Mẹ bảo, mình được trời nuôi. Bác Tư hàng xóm khen - giỏi chưa từng thấy, đàn bà mình đồng da sắt làm lở núi lở non. Đương nhiên không phải mẹ tôi “mình đồng da sắt” rồi, nhưng đúng ở chỗ mẹ cứ cùi cụi làm qua ngày nắng xuyên ngày mưa, điều lạ hiếm khi thấy mẹ bệnh đau nằm đợi cơm bưng nước rót. Chỉ một lần năm tôi học lớp 8 mới thấy mẹ bệnh một cách “lộ liễu”. À mà không, mẹ gãy chân do gánh một gánh khoai lang nặng trĩu leo lên cái dốc dựng đứng ở bến sông thì đâu phải bệnh. Trong cái rủi có cái may, ơn trời, nhờ vậy mà mẹ được nghỉ ngơi - anh Hai nói giỡn mà nghe đau quá, thương quá. Mẹ tham công tiếc việc lắm. Phải thực sự không đứng đi được mẹ mới chịu nằm chứ dễ gì. Nhiều lần nghe mẹ ho húng, giọng nói nghe khang khác, anh chị lo lắng hối đi mua thuốc thì mẹ bảo cảm xoàng sẽ tự qua. Sau này đã bảy mươi tuổi, những đêm trở trời, mẹ ngồi trước màn hình tivi đấm thùm thụp vào chân, tôi kêu chở đi khám bệnh nhưng mẹ lại gạt phắt: Già cả đau nhức là bình thường thôi, khám chi cho tốn…
![]() |
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
“Trời nuôi” là mẹ nói giỡn, nhưng tôi nghĩ chắc cũng có một phần thật mơ hồ hiển hiện nào đó. Chứ dễ gì một người đàn bà chân đất cùng đôi tay và mấy sào ruộng mà cõng được bầy con chục đứa xấp xỉ tuổi nhau.
Tôi là thằng út trong bầy con mười lần đẻ của mẹ. Tên đi học mẹ tràn đầy hy vọng đặt - Hữu Chí, còn tên cúng cơm Dư Rớt. Giải thích một chút về cái tên độc đáo này. “Dư” là đứa con thứ dư, sau bà chị thứ mười. Còn “Rớt” là để ghi nhớ sự kiện hy hữu - tôi bị đẻ rớt ngoài ruộng.
Mẹ kể đó là một ngày thu, đồng đang kỳ gặt rộ. Lưỡng lự nhiều khi mẹ hết ngó ra đồng rồi lại nhìn xuống bụng, lại đưa tay âu yếm xoa vào bụng dưới, chỗ tôi đang nghịch ngợm tung chân đạp. Cái thai đã gần chín tháng đạp mạnh, bụng đã có dấu hiệu oằn thấp xuống. Theo kinh nghiệm mẹ biết sắp sinh rồi. Nhưng các con lớn đã ra thị trấn ở trọ học cấp ba, mình mẹ ở nhà với lũ nhóc cùng heo qué vịt gà. Bụng đang tức nhưng tiếng con bò sau chuồng nghểnh cổ õm ò… dài dẵng gọi rơm. Mùa đông sắp tới rồi, bò sẽ cần rơm cỏ mà mẹ lại chui vô buồng ở cữ. Chừng đó phần con khóc phần bò đói, bụng dạ nào yên. Vậy là dù chân bước cấn bụng nhưng mẹ vẫn quảy gánh ra đồng xin rơm.
Rơm chất đầy gánh, chưa kịp đưa vai vào bụng đã co lên từng hồi đau quặn. Chết rồi, mẹ bình tĩnh đứng thở sâu. Bác Tám xóm trước thấy cảnh ấy bèn lại đưa vai vào gánh đỡ: "Bụng cao vượt mặt mà còn ham làm, coi chừng đẻ rớt ngoài đường bây giờ". Mẹ cười: "Hình như sắp rớt chứ chưa...". Mẹ nói vậy với niềm tin dùng ý nghĩ điều khiển sẽ trụ được tới nhà nhưng không kịp rồi. Đang giữa bờ ruộng. Mẹ ráng sức kêu thím Mận đang lụi cụi ở đám ruộng gần đó lại phụ.
