Tái sinh

.

Chiều buông chạng vạng, phủ lên khu vườn lớp ánh sáng mờ ảo, vàng óng như rót mật. Ngoài khung cửa sổ, ông Tư với ánh mắt lấp lánh nét tinh nghịch, khóe môi khẽ nhếch thành nụ cười thân thuộc:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- "Bính! Có muốn cùng ông du hành đến hành tinh nông nghiệp không nào?"

Đang ngồi vò đầu bứt tai trước đống bài tập toán hóc búa, Bính giật mình ngước lên. Câu nói ấy với nó chẳng khác nào một tấm vé đưa đến một thế giới khác - nơi không có những con số rối rắm, chỉ có đất đai, cây cối và niềm vui vô tư của tuổi thơ. Không chần chừ, nó bật dậy, chạy ù ra vườn, để lại sau lưng những trang giấy trắng đầy nét bút xiêu vẹo.

Bính luôn tin rằng ông Tư có một loại siêu năng lực đặc biệt, ấy là khả năng nghe được tiếng của đất, cây cỏ. Trong mắt nó, đất không chỉ là một thứ vô tri vô giác, mà là một thực thể sống, biết thở, biết chuyện trò bằng ngôn ngữ riêng mà không phải ai cũng hiểu được. Đã có lần, Bính tò mò bắt chước ông, bốc một vốc đất ẩm trong lòng bàn tay, áp sát tai lắng nghe, rồi hồn nhiên hỏi:

- Đất ơi, nói gì xem nào? Nói to lên đi!

Nhưng đất vẫn im lặng, chẳng đáp lời. Nó bèn quay sang ông, đôi mắt tròn xoe:

- Sao con hỏi mãi mà đất không chịu nói gì hả ông?

Ông Tư cười khà khà:

- Nghe được hay không là do con có đủ kiên nhẫn mà lắng lòng hay không đấy, Bính à. Đất không nói bằng lời, mà thủ thỉ qua sắc màu, lan tỏa trong mùi hương, hiện diện nơi độ tơi xốp, và kể câu chuyện của chính mình…

Từ đó, Bính không còn nôn nóng chờ đất lên tiếng nữa. Nó học cách lặng im quan sát những vườn chuối xanh mướt, cảm nhận nhịp đập âm thầm của đất. Nó dần hiểu ra rằng, có những điều không thể nghe bằng tai, mà phải lắng bằng cả trái tim.

Còn nhớ gần chục năm trước, người trồng chuối trong tỉnh lao đao khi giá chuối già hương rớt thê thảm. Chuối chín rộ, vàng ươm cả vườn nhưng không một ai mua. Nhà nó cũng chẳng ngoại lệ. Mẹ ngồi thẫn thờ bên hiên, ánh mắt dõi theo khu vườn giờ chỉ còn lại những gốc chuối xác xơ, héo rũ. Đất đai cằn cỗi, bạc màu như một vùng đất chết. Có những đêm, nó nghe thấy tiếng thở dài của ba trong màn đêm tĩnh mịch, xen lẫn tiếng gió lùa qua những tàu lá chuối. Nó hiểu rằng, làm nông chưa bao giờ là dễ dàng. Đất có thể nuôi sống con người, nhưng cũng có thể lấy đi tất cả, nếu ta không hiểu được nhịp thở của nó và không tìm được con đường bền vững giữa những cơn bão giá thất thường. Hồi đó, cả xóm chìm trong không khí ảm đạm như những ngày giáp bão. Nhà nào cũng có vườn chuối, lớn thì cả mẫu, nhỏ cũng vài sào, nhưng giờ thì chẳng ai buồn ra thăm vườn nữa. Chuối chín rục, rơi đầy gốc, không ai thèm hái.

Ông Tám Lẫm, người nông dân già nhất xóm, suốt ngày lầm lì, điếu thuốc cháy đỏ nơi đầu môi mà chẳng nói lời nào. Gần hai mẫu chuối già hương, cả gia tài của ông bao năm nuôi sống gia đình, giờ đây trĩu trịt những buồng vàng ươm nhưng chẳng ai thèm mua. Đứng giữa vườn, ông chỉ lặng người nhìn những gốc chuối già cỗi, nghe trong lòng trống hoác như mảnh ruộng sau mùa bão. Có hôm đi học về, Bính thấy cô Mận - chủ tiệm tạp hóa đầu xóm, trước đây chuyên gom chuối xanh bỏ mối cho chợ huyện đang ngồi bệt xuống thềm nhà, tay chống cằm nhìn những sọt chuối ế ẩm, mắt đỏ hoe...

