Đất Quảng quê mình

Phan Khôi người 'hay cãi'

.

Một trong những đặc điểm đáng chú ý của con người xứ Quảng là thường lý sự, tranh luận, phản biện, nói nôm na là “cãi”. Bởi vậy mà từ lâu đã xuất hiện thành ngữ được nhiều người biết đến: “Quảng Nam hay cãi”.

Nhà báo Phan Khôi đọc tham luận tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhà văn Lỗ Tấn. Ảnh: Tư liệu
Nhà báo Phan Khôi đọc tham luận tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhà văn Lỗ Tấn. Ảnh: Tư liệu

“Cãi” là dùng lý lẽ để phản bác ý kiến người khác, bảo vệ quan điểm của mình. Học giả Nguyễn Văn Xuân, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú đã phân tích khá kỹ, khá sâu đặc điểm, nguồn gốc của cốt tính “hay cãi” của con người xứ Quảng.

Một điển hình của “Quảng Nam hay cãi” là nhà văn, nhà báo Phan Khôi (1887-1959). Ông quê ở làng Bảo An, nay thuộc xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đi vào văn học sử nước nhà với tư cách là người khai sinh ra phong trào “Thơ mới” qua bài “Tình già” nổi tiếng. Ông “cãi” hầu như ở mọi lúc mọi nơi nhưng ấn tượng nhất là qua các cuộc bút chiến.

Ở nước ta, thập niên 30 của thế kỷ XX, xảy ra nhiều cuộc bút chiến tưng bừng, nảy lửa mà trước và sau đó rất hiếm thấy. Các cuộc bút chiến này làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà thực tiễn và lý luận đang đặt ra lúc bấy giờ. Nhà nghiên cứu Thanh Lãng gọi các cuộc bút chiến này là các “vụ án”. Theo ông, giai đoạn này có cả thảy 10 vụ án - bút chiến đã diễn ra. Đó là:

1. Báo chí; 2. Cái cũ - Cái mới; 3. Phan Khôi - Trần Trọng Kim; 4. Tản Đà - Phan Khôi; 5. Quốc học; 6. Thơ cũ - Thơ mới; 7. Duy tâm - Duy vật; 8. Nghệ thuật vị nghệ thuật - Nghệ thuật vị nhân sinh; 9. Cô giáo Minh và Lá ngọc cành vàng; 10. Hàn Mặc Tử.

Trong thời gian này, có hai người chủ yếu xây dựng sự nghiệp của mình thông qua các cuộc bút chiến, đó là nhà văn, nhà báo Hải Triều (thân sinh nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm), và nhà văn, nhà báo Phan Khôi. Đáng chú ý là trong 10 cuộc bút chiến nêu trên thì Hải Triều tham gia chỉ hai cuộc (số 7, với Phan Khôi, và số 8, với Thiếu Sơn), còn Phan Khôi tham gia đến 7 cuộc (từ số 1 đến số 7). Và điều đặc biệt là phần lớn các cuộc bút chiến này do Phan Khôi châm ngòi, phát động.

Đối tượng bút chiến của Phan Khôi hầu hết là các bậc thức giả, như Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Quỳnh, Tản Đà, Trần Huy Liệu, Hải Triều, Lê Dư... Ông bút chiến trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ văn hóa đến tư tưởng, triết học, từ văn học - nghệ thuật đến lịch sử, xã hội. Khi đã vào cuộc thì ông tranh luận quyết liệt, mạnh mẽ, nhiều lần đẩy đối phương đến chỗ đuối lý. Qua bút chiến với ông, học giả Trần Trọng Kim buộc phải chỉnh sửa bộ sách “Nho Giáo” của mình khi tái bản. Còn Huỳnh Thúc Kháng thì phải thừa nhận: “Ông nói cái lỗi của ta là điều may mắn cho ta!”.

Để có được khối lượng kiến thức đồ sộ, sâu rộng nhằm tranh luận, bút chiến với các bậc thức giả, Phan Khôi đã thể hiện khả năng tự học rất đáng khâm phục, bởi về bằng cấp thì ông chỉ là tú tài Hán học.