"Chắc nhờ bộ xương to, lại chăm làm nên mẹ đẻ dễ như gà đẻ trứng", mẹ nói. "Chắc tại thắt đáy lưng ong nên đau bụng là rớt ra liền", thím Mận phán. Còn chị Bốn trêu tôi hóng ra giành ăn với anh chị nên không kịp về nhà mà chui ào ra ngoài bờ ruộng.
Nói oan khiếp, tính tôi thảo ăn chứ có đâu mà giành. Nếu chén cơm có nhiều hơn anh chị miếng thịt gắp cá, mẹ cũng thanh minh: tại mẹ sinh em ra còi cọc, da bọc xương nên giờ phải nhịn thịt cá cho nó. Mẹ đã nói thấu tình đạt lý mà chị Mười vẫn hay bì lơ, chị “ràm”: "Nhà một bầy con nhưng thằng Dư Rớt được mẹ cưng nhứt nhà". Chẳng biết có được cưng nhất không, tôi hơi nghi ngờ nhận xét ấy vì thấy mẹ đối xử với các con như nhau chứ có chỗ nào hơn thua, đó là chưa nói thằng út tôi còn sợ mẹ nhứt nhà.
Mẹ tôi tính nghiêm tới mức hung dữ. Từ nhỏ, mẹ dạy các con không được phép yếu đuối, đừng hòng nhờ nhợ hay mít ướt, coi chừng roi bay vào đít. Mẹ quan điểm, thiếu roi khó nên người. Mẹ trước sau nguyên tắc không biểu lộ tình thương ra mặt và sẵn sàng thô bạo trở roi đét đít hay sát phạt hơn là cầm cán chổi quất thẳng vào chân nên các con của mẹ răm rắp sợ. Tuy nhiên, nếu không phải mẹ, nếu không mạnh mẽ đến “sát phạt” như vậy, mẹ quản sao nổi bầy cặp kê tuổi. Càng nghĩ lại càng thương mẹ.
Ngày bố mất, mẹ đau. Nhợt nhạt như không tìm được giọt máu nào trên mặt nữa. Nhưng tuyệt nhiên không có giọt nước ở mắt. Tiếng khóc của mẹ là tiếng khóc thầm lặng. Bạn có đồng ý với tôi tiếng khóc thầm lặng mới đích thực là… khóc. Ngày thường chúng tôi không thấy mẹ khóc bao giờ. Mẹ dạy chúng tôi lúc nào cũng phải mạnh mẽ, phải bình tĩnh đối đầu với những khắc nghiệt của cuộc sống. Nước mắt là thủ phạm khiến người ta yếu đuối. Mẹ nói được làm được. Nhưng đây là đám tang chồng? Sau này nếu ai đó nhắc lại, mẹ bảo, không khóc không có nghĩa không thương, không đau.
Mà nếu mồ côi chồng, nếu chỉ nai lưng làm cho con ăn học thì đã đỡ khổ. Đâu phải ai cũng có được cái phước có mười đứa con thì hết mười đứa ngoan hiền. Con cùng cha cùng mẹ nhưng trời cho mỗi đứa một tính. Chuyện này tôi chỉ nghe chị Hai kể chứ không tận mắt chứng kiến. Đó là chuyện ông anh Ba đáng kính của tôi khi vào trường cấp ba ngoài thị xã thì chính thức… đổ đốn. Chỉ riêng việc một mình mẹ, người đàn bà thế hệ 4x một mình cáng đáng bầy con nhưng tiêu chí đứa nào cũng được đến trường đã đủ lý do để mẹ trở thành vĩ đại rồi. Nhưng nỗi cơ cực thể xác làm sao sánh với những nhọc nhằn khi tâm trí bị chi phối bởi những lo lắng, hoang mang và cả tuyệt vọng khi nghĩ đến ngày mai của con trẻ.
Anh Ba từ học sinh giỏi xuất sắc lớp 9 bỗng chốc tụt hạng thành học sinh yếu khi vào lớp 10. Trốn tiết cúp cua, tụ tập bạn bè hút thuốc, uống rượu, tệ hơn lập phe đánh đấm. Nếu chuyện chỉ dừng lại ở nông nổi nghịch ranh chắc đã đỡ vả cho mẹ. Khủng khiếp nhất là đêm nhóm anh "lăm lăm roi song, tay thước” như tên cai lệ hung hãn trong truyện của Ngô Tất Tố tiến vào nhà bạn thì ông nội của bạn hoảng hốt chạy ra. Khi nghe nhóm anh to tiếng, ông nội "đứng hình" trong giây lát rồi té ào xuống nền nhà. Chỉ là cái nền đất nhưng ông nội khốn khổ qua đời ngay sau đấy. Công an về dựng hiện trường, túm cổ hết nhóm về huyện tạm giam điều tra. Mẹ và mấy anh chị tôi chỉ còn biết khóc ròng… dù sau tạm giam điều tra anh được thả.
