Trải qua nhiều thập kỷ, văn chương xứ Quảng gây ấn tượng bởi giọng văn mạnh mẽ, sắc nét, cô đọng và không tách rời khỏi tình yêu quê hương, đất nước. Từ những trang viết của Phan Khôi, Từ Nhất, Huỳnh Lý, Nguyễn Văn Xuân, Bùi Giáng, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Chu Cẩm Phong, Lưu Quang Vũ…, nhà văn Phạm Phú Phong, tác giả cuốn “Những chân trời xanh thẳm” (NXB Hội Nhà văn, 2018), “Đất Quảng - 25 nhà văn thế kỷ XX” (NXB Đà Nẵng, 2022) cùng hàng trăm công trình nghiên cứu khác đã góp phần khắc họa bức tranh văn học xứ Quảng xuyên suốt, nơi hội tụ những cây bút tài hoa, giàu tinh thần đấu tranh, phản biện xã hội.
![]() |
Tác giả Phạm Phú Phong (ảnh trái) và cuốn "Đất Quảng - 20 nhà văn thế kỷ XX" của mình đặc tả khá chi tiết tính cách cũng như văn phong của những nhà văn xứ Quảng. Ảnh: ANH QUÂN |
Đà Nẵng cuối tuần có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Phạm Phú Phong để nhận ra, văn chương của những cây bút tài hoa này không chỉ là tiếng nói cá nhân mà còn phản chiếu tâm hồn, bản sắc, tính cách của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử…
* Theo ông, đâu là tính cách nổi bật trong sáng tác của các nhà văn xứ Quảng?
- Người cầm bút đất Quảng luôn hướng ngòi bút đứng thẳng, có chút ương ngạnh, và viết những điều mình nghĩ. Họ không chỉ phản ánh hiện thực một cách xác thực mà còn giãi bày một cách chân thực những điều mình cảm thức. Người ta hay nhắc câu “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm...”, cho đến những năm gần đây khi bước gần đến tuổi “cổ lai hy”, tôi mới hiểu hết, rằng cái “chưa” gì đà thấm, đà say đó chính là khẳng định sự nhạy bén của cá tính Quảng: nhạy bén với cái mới, cái đẹp, cái thuộc về tâm hồn, tư tưởng nhằm thúc đẩy hành động; cái thuộc về phía trước, phía tương lai, đem lại nhiều thành tựu có ý nghĩa canh tân trong mọi thời đại.
Ví như, các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX của Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, hoặc những đề xuất đổi mới trước đó của Phạm Phú Thứ; và dường như chỉ có Phan Khôi được ghi nhận là thành công, trở thành người tiên phong trong thơ và lý luận, phê bình.
* Trong số 25 nhà văn xứ Quảng thế kỷ XX mà ông nghiên cứu, ai là người thể hiện rõ nét nhất tính cách Quảng trong sáng tác? Có sự khác biệt nào giữa tính cách Quảng trong văn xuôi và trong thơ ca không, thưa ông?
- Theo tôi là Bùi Giáng, Thu Bồn trong thơ; Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Nguyên Ngọc trong văn xuôi; Lê Đình Kỵ, Nguyễn Văn Hạnh trong lý luận, phê bình văn học hoặc Hoàng Tụy trong toán học, hay ở 8 công trình nghiên cứu về Tự lực văn đoàn của Vu Gia sau này.
Đặc biệt, Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất tính cách Quảng trong cả hai lĩnh vực thơ và lý luận phê bình. Bản lĩnh văn hóa của người xứ Quảng là hay nói ngược. “Hay cãi” nhưng phải có cơ sở khoa học mới cãi được chứ! Làm thơ là ở cảm xúc dâng tràn, nhưng ngôn từ đậm đặc tư duy kiểu Quảng. Ở người viết văn xuôi là biết đi sâu vào những tầng vỉa sâu thẳm của đời sống và có lối kể, lối tả phải lột trần sự thật.
Đối với lý luận phê bình, không chỉ am tường văn hóa Việt, những trầm tích văn hóa xứ Quảng, mà phải có dũng khí phát hiện và đề ra cái mới trên cơ sở tư duy logic chặt chẽ, đầy tính học thuật. Văn hóa đất Quảng đã tích tụ từ lâu đời, để dựng nên một biểu tượng sừng sững: những người cầm bút đậm đặc khí chất, căn cốt của con người xứ Quảng, xứng tầm là những người tiêu biểu cho văn hóa một vùng đất, góp phần làm nên những “danh sĩ đất Quảng”.
* Nhiều người nhận xét các nhà văn, nhà nghiên cứu xứ Quảng thường chọn lối viết giản dị nhưng mạnh mẽ, gần gũi nhưng sâu sắc. Ông có thấy điều này đúng?
- Đúng vậy. Bởi người viết xứ Quảng phần lớn là người luôn có sự thôi thúc của đời sống, của những đòi hỏi riết róng phải nói tiếng nói của sự thật, thấm đẫm mỹ cảm và lương tri con người, những vẫn lấp lánh phẩm chất nhân văn, không làm dáng, làm văn.
* Quảng Nam - Đà Nẵng là vùng đất có bề dày văn hóa - lịch sử. Theo ông, điều này ảnh hưởng thế nào đến giọng điệu, chất liệu và phong cách sáng tác của các tác giả?
