1. Mỗi sáng, hàng xóm ở chung cư bị đánh thức bởi tiếng chén bát va chạm vào nhau, tạo ra thứ âm thanh rổn rảng, ồn ã. Thứ âm thanh không phải do lỡ tay, được đọc vị rằng người tạo ra nó thản nhiên chẳng có chút nương tay.
![]() |
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Chị Đào mua căn góc ở tầng trệt đã hơn một năm nay. Chị tận dụng khoảng đất trống trong con hẻm nhỏ trước nhà mình để bán đồ ăn sáng. Hôm thì bún bò, bún riêu, bánh ướt, cháo… thay đổi theo ngày. Gọi là “tận dụng” nhưng chính xác thì là lấn chiếm không gian chung.
Quán chỉ kê được đúng hai bộ bàn ghế loại thấp, phục vụ khách ngồi ăn, cũng có khách đến mua mang về. Mỗi sáng, chị Đào thức dậy từ ba giờ, hùng hục làm cho đến sáng tờ mờ mới xong khâu chuẩn bị đồ bán.
Hồi chị Đào mới mở bán, hàng xóm qua góp ý với chị nương tay để tránh làm ồn, ảnh hưởng tập thể chung quanh. Chị Đào đanh đá đáp lại: “Việc gì tui phải nương tay? Nhà tui, làm gì là quyền của tui, chứ có sang nhà mấy người làm ồn đâu?”. Người góp ý chưng hửng. Nói ngang vậy thì ai thèm nói lại? Mà có nói cũng chắc gì nói lại? Thôi thì tránh ra cho lành. Nhưng tức. Ở chung cư thì cần có ý thức tập thể chứ?
Một sáng, có mấy anh cán bộ bên phường xuống làm việc. Nghe đâu có người gọi điện lên tổng đài khiếu nại việc ảnh hưởng đến không gian chung. Trên phường cử người xuống kiểm tra và giải quyết. Lúc họ đến, bộ bàn ghế bán thức ăn sáng còn nguyên chưa kịp dọn. Xem như mắt thấy tai nghe, khỏi phải tìm hiểu gì thêm. Chừng hơn nửa tiếng sau thì đoàn cán bộ từ nhà chị Đào trở ra. Vài người hàng xóm lấp ló đứng theo dõi, lòng mừng thầm vì tưởng đã xong chuyện. Vậy là từ nay, họ không còn phải chịu tiếng ồn mỗi sáng nữa. Ai ngờ, sáng hôm sau lại đâu vào đấy, tiếng lục đục phát ra từ căn hộ chị Đào xem chừng chẳng lỡ nhịp nào. Mọi người ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì.
Lúc vợ chồng Hà dọn đến ở căn hộ tầng trên thì quán ăn sáng của chị Đào đã mở cả năm rồi. Tâm trạng của người lần đầu chạm chân xuống nền nhà do chính mình mua khiến niềm hân hoan kéo dài đến vài tháng, nên vợ chồng Hà cũng chẳng mấy quan tâm đến tiếng ồn từ phía nhà chị Đào ở tầng dưới. Nhưng cả xóm biết tính chị Đào, ai gặp Hà cũng dành cho cô ánh nhìn thương cảm. Có người còn dò hỏi xem Hà ở đó có ổn không? Chứ trước đây, từng có người đến thuê căn hộ Hà ở, chưa tròn tháng đã chuyển đi. Nghe đâu nguyên nhân xích mích là do tưới cây, bị nhễu vài giọt nước xuống thôi mà bị la như cháy nhà. Ở trọ, người ta có nhiều lựa chọn mà, cùng lắm bỏ ra một ngày công để dọn nhà là xong. Vậy nên chủ nhà cho thuê cũng không được lâu. May sao mà bán được cho Hà nhanh gọn lẹ vậy.
Vợ chồng Hà về ở yên lành gần sáu tháng thì xảy ra sự cố. Sàn nhà tắm căn hộ của Hà không thoát nước được. Hà gọi thợ sửa ống cống đến. Họ dùng các thiết bị máy móc mà vẫn không ăn thua. Đành phải kiểm tra xem có nghẹt phía ống dưới mặt đất không. Muốn kiểm tra phải tìm ra đường ống dẫn nước chôn ở đâu. Tìm được rồi lại phải xin phép chủ nhà. Vì đường ống nằm sát tường nhà chị Đào. Hàng xóm cùng dãy nhà lắc đầu ái ngại. Ai cũng biết chị Đào khó tính. Chỉ có chị làm phiền cả xóm, chứ đố ai đụng được vào viên gạch căn hộ nhà chị. Vậy có nghĩa là nếu căn hộ gặp vấn đề trục trặc kỹ thuật, có liên quan đến nhà chị Đào thì phải cố mà chịu trận, trừ khi chị Đào chuyển đi, chủ mới đến dễ tính hơn.
