Tuổi tác có phải là rào cản trong công việc?

.

Câu chuyện về thông tin tuyển dụng yêu cầu "không tuyển người ngoài 35 tuổi" không còn xa lạ và thường được chia sẻ một cách hài hước trên mạng xã hội. Đằng sau những lời đùa này là thực trạng đáng lo ngại: người lao động trên 35 tuổi đang đối diện với rào cản vô hình trong thị trường lao động. Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2024, nhóm lao động dưới 25 tuổi chiếm 60,47%, nhóm từ 25-34 tuổi chiếm 34,59%, trong khi nhóm từ 35-49 tuổi chỉ chiếm 4,94%. Vậy tuổi tác có thực sự là yếu tố quyết định thành công trong công việc?

Nhiều doanh nghiệp cho rằng lao động trên 35 tuổi khó tiếp cận công nghệ mới và yêu cầu mức lương cao hơn. Mặc dù lao động trẻ có những ưu điểm như sự năng động và khả năng thích nghi nhanh, nhưng người lao động trung niên lại sở hữu những lợi thế khác biệt: nền tảng chuyên môn vững chắc, khả năng xử lý tình huống linh hoạt và kinh nghiệm quản lý hiệu quả.

Trong một thế giới công nghệ thay đổi chóng mặt, kinh nghiệm lâu năm của lao động trung niên giúp họ đối mặt với áp lực công việc và xử lý tình huống bất ngờ mà không bị cuốn theo sự thay đổi liên tục. Đây không phải là yếu tố có thể bị thay thế dễ dàng bằng kỹ năng công nghệ.

Thực tế đã chứng minh rằng tuổi tác không phải là giới hạn của thành công. Không ít doanh nghiệp đã nhận thức được giá trị to lớn của lực lượng lao động trung niên. Họ hiểu rằng thành công không phụ thuộc vào độ tuổi mà là năng lực thực tế, tinh thần làm việc, khả năng thích nghi và sự sáng tạo. Vì vậy, họ coi trọng môi trường làm việc đa thế hệ, nơi mọi độ tuổi đều có cơ hội phát triển và cống hiến. Lao động trẻ có thể học hỏi từ kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, trong khi người lao động trung niên cũng có thể tiếp nhận các kỹ năng mới từ thế hệ trẻ. Đây là một mô hình "win-win", mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Mỗi thế hệ đều có những ưu điểm riêng biệt. Việc xây dựng một không gian làm việc mà ở đó các thế hệ có thể học hỏi lẫn nhau sẽ không chỉ phát huy tiềm năng cá nhân mà còn tận dụng được sức mạnh tổng hợp, giúp tạo dựng một cộng đồng lao động linh hoạt, sáng tạo và bền vững. Trong bối cảnh chuyển đổi số, các doanh nghiệp chỉ có thể phát triển mạnh mẽ nếu biết cách tận dụng sự đa dạng độ tuổi trong đội ngũ của mình. Do đó, thay vì chỉ chú trọng vào chiến lược tuyển dụng, các công ty nên coi việc kết hợp các thế hệ là yếu tố then chốt để vươn tới thành công lâu dài. Để thực hiện điều này, các doanh nghiệp cần triển khai các chương trình đào tạo không phân biệt độ tuổi, đồng thời khuyến khích sự giao lưu và chia sẻ kiến thức giữa các thế hệ trong tổ chức.

Nhiều quốc gia cũng nhận ra tầm quan trọng của lao động trung niên và có những chính sách bảo vệ quyền lợi của họ. Nhật Bản ban hành Luật Ổn định việc làm cho người cao tuổi từ năm 1986, yêu cầu doanh nghiệp giữ nhân sự đến 65 tuổi, và từ năm 2020 nâng lên 70 tuổi.

Đạo luật Chống phân biệt đối xử theo tuổi tác trong việc làm (ADEA) được Mỹ ban hành năm 1967 nhằm bảo vệ người lao động từ 40 tuổi trở lên khỏi sự phân biệt trong tuyển dụng, thăng tiến và các điều kiện làm việc khác dựa trên độ tuổi. Singapore đã thực hiện một loạt chính sách thiết thực để phát huy tiềm năng của lực lượng lao động trung niên. Một trong những sáng kiến nổi bật là chương trình SkillsFuture Singapore (SSG), được triển khai từ năm 2015, với mục tiêu tạo cơ hội học tập suốt đời cho tất cả công dân.

Tại Việt Nam, việc tạo ra một khung pháp lý để cấm phân biệt độ tuổi trong tuyển dụng và hỗ trợ đào tạo lại kỹ năng cho lao động trung niên là điều cần thiết. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người trên 35 tuổi thông qua ưu đãi thuế hoặc hỗ trợ tài chính. Việc phát triển các mô hình việc làm linh hoạt như làm việc từ xa hoặc bán thời gian sẽ giúp lao động trung niên dễ dàng thích nghi với sự thay đổi của thị trường, đồng thời giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả công việc.

Thị trường lao động hiện nay đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ. Sự bùng nổ của công nghệ và tốc độ chuyển đổi số ngày càng nhanh cũng góp phần đẩy mạnh làn sóng cắt giảm nhân lực. Điều này không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà là xu hướng toàn cầu. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khoảng 41% các công ty trên toàn thế giới cho biết họ dự kiến ​​sẽ cắt giảm lực lượng lao động trong 5 năm tới do sự gia tăng của AI...

Trong bối cảnh thị trường lao động đang thay đổi từng ngày, yếu tố quan trọng không phải là độ tuổi mà là năng lực thực tế và thái độ làm việc. Dù là lao động trên 35 tuổi hay ở bất kỳ độ tuổi nào, tất cả đều cần phải nâng cao kỹ năng, chủ động học hỏi, đổi mới và nhanh chóng thích ứng với những biến chuyển không ngừng của thị trường. Sự linh hoạt và sáng tạo chính là chìa khóa để mỗi người có thể giữ vững vị thế trong công việc, bất kể là ở giai đoạn nào trong sự nghiệp.

HOÀI NHƯ

;
;
.
.
.
.