Nhà chú Hòa, từng là hộ trồng chuối lớn nhất xóm, giờ lại chìm trong cảnh tiêu điều. Ngày trước, chú ấp ủ giấc mơ mở rộng vườn, tìm mối xuất khẩu sang các nước. Mới năm ngoái thôi, chú còn hào hứng tính toán trồng thêm giống chuối đẹp mã, trái nuột để đón đầu thị trường. Nhưng rồi, giá chuối rớt thê thảm, thương lái biệt tăm, hàng tấn chuối phơi dưới nắng, thối rữa từng ngày. Bao nhiêu vốn liếng đổ vào vườn, giờ chẳng khác nào cát bụi theo gió cuốn đi. Từ một người đàn ông mạnh mẽ, lạc quan, chú giờ chỉ còn biết ngồi lặng lẽ bên hiên nhà, đôi bàn tay thô ráp đan vào nhau, ánh mắt xa xăm nhìn ra vườn. Có hôm, chú cầm con dao, lầm lũi bước ra giữa những hàng cây. Tiếng lưỡi dao sắc ngọt cứa vào thân chuối vang lên khô khốc. Từng cây chuối đổ rạp, nhựa trắng ứa ra như những giọt máu. Mỗi nhát chặt như cứa vào lòng chú, như dập tắt đi một giấc mơ từng xanh mướt giữa khu vườn này. Thím Mai đứng bên thềm, lặng im, không dám can ngăn, bởi thím hiểu, chú không giận những gốc chuối vô tri, mà giận sự bấp bênh, nghiệt ngã của nghề nông. Hôm ấy, khi trời sập tối, người ta thấy chú ngồi một mình nơi góc sân, ly trà nguội ngắt trên tay, mắt trũng sâu vì những đêm trắng nghĩ suy. Một mùa thất bát đã cuốn theo cả niềm tin, cả những ước mơ, để lại trong vườn những gốc chuối ngổn ngang, xác xơ...

Bính không nhớ đã bao đêm ông nội thức trắng, lặng lẽ ra vườn chuối, đứng giữa những hàng cây lặng im trong bóng tối, lắng nghe tiếng gió xào xạc hòa cùng những tiếng thở dài không thành lời. Ông lặng lẽ, chẳng nói chẳng rằng, rồi bất chợt đạp xe lên chợ huyện, đi biền biệt đến tận tối mịt mới về, khiến cả nhà lo lắng đứng ngồi không yên. Không ai biết ông đi đâu, làm gì, chỉ thấy sau chiếc xe đạp cũ kỹ là một túi bóng lặng lẽ đung đưa, bên trong đầy những quyển sách cũ, giấy đã ố vàng theo thời gian.

Ngày ấy, Bính còn bé lắm, chưa thể thấu hết những nỗi lo toan của người lớn. Nó chỉ nhớ những đêm đông lạnh giá, chui rúc trong chiếc áo bông dày của ông, áp mặt vào tấm lưng gầy mà cảm nhận hơi ấm dịu dàng. Ngoài kia, gió rít qua khe cửa, còn trong nhà, tiếng ông lật từng trang sách sột soạt vang lên đều đặn. Nhưng đó không phải là những cuốn truyện cổ tích quen thuộc mà Bính vẫn thường nghe trước giờ ngủ, mà là những tài liệu dày cộp, chi chít con số, biểu đồ và những dòng chữ khó hiểu. Mãi sau này, khi lớn lên, Bính mới hiểu. Ông nội đã âm thầm bước trên một hành trình dài để đi tìm lời giải cho những trăn trở của mình. Ông không cam lòng nhìn vườn chuối tàn lụi, không chấp nhận phó mặc cho số phận.

Ông lặng lẽ tự học, mày mò từng trang sách cũ, tìm cách cải tạo đất, chọn giống mới, nuôi hy vọng hồi sinh khu vườn từ những gì tưởng chừng đã mất. Ông tin rằng, nếu lắng nghe được tiếng nói của đất, thấu hiểu quy luật của trời, thì rồi sẽ có một ngày vượt qua những mùa vụ thất bát, không còn bị cuốn theo những cơn bão giá vô tình.