"Chỉ mấy ngày thôi mà tao thấy như mẹ đã bị nỗi phiền muộn làm cho xác xơ", chị Bốn nói. Đó cũng là lúc các con đau lòng chứng kiến những giọt nước mắt công khai của mẹ. Sau này, chính tôi hỏi về những giọt nước mắt đáng lẽ phải khóc chồng thì mẹ giải thích: người chết cũng đã chết rồi, chỉ khổ cho người sống không ra sống mà chết chẳng ra chết. Lỡ có chuyện gì với thằng Ba thì tàn đời nó. Mà con cái tàn đời thì có bà mẹ nào được yên thân? Quan điểm của mẹ lý trí một cách mạnh mẽ: sống được phải sống cho ra người, đừng sống kiểu người không ra người, ma không ra ma, sẽ có tội với tất cả…
Với tôi, mẹ là tất cả. Không chỉ chuyện đẻ ngoài ruộng mà lúc mang thai tôi cũng đã là sự lạ có một không hai. Lúc đó, bố tôi mất gần tháng mẹ mới phát hiện mình có chửa. Bốn mươi tám tuổi, chín người con, giờ mồ côi chồng lại thêm bụng mang dạ chửa. Khó khăn phủ lấp hiện tại, mờ mịt tương lai nhưng mẹ bản lĩnh hơn, vượt qua những đòi hỏi bản năng, mẹ cự tuyệt lời ong tiếng ve và cả tấm chân tình nguyện cùng mẹ san sẻ đắng ngọt cuộc đời. Chính chị Bốn tôi sau này đã “phỏng vấn” mẹ chuyện hồi đó sao không thương, không ghép nối với ai cho bớt khổ. Có lúc lòng cũng xao động nhưng nghĩ tới các con, mẹ sợ tình thương bị san sẻ và vất vả với những hiểu lầm kiểu dượng ghẻ và con vợ nên quyết dừng.
Mẹ bệnh. Lúc còn mạnh khỏe, mẹ tâm niệm sẽ không đột ngột rời bỏ dương gian mà sẽ nán lại một ít, một ít thôi nhưng phải trên giường bệnh. Mẹ nói “một ít” để con cái có cơ hội báo hiếu. Mẹ quan niệm cái chết đột ngột của song thân sẽ làm các con đau đớn bội phần. Nhưng mẹ không muốn phải nằm lâu để trở thành gánh nặng. Mẹ suy nghĩ “lạ lùng”. Lúc nào cũng nghĩ tới con, ngay cả khi đang đối mặt với tử thần. Hiểu được tâm nguyện nhân văn sâu xa đó, chúng tôi đặc biệt chăm sóc mẹ rất kỹ càng.
Mẹ mê man, lúc tỉnh táo nhất mở mắt nhìn các con âu yếm. Đấy cũng là khoảnh khắc tôi lặng lẽ ngắm mẹ - thần tượng của đời tôi. Khuôn mặt trái xoan hóp lại, những vết nhăn xô nhau chằng chịt trên khuôn mặt. Đồi mồi nổi dày trên đôi gò má, trên mu bàn tay - vết tích của những ngày mẹ lậm lụi nắng mưa vì chén cơm, cái chữ của con trẻ...
Một tháng tròn trên giường bệnh, ngày mẹ rời bỏ các con, dù phút lâm chung mẹ dặn khi mẹ đi gặp ba thì đừng có khóc nghen. Đây sẽ là lần duy nhất con cãi lời mẹ. Con đã khóc như mưa, khóc như chưa từng được khóc. Với con, ngày tiễn mẹ là ngày đau buồn nhất, mà sau này, sẽ không có ngày nào buồn hơn, đó là cái tang nhân đôi; bởi mẹ vừa là cha vừa là mẹ.
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN