Trong năm mươi năm qua, tôi chứng kiến quê hương yêu dấu hai lần tách nhập, dĩ nhiên lần nào cũng là để đáp ứng nhu cầu lịch sử mà có việc nhập, tách ấy. Thời gian này, khi Chính phủ đang tập trung hoàn thành đề án sắp xếp lại địa giới các đơn vị hành chính theo hướng sáp nhập một số tỉnh để mở rộng địa giới cấp tỉnh phù hợp tiêu chí, điều kiện, hoàn cảnh, truyền thống lịch sử - văn hóa, việc sắp xếp sáp nhập tỉnh thành trong cả nước mang một sứ mệnh, cảm xúc và nhất là niềm tin mới.
![]() |
Một góc thành phố Đà Nẵng (ảnh trái) và thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Tư liệu |
Xung lực mới theo cấp số nhân
Năm 1976, trong một lần nói chuyện với cán bộ quận Nhì (nay là quận Thanh Khê), tôi vẫn nhớ giọng nói đầy nhiệt huyết của đồng chí Hồng Quang, bấy giờ là Bí thư Quận ủy có ý: “Ta nhập các tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà và Đà Nẵng lại không phải chỉ để tạo ra sức mạnh cơ học từ việc tăng diện tích, dân số của các địa phương, mà quan trọng hơn là từ việc nhập lại, hình thành nên đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng là để tạo ra xung lực mới theo cấp số nhân”. Tôi nghe rất nhiều người “nói chuyện”, nhưng chưa có ai nói hay như vị Bí thư nhỏ nhắn ngày nào, diễn đạt đơn giản nhưng đầy thuyết phục, qua nửa thế kỷ rồi nhưng những lời gan ruột ấy vẫn đầy tính thời sự cho đến hôm nay.
Sau lần nhập tỉnh năm 1976, hơn hai mươi năm vùng đất này là một thương hiệu lớn của cả nước. Một đại thủy nông Phú Ninh đưa nước về tưới mát các cánh đồng ngàn năm thiếu nước như Điện Thọ, Đại Lộc… lấp lánh sản lượng hai mươi mốt tấn lúa/ha như là một kỳ tích.
Từ chỗ thiếu ăn, Quảng Nam Đà Nẵng dần bớt lo cái đói nhưng những cánh đồng quê giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn trong ngày giáp hạt chứ không thể làm giàu. Những cánh đồng hợp tác càng ngày càng trở nên bí bách, trong khi đó công nghiệp vừa non yếu về công nghệ, vừa bị trói chặt bởi cơ chế quản lý lạc hậu. Đủ ăn và giàu có là một khoảng cách chân trời, từ giữa những năm 90 càng thấy cần phải thay đổi.
Ở miền Nam, Đà Nẵng là đô thị phát triển có lẽ chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh nhưng các tiêu chí về phúc lợi y tế, giáo dục vẫn phải chịu mức bình quân của cư dân một huyện, còn Hội An, Tam Kỳ… lợi thế to lớn nhưng chỉ như một lời mời gọi xa xôi. Cái thiếu là cơ chế hành chính phù hợp mà mục tiêu cuối cùng là tìm động lực mới cho tăng trưởng. Cuộc sống buộc phải đi đến một quyết định không thể khác hơn: Quảng Nam và Đà Nẵng được tách ra thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.
