Theo dõi một cuộc thi âm nhạc, tôi chưa kịp để lòng mình lắng xuống sau cảm giác phấn khích khi nghe một thí sinh cất giọng, thì chồng tôi - đang làm việc gần đó - đã bật lên hỏi: “Ủa, người Đà Nẵng hả?”. Tôi gật đầu, lòng bỗng dâng lên một niềm vui khó diễn tả thành lời. Từ đó, tôi luôn âm thầm cổ vũ cho người đồng hương dù chẳng hề quen biết. Rồi hạnh phúc siết bao khi chàng trai Đà Nẵng giành giải quán quân. Chỉ đơn giản là người quê mình, nên mình thương. Rứa thôi!
![]() |
Ảnh minh họa |
Cảm giác ấy tựa như những ngày xa quê bỗng dưng bắt gặp âm điệu quê nhà, mừng mừng tủi tủi. Tự lúc nào, tôi nhận ra giọng nói quê hương không chỉ là một thanh âm quen thuộc mà còn là sợi dây vô hình neo giữ tâm hồn những người con xa xứ. Như khi nhìn Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy hô vang hai chữ “Việt Nam” bằng cái giọng Đà Nẵng nằng nặng mà dịu dàng, lòng tôi chợt nghẹn ngào. Không chỉ là niềm tự hào về một người con của quê nhà đang thành công mà còn là cảm giác được trở về, dù chỉ trong khoảnh khắc thoáng qua.
Xa quê, thanh âm quê nhà trở thành ký ức quý giá, thành nỗi nhớ thương vương vấn, thành nhịp cầu kết nối bạn bè. Nhớ những ngày đầu vào Thành phố Hồ Chí Minh, những đứa trẻ mười tám tuổi chưa phân biệt được giọng nói nào đến từ đâu, cứ líu ríu hỏi nhau. Giọng quê trở thành cái cớ để bắt chuyện rồi nên duyên. Lớn lên, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, tôi bắt đầu nhận ra giọng nào đến từ đâu. Và không chỉ thương giọng quê mình, tôi còn yêu mến cả những giọng nói đặc trưng khác, những giọng nói chứa đựng câu chuyện, cảm xúc, và nét văn hóa riêng biệt của từng vùng miền.
Khi giọng nói quê nhà vang lên đâu đó, tựa như trái tim mình hòa vào âm điệu ấy, nhịp đập trở nên nhẹ nhàng và ấm áp lạ kỳ. Đó có thể chỉ là một tiếng gọi, một câu bâng quơ, nhưng sao lại chạm đến sâu thẳm lòng mình. Đà Nẵng trong tôi không chỉ là một thành phố, mà là giọng bà kể chuyện thuở nhỏ, là tiếng rao rộn ràng của những gánh hàng rong, là âm thanh lao xao bên bờ sông Hàn mỗi sớm mai... Những thanh âm ấy đã khắc sâu vào ký ức, đan xen với tuổi thơ, để rồi trở thành một phần không thể tách rời trong tôi.
Có lần, bạn nhắn tin với những từ “mô”, “rứa” khiến tôi cười vui như đứa trẻ nhận được quà. Bạn đùa rằng mình đã bị “lai” chút quê hương xứ người, giờ cũng thành “người Đà Nẵng” nửa phần. Những âm điệu tưởng như nhỏ bé ấy lại mang theo cả miền ký ức, gợi lên bao nhiêu cảm xúc dịu dàng. Dần dần, những từ như “mô”, “tê”, “răng”, “rứa” trở thành phần quen thuộc trong những câu chuyện bạn bè. Có người học theo để trêu đùa, rồi chẳng biết từ lúc nào mà tự nhiên sử dụng chúng như một thói quen.
Những từ ngữ mộc mạc ấy bỗng chốc hóa thành cầu nối vô hình, gắn kết những con người đến từ những miền đất khác nhau. Tôi vui không chỉ vì giọng quê mình được yêu mến mà còn vì nó đã trở thành một phần trong những câu chuyện thân thương, là sợi dây kết nối giữa những người bạn tưởng chừng chẳng có điểm chung.
Những ngày xa quê, nỗi nhớ cứ như cơn sóng vô hình vỗ vào lòng. Có những lúc mệt mỏi, tôi bất giác thèm nghe giọng quê. Bạn bè Đà Nẵng của tôi ở miền Nam cũng rứa. Chúng tôi hay í ới nhau cùng đi chợ Bà Hoa (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) để “mua ít giọng Quảng”. Đến đây, đắm mình trong phương ngữ “răng, tê, mô, rứa” quen thuộc, hòa mình vào không gian dạt dào hồn quê, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, như tìm lại được một phần cội nguồn trong những tháng ngày phiêu diêu xứ người.
Giọng quê hương không chỉ là thanh âm mà còn là hồn cốt của ký ức, của tình yêu thương. Dẫu có đi xa đến đâu, nó vẫn vang vọng trong trái tim, nhắc rằng mình đã khởi đầu từ một nơi bình yên như thế. Dẫu có đi xa đến đâu, cái giọng quê, cái âm điệu của cội nguồn vẫn luôn ở lại trong tâm hồn, là thứ không bao giờ phai mờ!
DUY AN