Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục 2019. Đây là bước tiến quan trọng trong nỗ lực quản lý chặt chẽ hoạt động này, đồng thời thể hiện tinh thần từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", như Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh tại kỳ họp Quốc hội khóa XV.
Một trong những điểm đáng chú ý là không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Tình trạng học thêm tràn lan lâu nay không chỉ gây áp lực cho học sinh mà còn đặt ra lo ngại về sự mất cân bằng giữa học tập và vui chơi ở lứa tuổi này. Quy định này giúp giảm áp lực học tập, tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện thay vì bị cuốn vào guồng quay học thêm quá sớm.
Tuy nhiên, từ góc độ phụ huynh, không ít người vẫn băn khoăn. Tôi từng chứng kiến chị mình hóa thân thành “mẹ hổ” mỗi tối để kèm con học nhưng đôi khi vẫn bất lực. Những bài giảng hiện nay đã thay đổi với phương pháp giảng dạy mới, nếu thiếu sự hỗ trợ từ giáo viên hay các lớp bổ trợ, phụ huynh không có chuyên môn sư phạm sẽ gặp nhiều khó khăn. Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để học sinh tiểu học tiếp cận kiến thức hiệu quả, theo kịp bạn bè đồng trang lứa mà không cần học thêm? Phải chăng cần có cơ chế hỗ trợ hợp lý hơn cho cả học sinh lẫn phụ huynh?
Thông tư cũng quy định giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Các tổ chức, cá nhân mở lớp học thêm phải đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, đồng thời công khai thông tin về môn học, thời gian, địa điểm, người dạy và học phí. Đây là bước đi nhằm nâng cao tính minh bạch, giúp cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn.
Mục tiêu của thông tư là tránh việc giáo viên cắt xén nội dung trên lớp nhằm ép học sinh học thêm. Tuy nhiên, liệu chỉ siết chặt quản lý dạy thêm có đủ để giải quyết tận gốc vấn đề? Nhu cầu học thêm không chỉ đến từ phía giáo viên mà còn từ chính học sinh và phụ huynh. Khi chương trình học vẫn nặng, áp lực thi cử còn lớn, học thêm trở thành lựa chọn gần như bắt buộc.
Kiểm soát dạy thêm chỉ là phần ngọn của vấn đề. Nếu muốn giảm nhu cầu học thêm, cần thay đổi từ gốc: chương trình học phải hợp lý hơn, phương pháp giảng dạy phải hiệu quả hơn. Khi các tiết học trên lớp hiệu quả, học sinh sẽ ít cần đến các lớp học thêm hơn. Bên cạnh đó, cần có các chương trình hỗ trợ học tập linh hoạt hơn trong nhà trường để giúp học sinh củng cố kiến thức mà không cần phụ thuộc vào học thêm.
Và quan trọng nhất, áp lực thi cử cần được điều chỉnh. Nếu các kỳ thi không quá chú trọng đến điểm số mà tập trung vào phát triển năng lực và tư duy sáng tạo của học sinh, áp lực học thêm sẽ giảm bớt. Việc đổi mới cách đánh giá học sinh có thể giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào các lớp học thêm và tạo điều kiện cho học sinh học tập một cách tự nhiên hơn.
Ở nhiều quốc gia, học sinh không cần phải chạy đua với điểm số, không phải “học ngày học đêm” để giành suất vào trường chuyên, lớp chọn. Nếu chúng ta có một hệ thống giáo dục cân bằng hơn, chú trọng vào phát triển năng lực cá nhân thay vì chỉ đánh giá qua điểm số, liệu học thêm có còn là vấn đề?
Thông tư cũng quy định dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền, chỉ dành cho ba nhóm học sinh: (1) học sinh chưa đạt yêu cầu học tập, (2) học sinh được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi, (3) học sinh cuối cấp ôn thi tuyển sinh, tốt nghiệp. Điều này đặt ra một vấn đề: những học sinh muốn học nâng cao nhưng không thuộc diện trên sẽ phải tìm đến lớp học thêm bên ngoài. Liệu có dẫn đến sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục? Nhà trường dù cố gắng đáp ứng nhu cầu học tập nhưng không thể bao quát hết. Do đó, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng về việc mở rộng đối tượng được học thêm miễn phí trong nhà trường để đảm bảo cơ hội học tập công bằng cho tất cả học sinh.
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT là một bước đi cần thiết để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm tràn lan. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc kiểm soát mà không có giải pháp toàn diện để cải thiện chất lượng giáo dục thì vấn đề vẫn sẽ tồn tại. Khi nào áp lực thi cử còn nặng nề, khi nào học sinh còn phải gánh những chương trình học quá tải, khi đó học thêm vẫn sẽ là nhu cầu không thể tránh khỏi. Cấm dạy thêm có thể giải quyết được một phần tiêu cực nhưng điều quan trọng hơn là làm sao để học sinh không còn cần phải học thêm. Đó mới là bài toán thực sự cần lời giải!
MAI TRANG