Đây là câu chuyện khá kỳ lạ, vì một người lính ở chiến trường Tây Nguyên năm 1962 có vợ ở Nghệ An, đêm nằm giữa rừng nhớ vợ quá anh viết bài thơ “Tình em”. Anh không ngờ, khi bài thơ được đăng trên Báo Văn Nghệ cuối năm 1962, thì một nhạc sĩ nổi tiếng khi đọc bài thơ trên báo đã rất xúc động. Ông lập tức phổ nhạc bài thơ này, giữ nguyên lời bài thơ, không thêm không bớt.
![]() |
Vợ chồng nhà thơ Hồ Ngọc Sơn. Ảnh tư liệu |
Nếu không có chiến tranh, không có cảnh chia ly buồn khổ, chắc chắn không có bài thơ “Tình em”. Và cũng không thể có ca khúc “Tình em” với âm nhạc tuyệt đẹp và lời ca cực kỳ cảm động như thế.
Thơ trong chiến tranh có thể ra đời trên rừng rậm, núi cao, còn nhạc sĩ phổ bài thơ có thể đang ở Hà Nội, nhưng ca khúc “Tình em” quá thành công vì nhà thơ Hồ Ngọc Sơn và nhạc sĩ Nguyễn Huy Du đã đồng điệu, cứ như họ đã đi vào lòng nhau, chia sẻ với nhau từng rung cảm vi tế nhất. Trong chiến tranh, nhạc đỏ Việt Nam đã ra đời như vậy. Bây giờ, sau đúng 63 năm, ca khúc “Tình em” vẫn được các bạn trẻ hát lên đầy cảm xúc, vẫn là ca khúc “vượt thời gian” như chúng ta thường gọi.
Tình em Thơ: Hồ Ngọc Sơn Khi chiếc lá xa cành |
Trong ký ức của nhà thơ Hồ Ngọc Sơn, ông nhắc tới lần cuối cùng được gặp gỡ nhạc sĩ Huy Du. Và thật bất ngờ, nhà thơ - nhạc sĩ đã kết nối cuộc gặp gỡ ấy lại là một người bạn thương quý của tôi, anh Nguyễn Thụy Kha. Đó là, Mùa hè năm 2007, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha điện thoại cho tôi (nhà thơ Hồ Ngọc Sơn) mời tham gia chương trình ca nhạc "Ký ức thời gian" của VTV3, giao lưu với khán giả những ca khúc cách mạng trữ tình đi cùng năm tháng của anh, chương trình mang tên "Tình em".
Tôi chắc nhà thơ Hồ Ngọc Sơn đã biết, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha vừa qua đời sau một thời gian bạo bệnh, giống như nhạc sĩ Huy Du mà anh Sơn đã gặp lần cuối vào năm 2007. Thời điểm ấy, nhạc sĩ Huy Du cũng mang trong mình căn bệnh chết người. Hai nhạc sĩ ra đi cách nhau 18 năm, nhưng ca khúc “Tình em” thì còn lại.
Xin thêm đôi dòng về tác giả bài thơ "Tình em" Hồ Ngọc Sơn. Đại tá Hồ Ngọc Sơn sinh năm 1932 tại Quảng Ngãi. Năm 1954 anh tập kết ra Bắc. Năm 1961, đang là Đại đội trưởng pháo binh thuộc Tiểu đoàn 300, Trung đoàn 14, Sư đoàn 324, anh được lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Bài thơ "Tình em" viết năm 1962 tại Gia Lai, khi nhận được thư người vợ từ xứ Nghệ gửi vào. Bài thơ thể hiện nỗi nhớ nhung da diết người vợ vừa mới cưới, sống với nhau được 5 ngày thì nhà thơ đã phải chia tay trở về Nam.
THANH THẢO