Là người say mê logique, Phan Khôi luôn coi trọng lý lẽ, lấy lý lẽ để tranh luận nhằm bảo vệ quan điểm của mình. Khi tranh luận, bút chiến, ông không kiêng dè, vị nể bất cứ người nào, không để tình cảm riêng chi phối các vấn đề tranh luận. Như nhà báo Huỳnh Thúc Kháng là người đồng hương, là bậc đàn anh trong phong trào Duy Tân, nhưng ông vẫn tranh luận quyết liệt cả thảy 5 lần. Như học giả Lê Dư (cha của nữ sĩ Hằng Phương) là em rể của mình nhưng khi đã vào cuộc thì ông tranh luận quyết liệt, không hề nhượng bộ vì tình anh em. Đặt chân lý lên trên tình cảm, quan điểm của Phan Khôi bắt gặp quan điểm của triết gia Hy Lạp cổ đại Aristote: “Platon là thầy tôi nhưng chân lý còn quý hơn thầy”.

Sau năm 1954, hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở miền Bắc, Phan Khôi tham gia nhóm “Nhân văn - Giai phẩm”, trở thành một trong những nhân vật chủ chốt của phong trào này. Qua bài viết “Phê bình lãnh đạo văn nghệ”, ông phân tích cụ thể và thẳng thắn phê bình các hoạt động văn nghệ không minh bạch, thiếu dân chủ, và đề nghị văn nghệ sĩ được tự do sáng tạo. Có thể nói đây là bài viết tiêu biểu nhất cho tính “hay cãi” của Phan Khôi, tiêu biểu nhất cho sự trung thực, thẳng ngay, bản lĩnh, không kiêng nể một ai của ông.

Nếu trong một bối cảnh khác thì đây có thể là một đề tài bút chiến sôi nổi, hấp dẫn, thu hút nhiều người tham gia tranh luận. Tuy nhiên, do hoàn cảnh cụ thể lúc này, không có cuộc tranh luận nào, không có cuộc bút chiến nào diễn ra. Ông mất năm 1959. Do chiến tranh mà ngôi mộ ông ở nghĩa trang Hợp Thiện, Hà Nội bị thất lạc. Sau ngày thống nhất đất nước, con cháu ông đến nghĩa trang ấy hốt một nắm đất tượng trưng về làm một cái mộ gió ở quê nhà Quảng Nam.

“Hay cãi” trong giới trí thức, giới tinh hoa thực chất là sự phản biện xã hội. Cãi/ phản biện là cách tốt nhất để làm sáng tỏ các vấn đề, tiếp cận được chân lý, là động lực quan trọng để thúc đẩy xã hội phát triển.

Để có sự tranh cãi/ phản biện nhằm thúc đẩy xã hội phát triển đòi hỏi từ cả hai phía: người cãi và môi trường xã hội để cãi. Phía người cãi trước hết phải có kiến thức sâu rộng, uyên bác, và đặc biệt phải có bản lĩnh, không ngại va chạm, không sợ thiệt thòi, và khi cần thiết thì phải chấp nhận hy sinh quyền lợi vật chất, tinh thần để bảo vệ quan điểm của mình.

Lịch sử xứ Quảng có nhiều tấm gương như vậy, chẳng hạn như Thượng thư Phạm Phú Thứ mạnh dạn cãi vua Tự Đức mà từng bị đày đi làm lính cắt cỏ ngựa; các lãnh tụ phong trào Duy Tân vì cãi chế độ thực dân, phong kiến mà bị tù tội hoặc hy sinh như Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… Bên cạnh bản lĩnh, ý chí của người cãi/ phản biện thì một yếu tố cực kỳ quan trọng khác là cần có một môi trường thật sự dân chủ, lành mạnh, trong đó người có chức, có quyền phải biết cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, nếu người cãi/ phản biện có lý lẽ vững vàng, chắc chắn.

Có thể nói rằng, cốt tính của người xứ Quảng là hay cãi, mà hay cãi của giới trí thức, giới tinh hoa thực chất là phản biện xã hội - yếu tố quan trọng để tiếp cận chân lý, thúc đẩy xã hội phát triển. Và nhà văn, nhà báo Phan Khôi là trường hợp điển hình như vậy.

NSND HUỲNH HÙNG

;
;
.
.
.
.