Độc bản phù điêu Đản sinh Brahma

.

Theo một ấn bản của Bảo tàng Guimet (Pháp), trong đợt khảo cứu Mỹ Sơn của phái đoàn Henri Parmentier vào tháng 9-1903 tại khu đền tháp E1 đã phát hiện nhiều hiện vật độc đáo trong đó có phù điêu với hình tượng rắn thần Shesha mang tên phù điêu Đản sinh Brahma.

Phù điêu mang tên Đản sanh Brahma với hình tượng rắn thần Shesha. Ảnh: Tư liệu
Phù điêu mang tên Đản sanh Brahma với hình tượng rắn thần Shesha. Ảnh: Tư liệu

Cuộc khai quật ở Mỹ Sơn

Khu đền tháp Mỹ Sơn được người Pháp “tình cờ phát hiện” vào năm 1885. Hồ Xuân Tịnh trong tác phẩm Di tích Chăm ở Quảng Nam (NXB Đà Nẵng, 2008) cho biết ở trang 13: “Vào năm 1885 một toán lính Pháp đã phát hiện ra khu tháp Chăm bị bao phủ bởi rừng cây”. Phải đợi đến năm 1903, khu đền tháp này mới được các nhà chuyên môn thực sự đến khai quật khảo cứu. Đó là các chuyên gia của Trường Viễn Đông Bác cổ được dẫn đầu bởi Henri Parmentier, kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ Pháp cùng đồng sự là Charles Carpeaux.

Tháng 12-1902, Toàn quyền Đông Dương ban hành một nghị định có nội dung tạm ứng một số tiền lớn (1.500 đồng) để nhà khảo cổ H. Parmentier thuộc Trường Viễn Đông Bác cổ thực hiện các cuộc khai quật khảo cổ các di tích (nhất là các di tích Chăm) ở miền Trung.

Ba tháng sau, ngày 11-3-1903, H. Parmentier và Charles Carpeaux đến Mỹ Sơn sau một đoạn đường dài bằng “ngựa thồ và đi bộ”. Đoàn đặt “tổng hành dinh” trong căn nhà bằng gỗ dưới chân một ngọn núi chung quanh bao bọc bởi một hàng rào bằng gỗ cao 4 mét được vót nhọn để chống thú dữ.

Cuộc khai quật khảo cứu diễn ra suốt gần một năm, đoàn phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Ngoài trở ngại là khu đền tháp nằm rải rác trên một khu vực quá rộng, một thung lũng bao quanh là núi và cách xa khu vực làng xóm có dân cư. Đoàn còn phải vượt qua cái nóng chết người của miền nhiệt đới, khí hậu độc hại và nhất là sự rình rập tấn công của thú dữ (kể cả cọp, beo). Nhiều người trong đoàn mệt mỏi, nản chí lo sợ đòi bỏ về. Chỉ một mình Parmentier là có vẻ trụ vững trước những thách thức khắc nghiệt này.

Để động viên tinh thần cho đoàn và thể hiện sự quan tâm đến công trình, Louis Finot, Giám đốc trường Viễn Đông Bác cổ đã đến thăm và lưu lại công trường suốt 10 ngày.

Ngoài việc phát quang, đánh dấu bằng ký tự La tinh (A, B, C…) các nhóm tháp của khu di tích đoàn còn sưu tầm và dập lại hệ thống văn bia, chụp ảnh và vẽ lại toàn bộ hệ thống tháp và các hiện vật.

Toàn bộ những khảo cứu của đoàn đã được công bố trong Kỷ yếu của Trường Viễn Đông Bác cổ vào năm 1904 với tên gọi Les monuments du cirque de Myson (Những di tích trong thung lũng Mỹ Sơn). Năm 1909, Parmentier lại tiếp tục cho ra mắt công trình nghiên cứu tựa đề Inventaire descriptif des monuments Cam de l’Annam (Kiểm kê khảo tả các di tích Chăm ở An Nam).

Năm 2005, Bảo tàng Guimet (Pháp) đã cho ra mắt ấn bản “Missions archéologiques francaise au Vietnam - Les monuments du Champa: Photographies et intinéraires 1902 - 1904” (Các đoàn khảo cổ của Pháp tại Việt Nam các di tích Champa, ảnh chụp và hành trình năm 1902-1904), đã cho biết nhiều thông tin về cuộc khai quật ở Mỹ Sơn của H. Parmentier.