“Như chưa hề có cuộc chia ly”
Sau mấy chục năm ta càng thấm thía rằng muốn làm giàu không thể dựa vào nông nghiệp mà dứt khoát phải bằng công nghiệp và dịch vụ mới. Trong quá khứ chúng ta có những con người kiệt hiệt nổi tiếng trong chính trị, văn chương, ngoại giao, ngôn ngữ, toán học, luật sư, nhà báo… chính họ làm nên truyền thống Ngũ phụng tề phi, kiên cường chống lại cái ác, cái xấu. Tương lai làm gì để nơi này vừa phát huy được truyền thống cũ, vừa tạo ra được những giá trị mới? “Quyền lực mềm” của thành phố Đà Nẵng đòi hỏi phải có tầm nhìn, cách làm và nhất là cách quy tụ mới. |
Năm 1997, ngày chia tỉnh, đồng chí Nguyễn Đình An, bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh có bài phát biểu thống thiết, nhiều ý và tâm trạng khiến ai cũng xúc động khi nghe con người văn hóa này nhắc đến câu thơ của Nguyễn Mỹ như một khẳng định niềm tin “Như chưa hề có cuộc chia ly”.
Ít có nơi nào như ở đây trong nguồn mạch văn hóa, lịch sử, truyền thống… là minh họa thuyết phục cho điều đơn giản nhưng không phải nơi nào cũng có: chia mà không tách. Hòn Kẽm không chỉ của người Quảng Nam mà của cả người Đà Nẵng, “mây phủ Sơn Trà” không phải là lời dặn cho riêng người Thọ Quang, Mân Thái mà cả người Tiên Phước, Núi Thành…
Không chi nhanh bằng thời gian, mới ngày nào Đà Nẵng đưa tiễn người anh em vào Tam Kỳ mà đến hôm nay đã gần ba mươi năm, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy Đà Nẵng và Quảng Nam đã làm nên những điều kỳ diệu.
Những con số làm sao có thể nói hết được những thành tựu bởi khó mà đong đếm được sự hài lòng, tuy vậy hãy cùng nhớ rằng năm 1996 cả tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng tổng thu ngân sách 1.200 tỷ, trong đó Đà Nẵng hơn 1.000 tỷ, còn Quảng Nam chưa tới 200 tỷ. Vậy mà sau 28 năm, Quảng Nam tăng lên 27.000 tỷ, xấp xỉ với Đà Nẵng, cũng trong khoảng thời gian ấy Đà Nẵng từ chỗ có gần 10% hộ nghèo đến nay không còn hộ nghèo nữa, còn Quảng Nam từ xấp xỉ 24% hộ nghèo nay còn khoảng 2%.
Trường Hải trở thành thương hiệu ô-tô tầm cỡ, còn tại một góc Khu Công nghiệp ở Đà Nẵng những chiếc mô tơ siêu nhỏ hay những linh kiện máy bay ngày đêm hối hả xuất xưởng, làm mát lòng bầu bạn gần xa. Cả hai được khẳng định và thừa nhận như là những địa phương năng động. Chất lượng dịch vụ hảo hạng của những khách sạn Đà Nẵng, Hội An làm say lòng Bill Gates và những tỷ phú đó đây. Đà Nẵng là nơi đáng sống.
Phấn chấn xứ Quảng quê mình
Ai cũng biết để phát triển thì phải xác định đúng các điểm nghẽn và tìm cách nhanh nhất xóa bỏ các điểm nghẽn ấy. Vậy điểm nghẽn làm tắc đường phát triển của Việt Nam là gì? Đến nay ai cũng thừa nhận “Điểm nghẽn của các điểm nghẽn” là thể chế. Một trong các bất cập lớn nhất là bộ máy cồng kềnh, diện tích nước ta chỉ hơn 330.000km2 mà có tới 63 tỉnh, thành, gần 700 quận huyện và hơn 10.000 xã phường. Nhiều cấp, cơ quan nên bộ máy quá cồng kềnh.
Nỗi lo lớn nhất không phải nguồn lực khổng lồ chi cho bộ máy, mà gay gắt hơn chính là hiệu quả, hiệu lực. Cái khó nhất không phải là chọn thủ phủ hay hợp nhất các cơ quan, giảm biên chế mà là chất lượng đội ngũ cán bộ. Có vẻ ước lệ là phải đáp ứng được yêu cầu, có kiến thức, năng lực và nhất là có đạo đức. Xưa nay đã nói và tương lai càng cần phải nhấn mạnh. Có nhiều yêu cầu để thể hiện năng lực nhưng quan trọng nhất là biết chọn ra mắt xích để tập trung đầu tư. Ở đây có ý tưởng mới và biết tổ chức thực hiện có hiệu quả ý tưởng là linh hồn của tư duy quản trị.
