Đà Nẵng và khát vọng vươn mình

.

Sau nửa thế kỷ đồng hành cùng đất nước, giờ đây Đà Nẵng đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Kỷ nguyên phát triển mới đương nhiên có những yêu cầu mới và những nhu cầu mới, do vậy để có thể tự tin đồng hành cùng dân tộc trong tương lai, Đà Nẵng không thể không tổng rà soát lại hành trang của địa phương mình.

Một góc thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐẶNG MINH TÚ
Một góc thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐẶNG MINH TÚ

Trước hết, kỷ nguyên phát triển mới đòi hỏi từng địa phương phải có năng lực hội nhập quốc tế thực chất và mạnh mẽ. Có thể nói trong nửa thế kỷ qua, nhất là từ khi trực thuộc Trung ương, năng lực hội nhập quốc tế của Đà Nẵng ngày càng được thừa nhận. Về vận tải đường không, Sân bay quốc tế Đà Nẵng là sân bay quốc tế thứ ba của đất nước.

Về vận tải đường biển, Cảng Đà Nẵng đã chuyển mình thành cảng biển lớn nhất miền Trung và đang đóng vai trò là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trên tuyến hành lang Kinh tế Đông Tây EWEC, cũng là mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết vùng.

Năng lực hội nhập quốc tế đặc biệt được bộc lộ khi thành phố tham gia tổ chức các sự kiện ngoại giao quan trọng của đất nước. Khi Hà Nội trở thành nơi đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2006 thì cùng với Hội An, Đà Nẵng được chọn là nơi tổ chức hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ ba (SOM III). Đây cũng là tiền đề để một lần nữa Đà Nẵng được chọn và được giao giữ vị trí trung tâm khi Việt Nam đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Năng lực hội nhập quốc tế của Đà Nẵng còn được thừa nhận thông qua chủ trương cho Đà Nẵng được hình thành Trung tâm Tài chính khu vực và Khu Thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu từ năm 2025. Rõ ràng đây là một trong những hành trang giúp thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương có thể tự tin đồng hành cùng dân tộc trong kỷ nguyên phát triển mới. 

Một hành trang nữa không thể không kể đến là hành trang văn hóa - một “sức mạnh mềm” không chỉ được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội mà còn “phải soi đường cho quốc dân đi” như lời căn dặn của Bác Hồ vào cuối năm 1946. Có thể thấy, qua nửa thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, Đà Nẵng đã tạo được nhiều dấu ấn trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc của xứ Quảng.

Đà Nẵng sở hữu Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn nằm sát Biển Đông với tấm bia đá Vọng Hải Đài và toàn bộ ma nhai trên vách núi; Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải; Bảo tàng Điêu khắc Chăm; Nhà trưng bày Hoàng Sa; Bảo tàng Đà Nẵng; bãi biển Mỹ Khê quyến rũ nhất hành tinh; Lễ hội Pháo hoa quốc tế và Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng… Đó là một số thế mạnh về văn hóa mà trong những thập niên qua Đà Nẵng đã ra sức phát huy nhằm khẳng định thương hiệu của thành phố bên sông Hàn.

Đương nhiên thế mạnh nhất của Đà Nẵng trong nửa thế kỷ đồng hành cùng dân tộc vẫn nằm ở bản thân con người Đà Nẵng với “thương hiệu nụ cười” - không chỉ là những nụ cười thân thiện với du khách thập phương mà còn là nụ cười trao gửi cho nhau để trở thành tiền đề hình thành sức mạnh đồng thuận của người Đà Nẵng trong mấy thập niên qua. Lãnh đạo thành phố không ít lần khẳng định, đối với Đà Nẵng, cái được lớn nhất là được lòng dân.

Có thể nói những chủ trương vì dân, thân dân, mưu cầu hạnh phúc cho dân đều được người dân đồng lòng ủng hộ. Ở Đà Nẵng, câu “Đảng nói dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động dân theo; Chính quyền làm dân ủng hộ” không chỉ là khẩu hiệu hành động mà đã trở thành hiện thực. Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Đà Nẵng không ngừng nỗ lực vun đắp hành trang sức mạnh đồng thuận này, hơn thế nữa còn phải phấn đấu tạo cho được thế đứng giữa lòng dân, bởi từ được lòng dân, không mất lòng dân đến có được thế đứng giữa lòng dân là cả một khoảng cách rất dài. 

Đáng chú ý là trước ngưỡng cửa kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ba hành trang năng lực hội nhập quốc tế, văn hóa soi đường và sức mạnh đồng thuận của Đà Nẵng như vừa nêu trên càng được nhân lên trong bối cảnh Trung ương tiến hành sáp nhập các tỉnh thành trong cả nước để mở rộng không gian phát triển.

Có thể thấy hành trang quan trọng nhất của Đà Nẵng trực thuộc Trung ương trong cuộc trường chinh cùng cả nước sãi bước vào kỷ nguyên phát triển mới là ký ức không chỉ của 50 năm qua từ sau ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà mà còn là ký ức của một thời gian lao mà anh dũng trong kháng chiến chống ngoại xâm - thời từng được vinh danh vào năm 1946: “So với toàn quốc, mặt trận Đà Nẵng được liệt vào hạng đánh mạnh nhất, dẻo dai nhất”, hay vào năm 1967: “Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

Biết sống có ký ức, biết trân trọng kế thừa và phát huy các tố chất ngời sáng đáng tự hào của con người Đà Nẵng trong quá khứ, con người Đà Nẵng nói riêng, con người xứ Quảng nói chung trước ngưỡng cửa kỷ nguyên phát triển mới sẽ phải tự mình hình dung, phác thảo diện mạo của con người Đà Nẵng trong ký ức và quan trọng hơn là làm thế nào để con người Đà Nẵng trong ký ức có thể tiếp tục đồng hành với con người Đà Nẵng trong hiện tại - nói "trong hiện tại" bởi đúng như một nhà triết học từng nhấn mạnh rằng hiện tại của những cái đã qua là trí nhớ, hiện tại của những điều sắp tới là sự đợi chờ; trí nhớ và sự đợi chờ cả hai đều là những sự kiện thuộc về hiện tại...

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.