Trong ký ức dân gian, một người đương thời thường thờ cúng từ ông bà cố mình trở lại, gồm ba đời: cha mẹ, ông bà nội (cũng có thể là cả ông bà ngoại) và ông bà cố. Từ hàng các cụ tằng trực hệ (sinh ra ông bà cố) trở đi, mỗi một thế hệ là 25 năm, các cụ được đưa về thờ chung ở nhà thờ tộc. Ở đó, mỗi năm họ được giỗ chung, gọi là hiệp kỵ vào ngày chạp mả của mỗi tộc họ.
![]() |
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Con cháu mỗi gia đình chỉ có thể nhớ về ông bà mình từ trên ông bà cố, thường là do được nghe kể lại từ người đời trước, trong những lần giỗ chạp hoặc khi gia đình sum họp. Chính những ký ức truyền đời đó và các ghi chép trong gia phả, đã tạo ra giềng mối, sợi dây kết nối gia đình rộng lớn. Đó cũng là những cuốn sử gia đình mà bạn sẽ khó tìm được ở đâu khác…
Ông già Hai năm ấy đã ngoài bảy mươi tuổi. Ông sống chung với con trai, con dâu là vợ chồng thằng Du và hai đứa cháu nội là con bé Bình mười tuổi và thằng cu An vừa lên năm tuổi. Ngôi nhà họ cùng ở tọa lạc trên con phố nhỏ ba tầng ngoài huyện lỵ. Vợ chồng ông Hai ở tầng trệt. Con dâu và cháu nội ở tầng hai. Trên tầng ba dùng làm nơi thờ ông bà. Phía sau tầng trệt, họ dùng làm nhà bếp, phòng ăn và nhà vệ sinh. Một gia đình trung bình ở thị trấn, nhà cửa như vậy là vừa đủ. Nhưng ông Hai ít khi có mặt ở nhà. Ông Hai thường lái chiếc ô-tô con bốn chỗ chạy về quê cũ, cách thị trấn non hai chục cây số. Nơi đó, ông đã xây dựng ngôi nhà ngói và giữ lại khoảng đất để trồng hoa màu. Ông cũng lập cái bàn thờ vọng ông bà để mỗi tối hay những ngày sóc vọng hằng tháng có chỗ thắp nén hương, đĩa trái cây hái ngoài vườn vào cúng. Ông gọi vài loại trái cây ấy là cái lộc của tổ tiên.
Những lúc mỏi lưng vì mải lo cuốc xới ngoài vườn, ông thường dừng tay và dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà. Ông cỡi con ngựa sắt (do ông tự đặt như vậy) để đạp vào xóm, ghé vào ngôi nhà thờ lớn của tộc, mở cửa nhẹ nhàng và rón rén cúi lạy, đốt lên vài nén hương kính cẩn, như thầm chào hỏi các bậc tổ tiên từ ngài tiền hiền đã vào đây từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, đến các vị hậu hiền cùng nhiều bậc cao đời khác. Vẫn đi chân không, ông già Hai lúc nào cũng không quên dừng lại trước ngôi cổ miếu phía trước, bên trái khuôn viên từ đường, để thắp hương vái lạy bà Tổ Cô của dòng tộc.
Động tác vái lạy của ông Hai trước linh vị bà Tổ thường là lâu hơn với những lời thưa lẩm bẩm trong miệng không ai nghe được, cho dù đứng bên cạnh. Chỉ một mình ông biết mình đã nói gì với bà Tổ Cô. Con cháu trong tộc, nhiều người đã nghe kể bà Tổ Cô rất hiển linh, luôn phù hộ cho con cháu các đời đến cầu xin bà. Nhưng bà cũng ghét những đứa con cháu không chịu lo làm ăn hay có thói trăng hoa. Cũng nghe kể, bà tổ có một cuộc tình vừa lãng mạn và thăng trầm lắm, như một tình sử từ khi bà mới lên mười sáu. Cuộc tình không đi đến đâu, vì bị bội ước. Bà quyết ở vậy cho đến già và để lại cho con cháu những lời dặn dò ai oán. Ông Hai cũng chỉ nghe câu chuyện của bà lúc đã sắp nghỉ hưu. Nhưng đó là câu chuyện sẽ nói về sau. Bởi vừa lúc ông Hai lui ra khỏi ngôi miếu thờ thì đã gặp khách…
Chú Sáu đi bộ từ ngoài đầu xóm cũng vừa bước tới khuôn viên từ đường để đi thắp hương như thường lệ. Ông Hai và chú Sáu lại cùng nhau bước vào trong sân. Thói quen của chú Sáu là luôn bỏ trong túi áo mấy lá thuốc Bông Viên đã ủi thẳng thớm và vài điếu đã quấn sẵn. Gặp ai chú cũng dừng lại, rồi rút trong túi ra quấn thêm một điếu, lấy điếu đã quấn sẵn ra mời khách. Hôm nay, do vậy, ông Hai và chú Sáu đã ngồi xuống bậc tam cấp ngôi từ đường, đốt lửa từ cái hộp quẹt ga rồi cũng phì phò một cử thuốc lá Bông Viên. Nhìn hai ông cụ nhả khói thuốc ra mờ mịt một khoảng sân, con chó vàng từ phía sân sau vội chạy đến, vẫy đuôi tỏ ra mừng rỡ.
