Chuyện người xứ Quảng giỏi nói lái không có gì lạ. Từ lão nông chân chất đến các bậc túc nho ngày xưa, ai nấy đều có thể tung hứng, biến hóa ngôn từ một cách khéo léo để trêu chọc, đối đáp hay phê phán xã hội lúc bấy giờ…
![]() |
Chân dung thi sĩ Bùi Giáng, người thường xuyên sử dụng thuật ngữ nói lái xứ Quảng vào thơ và trong đời sống thường nhật của họa sĩ Bảo Huỳnh, năm 2019. Ảnh: T.Y |
“Chém to kho mặn”
Người Quảng từ lâu đã xem nói lái như một nghệ thuật ngôn ngữ, nơi sự sáng tạo và óc hài hước được thể hiện một cách tự nhiên. Trong những cuộc trà dư tửu hậu, người dân xứ này thỉnh thoảng chêm vào vài ba từ nói lái cho buổi gặp mặt thêm vui vẻ. Chuyện rằng, có hai ông bạn thân cùng chở con đi thi đại học.
Đứa đậu, đứa rớt. Sợ bạn buồn, người có con đậu đại học dù mở tiệc ăn mừng nhưng không dám mời người kia. Người kia biết, mang chai rượu sang nhà trách: “Con ông đậu mà dú (giấu) tui”. Người cha liền chữa thẹn “Rứa giờ ông biết rồi thì tính răng?”. “Thì tôi cũng mang chai rượu qua mừng cho nó thôi”, người bạn đáp. Cái yếu tố gây cười trong câu chuyện này có lẽ chỉ người Quảng Nam, hoặc người am hiểu văn hóa Quảng mới dễ dàng “thẩm” được.
Một đặc tính của nói lái là phải “mặn”, phải nghịch ngợm mới vui, mới cười. Người dân huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) truyền nhau câu chuyện về ông Bá Doãn (SN 1861, tên thật Phạm Tích Quang) sống ở làng Dùi Chiêng, xã Quế Phước nổi tiếng về bắt cọp nấu cao và giàu lên từ nghề này hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tuy giàu nhưng ông là người trượng nghĩa nên được dân làng yêu mến.
Lúc còn sống, ông xây cùng lúc bốn nhà lầu cho vợ chồng và ba người con trai khiến người người ngưỡng mộ. Khi ông Doãn mất, nhà thơ trào phúng Tú Quỳ làm bài thơ phúng điếu “Ông về chín suối thôi bắt cọp/ Bỏ lại ba con bốn cái lầu”. Rõ ràng, bài thơ nói thật về độ giàu có của ông Bá Doãn, nhưng người Quảng chỉ cần nghe tới đó là bật cười sảng khoái.
Với tính cách ưa cà rỡn của người xứ Quảng, không khó để họ nghĩ ra các câu thơ đan xen yếu tố “lái mặn” để gây cười. Nhà thơ Bùi Giáng cũng nổi tiếng với tài vận dụng ngôn ngữ lắt léo trong thơ, như trong bài Mưa nguồn, ông viết: “Lọt cồn trận gió đi hoang/ Tồn liên ở lại xin làn dồn ra”.
Hay như “Cá ở ngoài khe có ít nhiều/ Cồn lau cỏ lách có hoang liêu/ Em về có hỏi răng ri rứa/ Nhắm mắt đưa chân có bận liều” (Bờ trần gian)… Không chỉ trong thơ, bởi ngay trong cách trò chuyện hằng ngày của thi sĩ Bùi Giáng cũng lắt léo không kém. Nhà văn Vũ Đức Sao Biển trong một bài viết có nhắc tới chi tiết nhà Bùi Giáng cách đường ĐT610 (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) chừng 100m. Mỗi buổi sáng ông thường ra đường đón mấy chị gánh mít chín đi bán. Gặp họ, Bùi Giáng thường hỏi: “Mít ở mô gánh bán rứa hỉ?”.
Chị nào trả lời “mít ở Phú Đa” hay “mít ở Kiểm Lâm” là ông mua. Còn ai nói “mít ni bên Đại Lộc qua” thì ông nhất quyết không thèm. Có người thắc mắc hỏi tại sao vậy. Ông giải thích mít Phú Đa hay mít Kiểm Lâm gánh xuống là mít đi theo đường bộ. Còn mít bên Đại Lộc qua Duy Xuyên là “mít qua đò”. Mà hễ đã "mít qua đò" thì Bùi Giáng dứt khoát không mua!
