Những năm đầu thế kỷ XXI, các nhà khảo cổ phát hiện tại di chỉ Lai Nghi (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) hai di vật rất hiếm hoi và độc đáo trong các di tích thuộc giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ sắt ở vùng Đông Nam Á của nền văn hóa Sa Huỳnh.
![]() |
Hạt mã não hình con chim nước và con hổ Lai Nghi (ảnh trái) được phát hiện trong đợt khai quật khu mộ táng Lai Nghi vào tháng 4-2003. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quảng Nam |
Liên tục trong 3 năm từ 2002 đến 2004, Bảo tàng Quảng Nam phối hợp các nhà khảo cổ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Khảo cổ học Cộng hòa Liên bang Đức khai quật tại khu mộ táng Lai Nghi, thuộc khối 7B, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn.
Tại đây, các nhà khảo cổ phát hiện những chiếc gương đồng Riguanjing (gương ánh sáng mặt trời) vào những năm 70-50 trước Công nguyên, gọi là gương Tây Hán. Ngoài gương đồng, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều lục lạc bằng đồng tại các địa điểm khai quật gồm nhiều chuỗi trang sức bằng vàng, hai hiện vật mã não tạo tác hình động vật, gồm hạt chuỗi hình con chim nước và hình con hổ.
Theo hồ sơ khoa học “Hạt mã não hình con chim nước và con hổ Lai Nghi” hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam, hạt chuỗi hình con chim nước và hình con hổ là tiêu bản duy nhất được phát hiện trong văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, hạt chuỗi mã não khắc hình con chim nước có độ dài 15cm, cao 0,75cm, dày thân phần đầu cánh 0,6cm, dài mỏ 0,8cm, đường kính lỗ 0,15cm. Hiện vật tạo tác hình con chim với đặc điểm của loài chim nước, có thể là chim xít (có tên khoa học là Porthyrio Linnaeus) chúng có bộ lông sặc sỡ, đầu có mồng đỏ, chân không cao nhưng ngón chân dài, sống phổ biến ở vùng đầm lầy Đông Nam Á. Trên mặt và thân một số trống đồng cổ ở Việt Nam, người xưa đã thể hiện hình chim xít bên cạnh các loài hươu, cóc, cỏ, vạc, bồ nông.
Hạt mã não khắc hình con hổ dài 1,4cm, cao 1,1cm, dày 0,7cm. Tạo hình hiện vật cũng được thể hiện chi tiết với thân hình hổ khá mập mạp, thoạt nhìn thì tư thế nằm gần giống như một con bò, song phần đầu được tạo dáng của đầu hổ, các chi tiết như hai mắt, sống mũi và mũi, hai tai được chạm khắc tỉ mỉ, sống động. Đặc biệt, hai hiện vật mã não hình động vật trên được phát hiện trong một địa tầng văn hóa nguyên vẹn tại khu mộ táng Lai Nghi.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, hạt mã não hình con chim nước và con hổ Lai Nghi là hai hiện vật được làm từ chất liệu đá Carnelian, là một trong những loại đá quý có lịch sử lâu đời, kéo dài hàng nghìn năm. Viên đá Carnelian xuất hiện lần đầu tại nghĩa trang Varna Chalcolithic ở Bulgaria, tồn tại cách đây khoảng 6.500 năm, vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên.
Sau đó, Carnelian đã trở thành một món đồ quý giá thời cổ La Mã và Hy Lạp, rất được ưa chuộng trong thời gian hơn 4.000 năm trước. Ngày nay, sự xuất hiện của đồ trang sức làm từ Carnelian liên tục được các nhà khảo cổ học ghi nhận tại nhiều vùng đất khác nhau như: Balkan, Hy Lạp, Trung Đông và các vùng cổ đại khác trên thế giới. Kỹ thuật tạo hình tinh xảo, phức tạp và chỉn chu trong từng chi tiết nhỏ của hình con chim nước và con hổ này cho thấy kỹ thuật cao của nghệ nhân, sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và là sản phẩm tinh thần đặc sắc.
“Hạt mã não hình con chim nước và hình con hổ Lai Nghi” là di vật rất hiếm hoi và độc đáo trong các di tích thuộc giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ sắt ở vùng Đông Nam Á, minh chứng đời sống văn hóa tinh thần rất đa dạng, phong phú của cư dân cổ Sa Huỳnh không chỉ là sản phẩm phản ánh quá trình giao lưu văn hóa, buôn bán trong mạng lưới trao đổi trên biển Đông.
Và Lai Nghi là một trong những địa điểm quan trọng bậc nhất trong hệ thống di tích văn hóa Sa Huỳnh, phân bố ở trung tâm và khu vực trọng yếu, nằm ở vùng cửa sông ven biển, có vị trí thuận lợi cho các hoạt động trao đổi buôn bán giữa cư dân Sa Huỳnh với các khu vực khác.
Ngoài yếu tố độc bản, hạt mã não hình con chim nước và hình con hổ Lai Nghi cho thấy kỹ thuật tạo hình tinh xảo. Đây là tư liệu lịch sử quý hiếm, hiện vật gốc, độc bản, độc đáo về tạo hình, điển hình, có niên đại xác thực, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng qua khai quật khảo cổ học, có giá trị lịch sử, văn hóa. Với giá trị đó “Hạt mã não hình con chim nước và con hổ Lai Nghi” đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký quyết định số 1712/QĐ-TTg, ngày 31-12-2024, công nhận là Bảo vật quốc gia.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Nam có 7 bảo vật quốc gia gồm: Trống đồng Hoàng Long và Thạp đồng Hoàng Long, Ekamukhalinga, Đầu tượng thần Siva, Bộ sưu tập trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi và Hạt mã não hình con chim nước và con hổ Lai Nghi, hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại không gian văn hóa Sa Huỳnh của Bảo tàng Quảng Nam.
Và sự hiện diện của bảo vật quốc gia “Hạt mã não hình con chim nước và con hổ Lai Nghi” tạo sức hút lớn, để Bảo tàng Quảng Nam thúc đẩy quảng bá và thu hút lượng khách du lịch đến Quảng Nam tham quan bảo tàng nhằm phát huy giá trị các bảo vật quốc gia. Đây cũng là nguồn tư liệu quý để tổ chức các hoạt động giáo dục cộng đồng, nghiên cứu khoa học và văn hóa.
SƠN NGUYỄN