Kinh tế học nói về khai thác hiệu quả các lợi thế: Tuyệt đối, tương đối và kinh nghiệm của thành phố phát triển sau. Lợi thế tuyệt đối của thành phố mới là gì? Nếu chỉ đề cập tài nguyên biển, rừng… thì điều này không quá khó, ít ai nhận ra Quảng Nam là nơi duy nhất của miền Trung có hệ sông ngòi dọc ngang khắp các vùng, nhưng du lịch trên sông mới chỉ bước đầu.
Có thể có nhiều ngọn núi cao hơn Ngọc Linh nhưng chẳng đâu có thứ cây quốc bảo là sâm như ở xứ này. Làm sao để có một ngành công nghiệp chế biến, đưa sản phẩm cây sâm này ra thế giới, cũng như vậy Bảo tàng Điêu khắc Chăm là độc sáng. Kinh tế biển trong đó du lịch không chỉ là nơi đến để tắm biển, mà còn vô số những sản phẩm mới từ du lịch biển đang đòi hỏi chúng ta có cách khai thác.
Ai cũng biết để phát triển thì phải xác định đúng các điểm nghẽn và tìm cách nhanh nhất xóa bỏ các điểm nghẽn ấy. Vậy điểm nghẽn làm tắc đường phát triển của Việt Nam là gì? Đến nay ai cũng thừa nhận “Điểm nghẽn của các điểm nghẽn” là thể chế. Một trong các bất cập lớn nhất là bộ máy cồng kềnh, diện tích nước ta chỉ hơn 330.000km2 mà có tới 63 tỉnh, thành, gần 700 quận huyện và hơn 10.000 xã phường. Nhiều cấp, cơ quan nên bộ máy quá cồng kềnh. Nỗi lo lớn nhất không phải nguồn lực khổng lồ chi cho bộ máy, mà gay gắt hơn chính là hiệu quả, hiệu lực. |
Đà Nẵng có khoảng 10% nhân lực phần mềm của cả nước, làm sao biến nơi đây thành một Hợp Phì (Trung Quốc) nổi tiếng? Ấy là lợi thế so sánh động. Xác định đúng mục tiêu, phấn đấu mười năm nữa thành phố này thật sự trở thành “trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực”. Kinh nghiệm của nơi phát triển sau có nhiều chuyện nhưng trước hết cần tránh cho được tình trạng tắc đường và ô nhiễm như Hà Nội hiện nay.
Việc sắp xếp địa giới hành chính các tỉnh, thành lần này khác năm 1976 rất nhiều. Sau mấy chục năm ta càng thấm thía rằng muốn làm giàu không thể dựa vào nông nghiệp mà dứt khoát phải bằng công nghiệp và dịch vụ mới.
Trong quá khứ chúng ta có những con người kiệt hiệt nổi tiếng trong chính trị, văn chương, ngoại giao, ngôn ngữ, toán học, luật sư, nhà báo… chính họ làm nên truyền thống Ngũ phụng tề phi, kiên cường chống lại cái ác, cái xấu. Tương lai làm gì để nơi này vừa phát huy được truyền thống cũ, vừa tạo ra được những giá trị mới? “Quyền lực mềm” của thành phố Đà Nẵng đòi hỏi phải có tầm nhìn, cách làm và nhất là cách quy tụ mới. Trên thế giới chỉ có Việt Nam là con Rồng cháu Tiên nhưng cũng là nước hiện nay phải hóa được Rồng trong kinh tế.
Thời cơ lớn đang vẫy gọi và mỗi người nắm tay nhau trong phấn chấn xứ Quảng quê mình.
THỤC NHÂN