Trong xã hội ngày nay, không ít người dùng thuật ngữ nói lái để trào phúng chính tên gọi của mình. Ví như có ông giáo nọ tên Thịnh, nhưng nhất quyết đặt bút danh Đinh Thiện. Hỏi ra mới biết, Đinh Thiện lái thành Thiên Định, và Thiên Định sẽ thành Thịnh Điên.
Nhìn ở góc độ ngôn ngữ học
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Chiến cho rằng, người Quảng Nam có cách nói lái hòa nhập tự nhiên trong ngôn ngữ đời thường. Bằng cách giao hoán âm đầu vần và thanh điệu hoặc trật tự giữa hai, ba âm tiết để tạo thành một từ mới mang nghĩa khác nhằm mục đích bông đùa hay châm biếm. Theo ông, điểm đặc biệt ở chất giọng Quảng Nam là thường phát âm sai các phụ âm v, d ở đầu chữ; phụ âm c, t ở cuối chữ; nguyên âm a, ă cùng các điệp nguyên âm đi chung với nó như ao, ắt. Đặc biệt là các âm “g” ở cuối chữ và các dấu “hỏi”, dấu ”ngã” như khoai lang với hoa lan, ao với ô… Điều này vô tình trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho nghệ thuật nói lái phát triển.
Luận giải này cũng được hai tác giả Lê Trung Hoa, Hồ Lê phân tích trong cuốn “Thú chơi chữ” được NXB Trẻ tái bản năm 2024. Cụ thể, ở chương “Chơi chữ bằng cách nói lái”, các tác giả cho rằng về nguyên tắc nói lái có 6 kiểu. Ví dụ từ “thay đổi” nếu được hoán vị âm sẽ thành “đay thổi”, hoán vị vần thành “thôi đảy”, hoán vị thanh thành “thảy đôi”, hoán vị âm và vần thành “đôi thảy”, hoán vị âm và thanh thành “đảy thôi”, hoán vị vần và thanh thành “thổi đay”.
Từ cách lái này, mọi người có thể thêm dấu vào để được từ hoàn thiện. Ước lượng Việt ngữ có 200.000 từ song tiết và cứ 100 lần nói lái được một lần chuyển thành từ mới có nghĩa, sẽ có 12.000 từ có thể lái ngược, lái xuôi. Con số ấy quả không nhỏ. Và người Quảng đã vận dụng linh hoạt để chứng minh sự hoạt ngôn và tính cách thích bông đùa của mình.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo tiếng cười, nói lái của người Quảng còn là vũ khí sắc bén để phê phán những điều bất công trong xã hội. Nhân vật Thủ Thiệm nổi tiếng khắp một vùng nhờ biệt tài dùng chữ nghĩa cà khịa bọn tham qua. Người Quảng truyền tai nhau câu chuyện Thủ Thiệm được mời tới dự đám cưới của một nhà giàu. Trong khi ai cũng khệ nệ quà cáp thì ông chỉ viết lên tấm vải lụa ba chữ Hán “Miêu bất tọa” làm quà tặng. Trong tiệc rượu, nhiều người không hiểu nên nhờ Thủ Thiệm giải thích. Ông cười lớn, bảo miêu là mèo, bất là không, tọa là ngồi. Miêu bất tọa là mèo không ngồi, mà mèo không ngồi tức mà mèo đứng. Nói đến đây, cả bàn cười nghiêng ngả.
Câu chuyện về Thủ Thiệm chỉ là một trong vô vàn giai thoại chơi chữ của người xứ Quảng. Bởi với họ, nói lái không chỉ là trò vui, mà còn thể hiện sự nhanh trí, ứng biến linh hoạt trong giao tiếp. Chính nhờ sự duyên dáng ấy mà người Quảng dù ở đâu cũng dễ nhận ra, bởi họ luôn biết cách biến cuộc trò chuyện thành một bữa tiệc ngôn từ đầy màu sắc, có khi khiến người ta cười bò, có khi lại khiến đối phương phải “ngẫm nghĩ” hồi lâu mới nhận ra cái hay trong từng câu chữ.
HUỲNH LÊ