Chí sĩ Phan Châu Trinh và cách tân về trang phục

.

Cách đây 120 năm, không chỉ là một trong những nhân vật khởi xướng và lãnh đạo phong trào Duy Tân, chí sĩ Phan Châu Trinh còn đi đầu trong cuộc vận động “tân văn hóa, tân giáo dục, tân sinh hoạt” mà đến nay vẫn còn mang tính thời sự trong công cuộc chấn hưng văn hóa, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Chí sĩ Phan Châu Trinh - người khởi xướng mặc Âu phục. Ảnh tư liệu
Chí sĩ Phan Châu Trinh - người khởi xướng mặc Âu phục. Ảnh tư liệu

Cho đến đầu thế kỷ trước, trang phục truyền thống phổ biến của nam giới ở nước ta, nhất là của giới sĩ phu, vẫn là áo dài - khăn đóng - guốc mộc/giày. Thế mà, chí sĩ Phan Châu Trinh lại mạnh dạn làm một cuộc “cách mạng” về trang phục, tạo ra “mốt Tây Hồ” nổi tiếng. Trong cuốn Đông Kinh Nghĩa thục, học giả Nguyễn Hiến Lê mô tả đó là “một cái áo bành tô và một cái quần bằng vải nội hóa Quảng Nam nhuộm đen, thắt cái cà vạt cũng bằng vải đen, đi đôi giày “dôn” mỏ vịt (giày này màu da vàng, tiếng Pháp: Jaune là vàng) và đội cái nón “cát” trắng”.

Lý giải vì sao phải “mặc đồ Tây”, trong cuốn Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký, Phan Châu Trinh cho biết: “Người Nam từ thuở nay, từ bậc trung trở lên thường dùng sô sa của Tàu, từ khi thuế nhập cảng tăng vật giá thêm mắc, con buôn Tàu hay giả mạo, đem hàng xấu thế hàng tốt, tốn nhiều tiền mà mau rách, thân sĩ biết vậy nên hẹn nhau ngày thường qua lại thì mặc toàn đồ Tây, thay đồ Tàu, vì giá rẻ mà hàng tốt, lại tiện cho người làm việc. Đó là ý của hội mặc đồ Tây vậy”.

Song, ý nghĩa của “mặc đồ Tây” không chỉ dừng lại ở đó. Tiếp xúc với nền văn minh phương Tây, với nhãn quan chiến lược của mình, Phan Châu Trinh nhận thấy muốn tự cường dân tộc phải “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, phải thay đổi văn hóa và lối sống của người Việt, mà trước hết là đầu tóc và trang phục. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, đây không phải là “một sự kiện vụ hình thức như có nhiều người lầm tưởng. Chính nó có một giá trị tinh thần rất quan trọng đối với Phong trào Duy Tân”. Bởi, đó chính là sự đoạn tuyệt với một quá khứ, một tín điều để dấn thân vào sinh hoạt mới về nhiều phương diện.

Từ bỏ một tập quán lâu đời, từng tồn tại cả hàng ngàn năm là điều không hề dễ dàng gì. Bởi, người mặc Âu phục không chỉ can đảm đấu tranh với chính mình mà còn phải hứng chịu búa rìu của dư luận đương thời: “… Bày ra giản tiện áo ngang lưng quần/ Sự đời ai thấy không ưng/ Trên đầu đội mũ, dưới quần không dây/ Chân thời mang cặp giày Tây/ Rủ đi lất láo một bầy như dê” (Vè xin xâu, theo trang 203, sách Phong trào Duy Tân của Nguyễn Văn Xuân, NXB Đà Nẵng, 1995).

Trước Phan Châu Trinh, đã từng có nhiều người Việt mặc Âu phục (đa số làm việc cho Pháp) bị dân chúng khinh ghét thậm tệ. Đáng chú ý là ngay cả Huỳnh Thúc Kháng - một nhà Duy Tân hàng đầu, người bạn tri kỷ của cụ Phan - trước sau vẫn trung thành với bộ trang phục truyền thống cho đến những ngày cuối đời.