Hiện vật gốc, độc bản

Nhờ cuộc khảo sát và những văn bản để lại mà ngày nay chúng ta mới biết hết sự “hoành tráng” của một khu đền tháp thuộc loại hàng đầu Đông Nam Á (cũng như sự tàn phá của chiến tranh và thời gian). Một số bản vẽ và ảnh chụp của đợt khảo cứu này hiện vẫn được lưu giữ cẩn thận tại Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn. Chính vì vậy H. Parmentier là một trong 4 người đầu tiên được đề nghị dựng tượng đặt trong khu vườn tượng ghi nhớ những người có công trong việc bảo tồn khu đền tháp Mỹ Sơn.

Theo ấn bản của Bảo tàng Guimet nói trên, đợt khảo cứu Mỹ Sơn của phái đoàn Parmentier có phát hiện nhiều hiện vật độc đáo trong đó có phù điêu với hình tượng rắn thần Shesha mang tên phù điêu Đản sinh Brahma.

Phù điêu được phát hiện vào tháng 9-1903 tại khu đền tháp E1. Đây là bức chạm khắc được trang trí trên vòm cửa của tháp E1, được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng vào năm 1935, được trưng bày ở gian Mỹ Sơn của bảo tàng với ký hiệu BTC 25 (ký hiệu cũ là 178) và được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào ngày 18-1-2024. Đây là Bảo vật quốc gia thứ 9 của bảo tàng.

Phù điêu có kích thước khá lớn dài 240cm, cao 114cm, rộng 30cm, nặng 400 kg, làm bằng sa thạch, được các nhà nghiên cứu xếp vào phong cách Mỹ Sơn E1 và niên đại từ thế kỷ thứ VII; chủ đề nói về sự ra đời của thần Brahma, vị thần tối thượng theo Ấn Độ giáo, cũng là sự khởi đầu của vũ trụ theo thần thoại Ấn Độ.

Phòng lưu trữ của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cho biết: “Phù điêu minh họa thần Vishnou nằm trên biển vũ trụ mênh mông đen tối, được nâng đỡ bởi rắn thần Shesha 7 đầu (là điểm tựa và là linh vật hộ vệ cho thần Brahma), tay phải thần đỡ dưới đầu, tay trái giữ chặt cuống sen Panda mọc ra từ rốn (biểu trưng cho sự luân hồi), trên đài sen thần Brahma ra đời trong tư thế thiền định và sau đó thần Brahma sáng tạo ra thế giới. Phía chân thần Visnou là hình ảnh một vị đạo sĩ đang chúc phúc cho cho cuộc đản sinh. Trong nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ, ở vị trí này thường là hình ảnh của nữ thần Laksmi - vợ của Visnu. Hai đầu bức phù điêu là hai chim thần Garuda mình người chân chim”.

Một số nhà nghiên cứu ở Cục Di sản văn hóa cho biết: “Đây là hiện vật có giá trị tiêu biểu được chạm khắc đẹp, cân đối, hài hòa, hình thức độc đáo, hiếm thấy trong văn hóa, nghệ thuật Champa, là một minh chứng quan trọng về sự du nhập sớm của Ấn Độ giáo vào Vương quốc Champa nói chung và Văn hóa Champa nói riêng ở thế kỷ VII-VIII”.

Ngoài ra, phù điêu có giá trị đặc biệt bởi có niên đại sớm, là “hiện vật gốc, độc bản”, có hình tượng rắn, một linh vật trong thần thoại Ấn Độ mà người Chăm chịu ảnh hưởng. Chính vì vậy dù thủ tục “mượn” rất phức tạp, tiền mua bảo hiểm rất cao (hàng triệu USD), phù điêu đã 2 lần được “mượn” để xuất ngoại cho công chúng được thưởng ngoạn. Lần thứ nhất vào năm 2005 sang Pháp trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật châu Á Guimet ở Paris và lần thứ hai vào năm 2014 ở Hoa Kỳ tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan (Newyork).

LÊ THÍ

;
;
.
.
.
.