Sự tích tiền thân Đức Phật trên phù điêu Chăm

.

Di sản kiến trúc và điêu khắc Chămpa còn lại đến ngày nay phần lớn là các đền tháp và các vị thần Hindu giáo, dấu ấn Phật giáo xuất hiện không nhiều. Câu chuyện trên hai phù điêu Mỹ Sơn và Chánh Lộ đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là bằng chứng hiếm hoi về sự pha trộn và kế thừa cả truyền thống Hindu giáo và Phật giáo trong văn hóa Chămpa.

Phù điêu BTC 2 - 45.8, Mỹ Sơn (ảnh trên) và phù điêu BTC 162 - 45.20, Chánh Lộ. Ảnh: Tư liệu
Phù điêu BTC 2 - 45.8, Mỹ Sơn (ảnh trên) và phù điêu BTC 162 - 45.20, Chánh Lộ. Ảnh: Tư liệu

Hai bức phù điêu giống nhau

Hai bức phù điêu Mỹ Sơn và Chánh Lộ có nội dung chủ đề và cách thức thể hiện rất giống nhau, đó là bức phù điêu “Vũ nhạc triều đình”, ký hiệu BTC 2 - 45.8 (kích thước: dài 2m, cao 0m47, rộng 0m45), nguồn gốc từ khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) và bức phù điêu ký hiệu BTC 162 - 45.20 (kích thước: dài 2m72, cao 0m58, rộng 0m56), nguồn gốc từ di tích Chánh Lộ (Quảng Ngãi). Hình dáng và kích thước của hai bức phù điêu cho thấy đó là một dầm lanh-tô, đặt ngang phía trên của hai trụ cửa bằng đá; phía trên lanh-tô thường là một tấm trán cửa (tympan) hình vòm, nâng đỡ vòm cuốn bằng gạch của tường mặt trước của ngôi tháp.

Nội dung thể hiện gần giống nhau trên hai phù điêu. Ở giữa là một nhân vật ngồi trên ghế, chạm khắc nổi bật, được nhận diện là một vị vua. Kề hai bên vị vua là hai người cầm lọng, một người cầm quạt. Tiếp theo về phía hai bên là các nhân vật múa, đánh trống, thổi kèn và xập xõa. Từ trước đến nay, tất cả các miêu tả và giải thích về hai bức phù điêu này đều cho đây là một quang cảnh ở triều đình (cour royal, scène de cour), hoặc “vũ nhạc triều đình”; tập trung phân tích các tư thế múa và nhạc cụ thể hiện trên phù điêu.

Đến khi chúng tôi có dịp hợp tác với Bảo tàng quốc gia New Delhi, Ấn Độ, thực hiện cuốn catalogue cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, thì được các chuyên gia Ấn Độ gợi ý về một câu chuyện nhiều khả năng là chủ đề của bức phù điêu. Đó là câu chuyện về vua Sibi cắt thịt của mình để cứu một con chim bồ câu đang bị săn đuổi, được kể với một số dị bản trong Jātaka (Chuyện về tiền thân Đức Phật) và trong sử thi Mahābhārata.

Truyền thuyết về Thi Tỳ Vương

Trong văn học Phật giáo chữ Hán, vua Sibi được phiên là Thi Tỳ Vương (尸毗王), chép câu chuyện ở cõi Diêm phù đề có vị vua Thi Tỳ, một hôm, có con chim ưng đuổi bắt con chim bồ câu, chim bồ câu bay vào núp trong lòng vua, vì tâm từ bi nên vua tự cắt thịt của mình cho chim ưng ăn để thế mạng cho chim bồ câu. Bồ câu là do thần Lửa biến ra, còn chim ưng là hóa thân của trời Đế thích, vì muốn thử lòng từ bi của nhà vua mà sắp đặt việc này. Dị bản trong văn học Ấn Độ chép chuyện chim bồ câu bị người thợ săn đuổi bắt, bay vào cung đình, được vua Sibi bảo vệ.

Người thợ săn đòi nhà vua trả lại chim bồ câu; sau hồi thương lượng, người thợ săn đồng ý để nhà vua giữ chim bồ câu bằng việc tự cắt thịt của mình, bằng với cân nặng của chim bồ câu, để đổi lại cho người thợ săn. Nhà vua nói cận thần đem ra một chiếc cân, một bên đĩa cân đặt chim bồ câu, một bên đĩa cân kia đặt số thịt được nhà vua cắt từ thân thể mình. Nhưng khi nhà vua cắt thịt đặt vào cân thì trọng lượng đĩa cân có chim bồ câu cứ nặng thêm lên, cho đến khi cả thân thể nhà vua bị cắt hết thịt thì chiếc cân mới thăng bằng. Khi đó, thần Indra cảm kích trước lòng từ bi lớn lao của vua Sibi, bèn gọi các thiên y đến chữa lành, phục hồi lại thân thể của nhà vua.

Thần Indra, thần Agni cùng chư thần và các nhạc công cùng nhảy múa, tán dương vua Sibi. Văn học Phật giáo xem đó là biểu trưng của hạnh bố thí, không chỉ cho đi tất cả của cải vật chất, mà là từ bỏ tất cả những thứ mình sở hữu, kể cả bản thân.

Hình tượng nghệ thuật

Câu chuyện vua Sibi kể trên đã được thể hiện ở một số phù điêu ở Ấn Độ, Ja Va, với các dấu hiệu dễ nhận biết là chiếc cân và con chim bồ câu. Ở hai bức phù điêu Champa ở Mỹ Sơn và Chánh Lộ, chiếc cân không được thể hiện, nhưng chúng ta có thể nhận ra hình ảnh một con chim bồ câu được một cận thần của nhà vua ôm ấp trước ngực. Trên phù điêu Chánh Lộ, vị cận thần này được thể hiện ở tư thế đứng và ở phù điêu Mỹ Sơn, là ở tư thế ngồi; đều sát cạnh nhà vua. Đặc biệt, tư thế tay phải cầm kiếm đưa lên áp vào khuỷu tay trái (Phù điêu Mỹ Sơn) hoặc áp vào đùi phải (Phù điêu Chánh Lộ) đều thể hiện rõ hành vi cắt thịt của nhà vua và khó có thể có một cách giải thích nào khác về ý nghĩa của cử chỉ cầm kiếm trong hai bức phù điêu này.

Di sản kiến trúc và điêu khắc Chămpa còn lại đến ngày nay phần lớn là các đền tháp và các vị thần Hindu giáo, dấu ấn Phật giáo xuất hiện không nhiều. Câu chuyện về vua Thi Tỳ trên hai phù điêu Mỹ Sơn và Chánh Lộ là bằng chứng hiếm hoi về sự pha trộn và kế thừa cả truyền thống Hindu giáo và Phật giáo trong văn hóa Chămpa.

VÕ VĂN THẮNG
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

;
;
.
.
.
.