Rồi ông Tư khuyên bà con trong xóm đừng để đất hoang hóa, bạc màu, bởi đất cũng có linh hồn, cũng biết cất tiếng nói, chỉ là con người có đủ kiên nhẫn để lắng nghe hay không. Trước những ánh mắt hoài nghi, ông Tư bắt đầu hành trình cải tạo đất, kiên quyết không để mình phụ thuộc vào phân bón hóa học như trước. Ông lặng lẽ cầm từng nắm đất trên tay, cảm nhận kết cấu, màu sắc, tự hỏi làm sao để nó giàu dưỡng chất hơn, làm sao để những gốc chuối không chỉ sống mà còn vững vàng, khỏe mạnh qua bao mùa. Ông thử nghiệm từng chút một, tận dụng thân chuối, lá chuối để ủ phân hữu cơ. Ban đầu, ông chỉ dám thay thế 35% lượng phân hóa học, rồi từng năm một, con số ấy dần tăng lên. Đất bắt đầu tơi xốp, giàu dinh dưỡng hơn. Cây không còn thụ động chờ con người bón phân mà dần biết "tự nuôi mình".

Những buồng chuối lớn dần, chắc nịch, quả tròn đều, vàng ươm, không còn lớp vỏ mỏng manh, dễ dập như trước.

Từ ngày đầu tiên tìm ra cách chăm đất, chăm cây, ông đã mơ đến ngày nải chuối quê mình có thể đường hoàng đặt chân lên những thị trường khó tính nhất. Và rồi, ngày ấy cũng đến. Chuối sạch của ông và bà con trong thôn không chỉ có mặt ở siêu thị trong nước mà còn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông. Còn nhớ, có lần, ông Tư nhận được một bức ảnh từ khách hàng bên Hàn Quốc. Trong ảnh, những nải chuối quê ông căng tròn, chín vàng óng, nằm ngay ngắn trên kệ siêu thị, bên cạnh những loại trái cây nhập khẩu cao cấp. Ông lặng người, bàn tay run run cầm bức ảnh. Chiều hôm ấy, ông một mình ra vườn, ngồi thật lâu dưới gốc chuối, lặng lẽ lau đi những giọt nước mắt. Không ai biết ông đã khóc bao lâu, chỉ biết rằng đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc, của sự đền đáp sau bao năm gồng mình cùng đất, cùng cây. Ông khóc cho những ngày gian khó đã qua, khóc cho một trang mới đã mở ra với quê hương mình.

Sự sống lại nảy mầm, đơm hoa, kết trái. Những luống đất tưởng chừng đã cằn cỗi, bạc màu giờ đây bỗng trở nên phì nhiêu, tơi xốp. Mỗi tán lá chuối vươn rộng như những cánh tay ôm trọn cả vùng trời hy vọng. Gốc chuối già thay lá, thân chuối mới lại vươn lên, xanh mướt, căng tràn sức sống như chưa từng trải qua những mùa giông bão. Người dân trong thôn không còn nhìn vườn chuối với ánh mắt trĩu nặng lo toan như trước. Thay vào đó là những nụ cười rạng rỡ mỗi vụ thu hoạch, là niềm tự hào khi từng nải chuối sạch, đẹp đẽ được nâng niu đóng gói, theo những chuyến tàu vươn xa đến những thị trường lớn.

Năm nay, một mùa thu hoạch nữa lại về, những buồng chuối nặng trĩu oằn mình trong nắng sớm. Từng chiếc lá chuối đung đưa theo làn gió nhẹ, xào xạc như một khúc nhạc vui. Trên con đường làng rợp bóng cây, những chiếc xe tải chở đầy chuối sạch nối đuôi nhau rời đi, mang theo niềm tự hào của cả một vùng quê. Bính giờ đã lớn, đủ để thấu hiểu những nhọc nhằn mà ông nội từng gánh. Nó không còn là đứa trẻ lon ton chạy theo ông ra vườn, mà giờ đây, chính nó cũng đã học được cách lắng nghe đất, thấu hiểu cây cối như ông từng làm.

Ngày tiễn lô chuối xuất khẩu đầu tiên sang châu Âu, Bính đứng cạnh ông nội, siết chặt bàn tay chai sạn, giọng thì thầm xúc động:

- Hành tinh nông nghiệp của chúng ta đã tái sinh diệu kỳ quá, ông ạ!

Phía chân trời, ánh hoàng hôn nhuộm vàng những tán cây. Làng quê yên bình, vươn mình mạnh mẽ và kiêu hãnh như những buồng chuối trĩu nặng nghĩa tình, như những con người đã kiên cường đứng dậy sau bao mùa giông bão.

LINH CHÂU

;
;
.
.
.
.