Người chắp bút cho Hội báo Xuân thành phố

.

Làm chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng một thời gian kỷ lục, nhà báo Ngô Quy Nhơn không những là lớp cựu trào mà còn là hình ảnh người Chủ tịch Hội để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng anh em làng báo cả nước. Xét một nghĩa nào đó, anh Nhơn còn là “quý nhơn” của Hội một thời...

Đồng chí Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (thứ ba, từ trái qua) thăm gian trưng bày Báo Đà Nẵng tại Hội Báo xuân thành phố năm 2006. Ảnh: Tư liệu
Đồng chí Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (thứ ba, từ trái qua) thăm gian trưng bày Báo Đà Nẵng tại Hội Báo xuân thành phố năm 2006. Ảnh: Tư liệu

Một sự quý trọng chân thành

Tôi kế nhiệm công việc ở Báo Đà Nẵng cuối năm 2007, thời điểm anh Ngô Quy Nhơn hoàn thành công việc của một đời công tác. Đến năm 2010 tôi được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố thay người thay anh (Nhà báo Đặng Xuân Thu). Tuy không có thời gian làm việc chung, nhưng anh Nhơn như một cái bóng phủ che nhiều hoạt động của Hội, và cả Báo Đà Nẵng khiến tôi và các anh em lớp sau quý mến, một sự quý trọng chân thành.

Thoạt nhìn bên ngoài, ấn tượng anh Nhơn để lại dễ làm người đối diện có cảm giác anh là người ham vui. Mà quả thật anh là người quảng giao, rất hiếu khách, chân thành và lúc nào cũng thấy anh bình yên, nhẹ nhàng. Anh cất nỗi lo công việc vào bên trong, giống như anh giữ những ân nghĩa cuộc đời vào kỷ niệm. Nhưng ai làm việc ở Hội Nhà báo thành phố cũng đều ghi nhận sự xông xáo của anh. Nhà báo Ngô Quy Nhơn là người xây dựng điều lệ và tổ chức làm cho giải báo chí thành phố vào quy củ và có tiếng vang, anh đặt nền móng cho việc hình thành bộ máy văn phòng và củng cố hoạt động các chi hội hội. Nhắc đến Ngô Quy Nhơn là không thể không nhắc đến người huy động và tổ chức phòng đọc báo, một cơ sở của Hội khang trang rộng rãi ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang. Và cũng chính anh là người “chắp bút” cho kế hoạch tổ chức Hội báo Xuân thành phố hằng năm…

Nói anh tay ngang làm báo cũng không hẳn là sai, theo nghĩa là phải qua trường lớp báo chí, nhưng viết lách vốn không xa lạ với anh, chất văn có trong anh từ thuở nhỏ, năng khiếu chữ nghĩa bộc lộ từ khi vào trường Tổng hợp Hà Nội lẫy lừng. Cùng lớp với anh là những người sau này làm lãnh đạo đầu ngành ở các cơ quan Trung ương và khắp các địa phương. Anh “tập kết” ra Bắc khi tuổi còn sợ đi lạc, học phổ thông rồi đại học, tốt nghiệp Khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội anh tình nguyện vào chiến trường Khu 5. Bao hoài bão và khát vọng anh dồn vào những ngày chiến đấu, nhất là sau mùa hè 1972. Công việc văn phòng tại chiến khu hút hết thời gian.

Nhiều người cùng làm việc nhớ đến tính quyết đoán, quyết liệt trong chỉ đạo và điều hành của anh Nhơn. Một sự kiện, bình luận, tuyến bài… được anh chỉ đạo tập trung và hình như anh không sợ… mất lòng, nhất là sự phê phán những điều chưa tốt, chưa đúng. Chính vì vậy, tờ báo có thể có người không thích nhưng không ai coi thường. Trong công tác Hội, vấn đề lớn nhất là tập hợp và nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp, anh Nhơn luôn đôn đốc, nhất là tổ chức các sự kiện lễ lạc nhằm tôn vinh kết quả sáng tạo của anh em nhà báo.

Dấu ấn với nghề

Nhà báo Ngô Quy Nhơn làm Quyền Tổng Biên tập Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, Phó Chánh Văn phòng, Quyền Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, sau đó là Tổng Biên tập Báo Quảng Nam - Đà Nẵng từ năm 1992 đến năm 1996 và Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng từ 1997-2007. Khoảng thời gian anh Nhơn được phân công về Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, đấy là khoảng thời gian đáng nhớ, bao tâm huyết anh dành cho việc xây dựng tờ báo. Ngày ấy chưa có măng-set “Cơ quan của Đảng bộ; Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân” nhưng ai cũng hiểu báo là của Đảng, của Tỉnh ủy nó có một sức nặng và cả sức mạnh to lớn.

Người ta nói báo chí là công cụ hàng đầu của công tác tư tưởng điều này thời nào cũng đúng. Mỗi kỳ báo phát hành là một sự kiện, tất cả các cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể, công sở, trường học… từ Dốc Sỏi đến Hòa Hiệp, từ miền núi phía Tây đến vùng biển Sơn Trà… đều náo nức đón chờ. Những bài về hợp doanh, về phát triển hợp tác xã, về đại công trường thủy lợi Phú Ninh, về sự thay da đổi thịt ở nông thôn, miền núi, nhất là các bài phê phán các hiện tượng tiêu cực, lãng phí, bất hợp lý… được dư luận quan tâm đặc biệt. Uy lực về chính trị của tờ Quảng Nam - Đà Nẵng lan tỏa khắp nước.