- Người Quảng trực tính, đôi khi thiếu sự tế nhị. Văn hóa xứ Quảng là văn hóa thực tiễn, đôi khi dễ làm người ta khó chịu. Vì vậy, văn chương xứ Quảng không màu mè, mà là những đòi hỏi từ thực tế đời sống, như cơm ăn, áo mặc, khí trời. Có thể dẫn lời nhận xét của Trung Trung Đỉnh về Thu Bồn để hình dung về phong cách văn chương của các nhà văn xứ Quảng: “Ông không vuốt ve cuộc đời, không vuốt ve câu thơ, ông không cố tình làm lạ chữ”.
Trong khi ở nơi khác có thể có những điều ngược lại! Tôi hoàn toàn không có ý nói, sự ngược lại này là không tốt. Bởi đời sống luôn cần sự tinh tế, dễ chịu, dễ nghe! Nhưng điều này đã thuộc về cá tính con người xứ Quảng, là cái làm nên bằng chất liệu văn hóa Quảng, trong rất nhiều trường hợp cụ thể, nó trở thành nhược điểm, nhưng biết làm sao khác được!
* Quá trình viết, nghiên cứu về văn học đất Quảng, điều gì làm ông tâm đắc?
- Là được đọc lại những trang sách, khám phá những ngôi - nhà - tâm - hồn thấm đẫm, nồng nàn hương vị quê hương. Đối với người cầm bút, quê hương là hồn cốt, là linh địa, luôn thôi thúc đến mức ma mị và vì nó mà nhà văn cầm bút. Quê hương như dòng sông muôn đời chảy mãi, mang phù sa bồi đắp, hun đúc cho ta nên người. Đời tôi nặng nợ với hai vùng đất có hai dòng sông chảy miên man không bến không bờ: sông Hương và sông Thu Bồn.
Tôi có hơn 50 công trình in chung, 15 công trình in riêng, thì đất Quảng có “Về một vùng văn học” (in chung, 1983), “Báo chí đất Quảng thế kỷ XX” (viết cùng Phan Quốc Hải, 2013); “Đất Quảng - 25 nhà văn thế kỷ XX” (2024). Với Huế, quê hương thứ hai, nơi cưu mang tôi từ năm 1968 đến nay, có “Chân dung văn học Bình Trị Thiên” (chủ biên, 1989); “100 văn chương quốc ngữ xứ Huế (1920-2020) - một góc nhìn” (chủ biên, 2024). UBND tỉnh Quảng Nam có tài trợ và khuyến khích tôi viết “Văn hóa xứ Quảng - nhìn từ mẫu người văn hóa”, nhưng lâu nay kỳ cục mãi chưa xong.
* Khi thực hiện cuốn “Đất Quảng - 25 nhà văn thế kỷ XX”, ông dựa trên những tiêu chí nào để chọn ra 25 tác giả tiêu biểu?
- Tôi dựa vào những thuộc tính văn hóa xứ Quảng. Thường thì người ta tìm người sinh ra, trưởng thành ở đất Quảng, viết về xứ Quảng. Thứ hai, là tìm người gốc Quảng viết ở nơi khác. Thứ ba, là tìm người nơi khác đến sống, chiến đấu và viết về đất Quảng.
Tôi cũng ít nhiều quan tâm những điều ấy, nhưng với tôi, cái lớn hơn hết là chất Quảng trong văn, trong hành động, chứ không phải trong hành trang cuộc đời! Vì vậy, trong “Đất Quảng - 25 nhà văn thế kỷ XX” tôi có đưa vào Thạch Lam, Lưu Quang Vũ.
Bởi tôi tìm thấy trong các tác giả này cả cuộc đời luôn có khát vọng hướng về quê cha đất tổ, và cái lớn hơn là phẩm chất văn hóa và căn cốt của những hành động đổi mới, những người làm cách mạng trong văn chương nghệ thuật, những con người có hành động thật sự trong cả tư duy sáng tạo và đời sống, cho dù hiền lành, lãng mạn như Thạch Lam. Có thể nhận ra, đúng như Gamzatov đã minh định: “Có thể tách con người ra khỏi quê hương, nhưng không thể tách quê hương ra khỏi con người”.
* Ông có gặp khó khăn khi phân tích sự khác biệt trong phong cách của từng nhà văn nhưng vẫn bảo đảm được sợi dây liên kết về tính cách Quảng?
- Cũng có ít nhiều khó khăn khi phải tìm lối nhập vào thế giới tâm hồn của các tác giả, nhưng cũng không quá khó khi hòa nhịp vào giọng điệu tâm hồn của họ, vì tôi là người Quảng, một người tha hương lâu năm nhưng vẫn chưa bị tha hóa bởi những cám dỗ, chi phối, thậm chí cả những áp lực của đời sống chảy qua từ chiến tranh cho đến bây giờ.
* Cũng là người Quảng Nam, tính cách Quảng có ảnh hưởng tới phong cách làm việc của ông hay không?
Tôi thấy mình còn kém xa các tác giả trên, nhưng thỉnh thoảng cũng viết được những trang văn đọc được, trong đó không thiếu những lời lẽ khó nghe, đọc lên người ta dễ khó chịu. Cầm lòng vậy, đành lòng vậy! Không khác được! Vì máu thịt, hồn cốt, khí chất, hơi thở và những gì làm nên giọng điệu tâm hồn tôi, là của đất đai, ruộng đồng xứ Quảng. Tôi nghĩ đây cũng là tính cách chung của người Quảng Nam, Đà Nẵng từ xa xưa. Điều này hun đúc nên tinh thần đổi mới, không ngại đấu tranh, phản biện xã hội qua nhiều thế hệ. Nói đúng, nói trúng thì không ai cãi được, dù có thể người nghe không thích.
* Xin cảm ơn ông!
TIỂU YẾN