Sự cố tuy nhỏ, nhưng lòng người hạn hẹp thành ra to. Vợ chồng Hà nghĩ chẳng lẽ chỉ vì chuyện này mà kêu bán nhà? Rồi lại lận đận tìm căn hộ mới. Chưa kể, nhà cửa không phải nói bán là bán ngay được. Hà càng nghĩ càng không hiểu tại sao con người ta lại hà khắc đến vậy? Vì cuộc sống cơ cực dẫn đến lòng dạ chật hẹp, hay do bản tính ích kỷ chỉ biết bản thân mình đã ăn sâu vào máu thịt?
Vợ chồng Hà an ủi lẫn nhau, tìm cách giải quyết. Ống thoát nước không phải là nghẽn hẳn, chỉ là thoát nước chậm. Nếu dùng ít, nước vẫn thoát ổn. Hà đành phải dùng nước hạn chế lại, ngày nào giặt giũ xài nhiều thì đợi cho nước thoát rồi mới xài tiếp.
Kệ, năm hết Tết đến rồi. Mọi chuyện tính sau vậy!
2. Chỉ còn hơn một tuần nữa thôi là Tết đến.
Những ngày cuối tháng Chạp, trời hanh hao nắng, Hà tranh thủ ở nhà giặt giũ, dọn dẹp căn hộ mình. Năm nào cũng vậy, làm gì thì làm, Hà dành trọn thời gian này để chuẩn bị cho việc đón Tết. Hà nghĩ, nghèo hay giàu gì thì ở tuổi của Hà, số phận cũng an bài rồi. Giờ, điều quan trọng nhất với Hà là cả nhà khỏe mạnh và bình an.
Tết này, Hà bàn với chồng sẽ về ngoại đón hai đứa nhỏ lên ở luôn. Công việc của Hà giờ cũng tạm ổn. Từ sau đợt dịch đến giờ, hai vợ chồng gửi hẳn con về cho ông bà ngoại, cuối tuần mới về thăm. Tuổi thơ của con nơi vùng nông thôn yên bình cũng tốt, nhưng được sống cùng cha mẹ mới là trọn vẹn nhất. Hà cũng biết vậy nên cô luôn mong sớm ổn định để gia đình nhỏ của mình được sum vầy bên nhau.
Chiều muộn, có mùi khét của vật bị cháy xộc lên phòng Hà, có lẽ từ căn hộ phía dưới của chị Đào. Hà liên tưởng ngay đến những vụ cháy chung cư trong thời gian gần đây. Vụ nào cũng gây thiệt hại về người, không thì về tài sản. Ở chung cư này, mọi người cũng chẳng khá giả gì. Mất một đôi dép cũng phải bỏ tiền ra mua đôi dép khác để đi. Vậy nên phải hết sức cẩn thận để phòng tránh sự cố. Khi ấy, những câu chuyện Hà nghe được về chị Đào dội lại trong tâm trí khiến Hà có chút lăn tăn. Biết đâu, như bao người khác ở chung cư, chỉ cần đụng đến chị Đào là ngay lập tức nhận lại “gáo nước lạnh” rất oan ức. Nhưng bản tính hay lo không cho phép Hà ngồi yên.
Mùi khét ngày càng nồng nặc hơn. Từ lan can phòng mình, Hà cố nhìn xuống nhưng chẳng thấy gì. Nắng chiều đã tắt hẳn, hình như còn có vệt khói mỏng len ra khe cửa khép kín nhà chị Đào.
Hà gạt bỏ hết những ý nghĩ lăn tăn trong đầu, vội vàng chạy xuống cầu thang, vòng ra lối nhà chị Đào. Mùi khét lúc này như muốn xộc vào mũi, vào miệng Hà, cô phải nín thở để khói độc không ảnh hưởng đến phổi mình. Sau tiếng gõ cửa lần thứ ba, người phụ nữ chừng hơn 40 tuổi ra mở cửa cho Hà. Có lẽ chị vừa bước ra khỏi căn phòng ngủ, nên cũng phát hiện ra có mùi lạ trong nhà. Cả hai nhìn xuống gian bếp, Hà thấy mấy quả trứng luộc trong nồi đã khô cạn nước, cháy đen thành cuộn khói nghi ngút trên bếp ga. Người phụ nữ vội chạy lại tắt bếp, thoăn thoắt lấy chiếc nồi cháy bỏ vào chậu nước.
Lúc đi ra, chị đã hiểu nguyên nhân tiếng gõ của của Hà. Chị cất giọng hiền khô, khác với tông giọng cao của chị mà Hà từng biết: “Cũng may nhờ em nhắc, chứ chị lu bu hai đứa nhỏ ở phòng, quên mất đang luộc trứng. Cảm ơn em nha!”.
Hà nhìn vào, chị gọi là “hai đứa nhỏ” nhưng Hà thấy là lạ. Trong căn phòng ngủ đã mở toang cửa, khuôn mặt và cả hình hài “hai đứa nhỏ” mà chị Đào nói chẳng giống trẻ thơ, tay chân chúng dài ngoằng, nhưng không thẳng mà co quắp lại, ánh mắt trắng nhợt vô hồn. Từ ngày về đây ở, Hà chưa từng nghe một âm thanh của trẻ nhỏ nào từ nhà chị Đào. “Đứa lớn 16, đứa nhỏ 14 rồi mà con chỉ nằm vậy thôi!”. Chị Đào nói, giọng nói có chút mắng yêu hai đứa con mình.
“Thấy chưa, chỉ ăn giỏi giúp mẹ thôi mà cũng chưa được nè cô ơi!” - chị Đào chạy vào khi thấy đứa nhỏ chuẩn bị nôn, oằn lên từng cơn. Bên cạnh là dĩa thức ăn dang dở chị đang đút cho hai đứa.
Trước lúc về, ánh mắt Hà còn chạm phải bức ảnh thờ của người đàn ông chỉ ngoài 30.
Bóng chiều chập choạng. Ngọn khói khi nãy đến giờ mới làm mắt Hà cay xè.
Cô rời đi mà lòng thì còn ở lại.
3. Chồng Hà tếu táo bảo: “Vậy là không còn lo vụ chị Đào không cho sửa ống nước nữa phải không?”.
Từ lúc rời khỏi nhà chị Đào, hình ảnh về hai đứa trẻ ở mãi trong đầu Hà. Cô miên man từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác, vẻ như mọi thứ trên cuộc đời này, khi có lời giải đáp thì đều thành hợp lý. Từ vụ việc khó đoán nhất của bà con nơi này, vào cái hôm có mấy anh cán bộ phường đến tưởng làm căng, nhưng rồi lặng lẽ rời đi. Sáng hôm sau, quán chị Đào vẫn bán bình thường, hai bộ bàn kê gọn lại hơn… đến những phản ứng gay gắt của chị Đào liên quan đến việc mưu sinh. Nếu là Hà, cô có đủ mạnh mẽ sống tiếp, làm mọi việc để nuôi con?
Buổi tối, Hà gọi video cho hai con. Bé lớn nhà Hà nay đã lên 5, rất ra dáng chị hai. Mỗi lần mẹ gọi, bé lại kiếm chỗ kê điện thoại để mẹ dễ nhìn thấy hai chị em. Bé Út thì liếng loắt kể với mẹ đủ thứ chuyện diễn ra ở trường, ở nhà... Nay Hà không nói gì, cô ứa nước mắt khi nhìn hai con khôn ngoan, mạnh khỏe. Có lẽ, chưa khi nào Hà thấy biết ơn điều tưởng như bình thường ấy, như lúc này.
Buổi sáng, vợ chồng Hà trở thành vị khách đầu tiên của quán chị Đào. Trời mùa này lành lạnh, ăn món gì nóng ấm là rất hợp. Chị Đào thoăn thoắt bưng ra hai tô cháo nóng, hành, ngò, tiêu dậy mùi thơm lừng.
Lúc ăn xong đứng lên ra về, Hà mới nhìn thấy cây mai vàng trước cửa nhà chị Đào chi chít nụ, báo hiệu một mùa hoa rực rỡ.
LA THỊ ÁNH HƯỜNG