Ông trưởng tộc Bốn Khoai thấy vậy cũng bước tới. Ba ông già lại ngồi chụm lại, bàn việc giỗ Tiền Hiền vào tháng sau. Đã bàn tới chuyện giỗ Tiền Hiền là bàn tới ngày Đông Chí hằng năm. Là mỗi phái, mỗi chi phải đóng góp bao nhiêu, thông báo cho bà con ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh lo thu xếp về. Rồi ai lo dựng rạp, ai lo bàn ghế, hoa quả. Cuối cùng là đến dự trù bao nhiêu bàn mới đủ chỗ. Có làm heo làm bò chi không, cuối cùng là huy động đám con dâu, con gái ở quanh xóm lo việc nấu nướng…
Nắng đã lên hết ngọn tre phía trước từ đường nhưng câu chuyện của ba ông già vẫn chưa đến hồi kết. Chú Sáu lại rút nhắm thuốc lá trong túi ra, mời mỗi người một điếu nữa. Ông trưởng tộc Bốn Khoai gọi vào nhà, sai đứa cháu mang ra ba ly trà xanh mà ông đã nấu sẵn trong bếp.
Trong ba người đàn ông ngồi trước từ đường buổi sáng ấy, lão Hai tuy lớn hơn hai người kia vài tuổi, nhưng ông không ở quê trong những năm chiến tranh, lại là vai nhỏ hơn trong hàng thế thứ. Ông trưởng tộc Bốn Khoai cũng tản cư ra phố. Chỉ có ông Sáu ở lại làng bám trụ và ra vào hương khói nhà thờ tộc. Có lúc ông ở hẳn trong nhà thờ. Tối nằm ngủ trên chiếc chõng tre trong góc nhà thờ, ông vẫn nghe tiếng moóc-chê (súng cối) dưới đồn địch bắn lên, ông lại chồm dậy, ôm cái ống tre đựng bộ gia phả vào lòng vì sợ cháy, nếu moóc-chê bắn trúng nhà thờ. Một lần, lúc mờ sáng, xuất hiện hai chiếc xe ủi, san bằng tất cả tre và cây cối... Khi hai chiếc xe ủi bắt đầu ủi vô hàng tre phía sau nhà thờ. Ông Sáu từ căn hầm chạy ra nói lớn: “Không được đụng tới chỗ của ông bà tui!”. Rồi ông chạy vô nhà thờ lấy ống tre đựng gia phả chạy ra giao cho thằng cháu ôm kỹ rồi lại chạy vô nhà thờ, lấy tất cả nồi hương, chưn đèn bằng đồng bỏ vào hai cái bao, thả xuống giếng. “Ông bà tao không đi đâu hết, đây là chỗ của họ!”, ông hét lớn... Ông nhớ lại chuyện đó và xoay sang nói với ông Hai:
- Cứ nghĩ đến bộ đồ đồng ấy là tui ứa gan!
Ông trưởng tộc Bốn Khoai nói thêm:
Sau này khi dựng lại nhà thờ, bà con bàn nhau bán ba sào đất của tộc để mua bốn tấm bia về dựng trên mộ cho bốn bà phu nhân của các ông hậu hiền và sắm bộ đồ đồng ni đặt trong nhà thờ để có chỗ hương khói. Công sức của chú Sáu mình đây lớn lắm… Ông bà sẽ độ trì cho chú!
Chú Sáu lại kể tiếp:
- Cũng may, đợt nớ lúc xuống tới đường cái, tui liều mạng mang cái ống tre đựng gia phả nhảy xe đò chạy thẳng ra phố để đưa cho chú Giáo giữ. Sau này ông Giáo mới dịch ra Quốc ngữ đó chứ! Nhờ rứa, trong lúc nhiều tộc họ không còn gia phả vì binh lửa, riêng tộc mình gia phả còn y nguyên, cả chữ Nho của ông bà và Quốc ngữ của ông Giáo dịch ra...
Hôm ở nhà thờ đạp xe về, lão Hai vội mở sổ tay ra ghi chép câu chuyện mà ông chú Sáu và trưởng tộc Bốn Khoai vừa kể. Lão Hai cứ nghĩ những chuyện như vậy mà ghi lại để sau này cho hai đứa cháu nội An và Bình đọc lại lúc nó lớn lên, thì có gì bằng! Lão lại nghĩ, còn bao nhiêu chuyện nữa mình chưa kịp ghi lại cho các cháu, nên cứ nghe mấy bà con kể những lúc nhàn tản thì quý lắm. Cuộc chiến tranh hơn chục năm thổi qua làng, có thể thiêu rụi bao nhiêu nhà cửa, ruộng vườn, nhưng làm sao đốt cháy được trí nhớ và tình cảm của con người…
Nghĩ tới đó, ông Hai lại nghĩ đến cái lộc đã được bà Tổ Cô thương tình độ trì cho mình lúc cầu khẩn bà cho được thằng cháu cu An để nối dõi sau này…
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG (Trích truyện dài Vòng Đời)