Với việc mở cửa và chính thức đi vào hoạt động, Bảo tàng Đà Nẵng đem lại những trải nghiệm thú vị đối với người dân và du khách. Đằng sau công trình này là câu chuyện kiến trúc ấn tượng.
![]() |
KTS Jean-Francois Milou, người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Kiến trúc Studio Milou, đơn vị thiết kế chính công trình Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: NVCC |
Đà Nẵng cuối tuần có dịp trao đổi với kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Jean-François Milou - người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Kiến trúc Studio Milou, đơn vị thiết kế chính công trình Bảo tàng Đà Nẵng để bạn đọc hiểu hơn về nơi sẽ kể những câu chuyện lịch sử sống động của thành phố.
* Công ty Kiến trúc Studio Milou nổi tiếng trên toàn thế giới, chuyên nhận thi công các công trình, dự án công cộng có quy mô lớn, với ngôn ngữ kiến trúc đơn giản, đổi mới và tôn trọng các cấu trúc sẵn có. Vậy, ông có thể cho biết, công ty áp dụng triết lý trên như thế nào trong suốt quá trình thiết kế, thi công công trình Bảo tàng Đà Nẵng?
- Đúng như bạn nói, và để có được sự đơn giản đó, chúng tôi phải làm việc, nghiên cứu rất nhiều nhằm giữ được triết lý thiết kế mà vẫn tuân theo các quy chuẩn bắt buộc cho công trình hiện đại. Thực tế cho thấy, sự đơn giản nhưng tinh tế trong xử lý không gian sẽ mang lại giá trị lâu dài cho công trình và người sử dụng.
Công trình Bảo tàng Đà Nẵng mới được thiết kế lại trên nền tảng tòa nhà do Pháp xây dựng từ năm 1898 và hoàn thành vào năm 1900, có lối kiến trúc bề thế và hào phóng của kiến trúc kiểu Pháp. Chúng tôi xem việc thiết kế Bảo tàng Đà Nẵng mới là ví dụ điển hình về việc tái sử dụng một cách hợp lý tòa nhà hiện có. Chính vì thế, phương án thiết kế là cố gắng bổ sung một phần riêng biệt cho tòa nhà lịch sử hiện tại, nhưng vẫn tôn trọng các điều kiện bảo tồn nghiêm ngặt nhất bởi thiết kế này không xâm phạm, có thể tháo rời và rất liền mạch.
Ngoài ý tưởng chung của dự án, nhiệm vụ của kiến trúc sư ở đây là làm sao đưa ra được giải pháp giấu đi toàn bộ những điều thiết kế phức tạp và chỉ mang lại cho công chúng một không gian tĩnh lặng để đắm mình vào tác phẩm nghệ thuật, những câu chuyện lịch sử được thiết kế theo công nghệ tân tiến như 3D mapping, phim 2D, 3D... Trải nghiệm và cảm xúc của công chúng với các công trình công cộng luôn được đặt lên hàng đầu, là điểm cốt lõi của mọi giải pháp thiết kế. Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu được đề ra nhưng đồng thời, cũng giữ được phong cách thiết kế của chúng tôi.
Cụ thể, trên nền tảng tòa nhà lịch sử hiện có, chúng tôi đã khôi phục kỹ càng theo hướng có một cánh mới được tạo ra, bao quanh khoảng sân yên bình với cảnh quan tươi mới. Về mặt kiến trúc, thiết kế của phần cánh mới này phản ánh rõ cách tiếp cận kiến trúc hiện đại và không cố gắng bắt chước theo cấu trúc lịch sử hiện có của tòa nhà. Nó được thiết kế như một phần sân thông suốt với hệ cột và hệ lam mỏng tạo ra lớp màng lọc, giúp không gian bên trong của bảo tàng có ánh sáng dịu nhẹ.
Phần cánh mới này được thiết kế với mái hiên có ngôn ngữ kiến trúc hiện đại và mở thông suốt ra các phía của thành phố, ở các tuyến đường Trần Phú, Bạch Đằng, cho phép du khách có thể đi từ phía quảng trường mới trước tòa nhà hội trường HĐND đến thư viện nằm dọc sông Hàn. Điều này có nghĩa là bảo tàng mới sẽ củng cố thêm cho sơ đồ tuyến đi bộ, nằm chung trong cụm các công trình có tuổi đời lịch sử lâu năm của thành phố.
* Xét về phương diện xu hướng kiến trúc, câu chuyện thiết kế và xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng liệu có sự kết nối nào đối với lối kiến trúc hiện đại hiện nay?
- Trên thế giới, hiện nay thiết kế các bảo tàng có nhiều xu hướng, công trình Bảo tàng Đà Nẵng mới thuộc xu hướng các công trình bảo tàng lịch sử. Đây cũng là xu hướng chung ở Việt Nam khi thời gian qua xuất hiện khá nhiều các công trình bảo tàng lịch sử có quy mô lớn như Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ…
Trước đó, Bảo tàng Đà Nẵng cũ đã phát triển mô hình bảo tàng truyền thống thành công, pha trộn giữa hiện vật trưng bày triển lãm, hệ thống công nghệ đa phương tiện, công nghệ dựa trên internet và các chương trình với mục đích tiếp cận dễ dàng đối với cộng đồng trẻ em, cộng đồng trường học. Đối với bảo tàng mới, chúng tôi áp dụng các giải pháp thiết kế tân tiến, tức là đi theo hướng tối ưu hóa mô hình này và kết nối bảo tàng với khu vực lớn dành cho người đi bộ dọc sông Hàn.
Bên cạnh đó, về không gian triển lãm - nét đặc trưng của các công trình bảo tàng lịch sử - vẫn được chúng tôi giữ lối thiết kế kiến trúc theo môtip quen thuộc nhưng làm mới phần thiết kế không gian "triển lãm" và "không triển lãm" như thường thấy. Đối với Bảo tàng Đà Nẵng, ở phần cánh mới, không gian triển lãm (dành cho các triển lãm dài hạn và ngắn hạn) khách tham quan sẽ được xem các mô phỏng về 6 thời kỳ lịch sử của thành phố Đà Nẵng, mỗi chương dài khoảng 5 phút.
Các đặc trưng cũ và mới của dự án không chỉ được phản ánh qua kiến trúc mà còn thông qua cả nội dung triển lãm với không gian trưng bày truyền thống trong tòa nhà hiện có, và không gian triển lãm công nghệ hơn trong dự án cánh mới. Ở phần không gian “không triển lãm” là không gian mở cho cộng đồng, bao gồm không gian sảnh thông 3 tầng, nơi quản lý lối vào của các khu triển lãm.
Cần lưu ý rằng, nhiều hiện vật được trình bày trong bảo tàng là tài liệu giấy, đồ dệt may và các hiện vật tổng hợp, việc này đặt ra vấn đề bảo tồn theo thời gian. Những vấn đề này nên được giải quyết từ bây giờ. Thiết kế của chúng tôi đề xuất rằng tất cả các không gian “triển lãm” và “không triển lãm" cho công chúng được kiểm soát ánh sáng và khí hậu nhiệt đới.
NHÂN HÒA ANH thực hiện