Hồng nhìn xa xăm nói.

Giống bà Hồng, bà Trữ trồng kiệu hương trên diện tích gần 2.000m2, hằng năm, thu hoạch gần 1 tấn kiệu, doanh thu 30-40 triệu đồng. Nhờ cây kiệu mà bà có thu nhập nuôi con và trang trải kinh tế gia đình. Tuy nhiên, kiệu là loại cây khá nhọc công, đọng vốn lâu, không ít người mặn mà với nghề mà đi tìm kế sinh nhai khác, bà cũng rất lo cho tương lai kiệu hương.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, toàn thôn có gần 44 hộ trồng kiệu hương, diện tích sản xuất khoảng 8.700m2, sản lượng trung bình 150kg/500m2/vụ mùa. Cây kiệu hương được xem là nguồn thu nhập chính của người dân trong dịp Tết. Hiện nay, việc chăm sóc khá vất vả, doanh thu không cao nên nhiều người dần bỏ nghề, chỉ còn lại số ít lưu giữ truyền thống trồng kiệu, tập trung chủ yếu ở thôn Thạch Nham Tây và nhỏ lẻ ở các thôn Thạch Nham Đông, Phước Thuận và Phước Hậu.

Bà Nguyễn Thị Hồng đang chăm sóc các luống kiệu hương, nhờ kiệu hương mà gia đình bà vượt qua thời gian khó. Ảnh: H.T.V
Bà Nguyễn Thị Hồng đang chăm sóc các luống kiệu hương, nhờ kiệu hương mà gia đình bà vượt qua thời gian khó. Ảnh: H.T.V

Giữ vững thương hiệu

Đầy trăn trở và nỗi lo cho tương lai cây kiệu hương, chị Nguyễn Thị Bông (38 tuổi) cho biết, gia đình chị có truyền thống ba đời trồng kiệu hương, năm 2017, nhận thấy đầu ra của kiệu hương hạn chế, thường bị thương lái ép giá, nhất là mùa Tết vì số lượng lớn. Về lâu dài, chị lo lắng cây kiệu hương Hòa Nhơn sẽ bị xóa tên so với các loại kiệu khác. Với niềm mong mỏi giải quyết đầu ra cho người dân trong cả bốn mùa, giúp ổn định giá cả và nâng cao giá trị cây kiệu hương, chị nhen nhóm ý tưởng làm mới sản phẩm từ kiệu hương tươi như: kiệu dầm mắm chua ngọt, kiệu dầm chay, kiệu sấy khô thành phẩm…

Để làm quen thị trường, ban đầu, chị làm các sản phẩm kiệu hương bán trên mạng xã hội và được nhiều người ủng hộ, đặt hàng. Nắm bắt sự ưa chuộng các sản phẩm từ kiệu hương, năm 2018, chị trình bày ý tưởng lên UBND xã và nhận được sự ủng hộ. Thành công hơn, sau khi tìm hiểu ý kiến, nhu cầu các hộ dân, UBND xã quyết định thành lập “Tổ hợp tác kiệu hương Hòa Nhơn” (gọi tắt tổ hợp tác) ban đầu có 54 hộ tham gia, nhằm thu mua sản phẩm của các thành viên, chị là tổ trưởng tổ hợp tác.

Từ đó, tổ hợp tác nhận sự hỗ trợ từ UBND xã, như tổ chức tập huấn, hướng dẫn sơ chế, chế biến sản phẩm từ kiệu đúng quy trình, kỹ thuật đến công đoạn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tổ hợp tác được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đầu tư trang thiết bị hiện đại gồm: máy sấy khô, máy khò, màn co, máy sục ozone, máy làm mát nhằm tăng chất lượng bảo quản và chế biến sản phẩm nhanh, hiệu quả.

Chị Bông vui mừng khoe, các thành viên tham gia tổ hợp tác thu nhập 15-20 triệu đồng/sào/vụ/năm và giải quyết việc làm cho 3 lao động chính, 5 lao động thời vụ tại cơ sở chế biến kiệu hương với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, sản phẩm kiệu hương của tổ hợp tác đăng ký mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đạt chứng nhận VietGAP và tiêu chuẩn HACCP. Năm 2021, sản phẩm kiệu hương Hòa Nhơn đạt OCOP 4 sao. Việc liên kết tiêu thụ kiệu hương không chỉ tại các chợ mà còn ở một số cửa hàng, siêu thị trên địa bàn.

Tổ hợp tác nhận bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố vì có thành tích suất sắc trong phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023”. Quan trọng hơn, cây kiệu hương tạo ra nguồn sản phẩm chất lượng, giúp người nông dân sớm tiếp cận, áp dụng công nghệ tiên tiến để phát triển nông nghiệp. Điều này sẽ giữ vững thương hiệu cây kiệu hương Hòa Nhơn trên bản đồ kiệu hương cả nước.

Để rồi, trong tương lai những năm về sau, nhắc đến cây kiệu hương, cái tên vùng đất Hòa Nhơn nói riêng và Hòa Vang nói chung lại vang danh tự hào khi là nơi sản sinh, ươm mầm, nuôi dưỡng nên loài cây đặc trưng hiếm có, tuy mang vị cay nồng nhưng giúp đời sống bà con ngọt ngào qua từng năm tháng cuộc đời.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.