Vượt lên mọi sự chống đối quyết liệt của dư luận đương thời, Phan Châu Trinh vẫn kiên quyết, đi đầu trong việc tuyên truyền và thực hành một cuộc vận động “tân văn hóa” lớn của dân tộc ta đầu thế kỷ XX. Kết quả dễ thấy là bên cạnh hội buôn, hội nông, hội bảo hiểm… ở nước ta đã có hẳn một “hội mặc đồ Tây”.

Trong cuốn Đông Kinh Nghĩa thục, học giả Nguyễn Hiến Lê mô tả “mốt Tây Hồ” là “một cái áo bành tô và một cái quần bằng vải nội hóa Quảng Nam nhuộm đen, thắt cái cà vạt cũng bằng vải đen, đi đôi giày “dôn” mỏ vịt (giày này màu da vàng, tiếng Pháp: Jaune là vàng - NV) và đội cái nón “cát” trắng”.  Ảnh tư liệu
Trong cuốn Đông Kinh Nghĩa thục, học giả Nguyễn Hiến Lê mô tả “mốt Tây Hồ” là “một cái áo bành tô và một cái quần bằng vải nội hóa Quảng Nam nhuộm đen, thắt cái cà vạt cũng bằng vải đen, đi đôi giày “dôn” mỏ vịt (giày này màu da vàng, tiếng Pháp: Jaune là vàng - NV) và đội cái nón “cát” trắng”. Ảnh tư liệu

Phong trào mặc Âu phục phát triển rất mạnh mẽ, kể cả trong thời gian Phan Châu Trinh sang Nhật. Trong Huỳnh Thúc Kháng tự truyện, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Thành Thái thứ 18, Bính Ngọ 1906… cùng các thân hào bằng hữu đề xướng chung vốn lập thương cuộc tại Phố (Hội An, Faifoo) cùng lập trường học, hội nông, trồng quế… tùy theo phong khí biến đổi trong nước, nào ăn mặc theo Âu Tây, cúp tóc, náo nhiệt một thời…”.

Điều đáng nói nữa là chí sĩ Phan Châu Trinh được xem là người đầu tiên khởi xướng cuộc vận động dùng hàng nội hóa, mà ngày nay có tên gọi là “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Học giả Nguyễn Hiến Lê từng có nhận xét: “Cụ Tây Hồ là người mở đầu cho Phong trào Duy Tân ở nước nhà. Lập Nghĩa thục là một phần công lớn của cụ, gây tư tưởng mới ở Quảng Nam là cụ, đi khắp nơi diễn thuyết là cụ, khuyên quốc dân cắt tóc là cụ, liệng cái Phó bảng ra mà lập hiệu buôn cũng là cụ, bỏ tục nhuộm răng, vận Âu phục bằng nội hóa thì người đầu tiên cũng là cụ”.

Hưởng ứng chủ trương của cụ Phan, một cộng sự và cũng là người anh cô cậu của ông - chí sĩ Lê Cơ - chẳng những chỉ rõ cho dân làng Phú Lâm biết những việc rắc rối thường ngày khi phải mặc “áo dài khăn đóng” và vận động mặc áo ngắn theo kiểu Âu phục mà còn thuyết phục nên dùng vải Quảng Nam để ủng hộ nghề dệt vải qua 4 câu thơ: Dù mà áo vải quần thao/ Của ta mà bỏ của nào mà may?/ Nào khi đói rét long đong/ Nào khi mưa nắng ai hòng chở che?...

Theo Nguyễn Hiến Lê, từ năm 1907, hàng nội hóa của Quảng Nam đã từng góp mặt ở đất Hà Nội ngàn năm văn hiến để phục vụ may áo quần Tây thay cho vải ngoại quốc, như thao Mã Châu, vải La Thọ… Thế mới biết sức lan tỏa của phong trào vận động mặc Âu phục và dùng hàng nội hóa lớn đến mức nào.

VÂN TRÌNH

;
;
.
.
.
.