Bấy giờ Báo Quảng Nam - Đà Nẵng phát hành mỗi tuần ba kỳ, anh Nhơn là người lập đề án xin ra hằng ngày. Cả nước trừ tờ Hà Nội mới và Sài Gòn giải phóng, còn lại đều ra cách ngày. Khái niệm “nhật báo” là việc xa xôi. Thủ tục và nhất là điều kiện in ấn vốn phức tạp nhưng không khó bằng việc chuẩn bị đội ngũ phóng viên. Trong bộn bề vất vả ấy người đọc đến hôm nay vẫn còn nhớ những tên tuổi Tạ Xuân Linh, Ngọc Cẩn…, nhớ những bài báo mang sức chiến đấu được bà con, đảng viên hết sức quan tâm. Nhật báo Quảng Nam - Đà Nẵng ra đời là sự hiện diện độc đáo và nóng hổi trên diễn đàn báo chí toàn quốc.

Nhưng dấu ấn nổi bật của anh Nhơn là việc phát hành ấn bản Quảng Nam - Đà Nẵng chủ nhật, đây là hiện tượng của cả làng báo. Báo tỉnh lẻ mà in mỗi kỳ sáu vạn bản là mơ ước của nhiều nơi. Không biết do có những người bạn văn chương cùng thời tài giỏi hay do tấm lòng chiêu hiền đãi sĩ chân thành mà anh Nhơn làm được cái việc ít người làm được: thu hút những cây bút nổi tiếng về cộng tác. Những Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Xuyến, Hải Như… nhất là Phùng Quán với “Trường ca cây cà” là một sự kiện không chỉ báo chí mà cả văn chương.

Nhiều người cùng làm việc nhớ đến tính quyết đoán, quyết liệt trong chỉ đạo và điều hành của anh Nhơn. Một sự kiện, bình luận, tuyến bài… được anh chỉ đạo tập trung và hình như anh không sợ… mất lòng, nhất là sự phê phán những điều chưa tốt, chưa đúng. Chính vì vậy, tờ báo có thể có người không thích nhưng không ai coi thường. Trong công tác Hội, vấn đề lớn nhất là tập hợp và nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp, anh Nhơn luôn đôn đốc, nhất là tổ chức các sự kiện lễ lạt nhằm tôn vinh kết quả sáng tạo của anh em nhà báo. 

Tổng Biên tập Ngô Quy Nhơn (giữa) trao đổi kinh nghiệm làm báo với đoàn nhà báo Lào, tháng 3-2007.  Ảnh: Tư liệu
Tổng Biên tập Ngô Quy Nhơn (giữa) trao đổi kinh nghiệm làm báo với đoàn nhà báo Lào, tháng 3-2007. Ảnh: Tư liệu

Biết làm và cũng biết… chơi

Là người sôi nổi và nhất là nhiệt tình, anh em làng báo chắc không ai không ấn tượng về sự hiếu khách của người Chủ tịch Hội thành phố Đà Nẵng. Gặp vui anh có thể hát hàng mấy chục bài, say sưa và cuốn hút. Cái lôi cuốn người nghe không phải chất giọng mà chính là lời “lô” của những giai điệu được anh chế, mà hình như với khả năng bất tận chế lời ấy anh có vị trí danh bất hư truyền. Rồi chuyện anh tiếp khách và chuyện anh làm khách các nơi. Nghe kể có đoàn bạn ở phía Nam ghé thăm, sau tham quan là đến hồi giã bạn, tới giờ chia tay bịn rịn không muốn rời, anh theo xe tiễn đoàn chỉ có “một đoạn” tới… Bình Định, và khi tới nơi chôn nhau cắt rốn ấy anh đón xe quay về. Tối mịt về tới sông Hàn.

Nói nhà báo Ngô Quy Nhơn là người mát tay cũng không sai, mười sáu năm làm phó, rồi tổng biên tập, làm chủ tịch Hội Nhà báo thành phố cũng tròm trèm ba nhiệm kỳ, từ sự quán xuyến của anh gầy dựng nên cơ ngơi bề thế, anh giữ chân được những người viết giỏi, anh chăm lo đời sống cho anh em. Cũng chính là người đầu tiên dám quyết, dám chịu trách nhiệm về chủ trương cho anh em tạm ứng trả dần qua lương để góp 50% vào tiền mua xe, máy ảnh, máy ghi âm… phục vụ việc tác nghiệp.

Nhiều người cứ nghĩ do anh sinh ra ở Bình Định nên có tên Quy Nhơn, thật ra là Quí Nhơn. Vì sao lại “Quí” là một câu chuyện dài. Biết giữ kỷ niệm như lời chứng của sự thủy chung vốn là sự ân tình. Mấy năm sau khi nghỉ hưu sức khỏe của người chủ tịch sôi nổi ấy có phần giảm sút, nhưng may mắn có người vợ đảm đang, nhiều người có nhận xét rằng chính sự chu đáo, tận tụy chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ của chị mới là thứ thuốc quan trọng nhất giúp anh vượt qua những trận ốm liệt giường.
Anh Nhơn là người biết làm và cũng biết… chơi. Khen anh thì cũng là chuyện bình thường, bởi tôi nghiệm ra một điều ở anh: trang báo cuối cùng mình viết bao giờ cũng là sự thôi thúc chưa thành. Chính anh Nhơn giúp ta vui với công tác Hội và giúp ta hoàn thiện chính mình.

MAI ĐỨC LỘC

;
;
.
.
.
.