Chuyện của bảo tàng

Di sản trường tồn trên nền tảng số

.

Chuyến đi của nhóm công tác thành phố Đà Nẵng đến Paris (Pháp) vài năm trước, bên cạnh ý nghĩa sưu tầm tư liệu liên quan sự kiện Đà Nẵng kháng Pháp (năm 1858) để phục vụ công tác bảo tàng còn đưa người làm bảo tàng đến những trải nghiệm mới về ứng dụng công nghệ vào quản lý di tích, di sản; đặc biệt khởi đầu cho sự hình thành dự án “Bản đồ di sản Đà Nẵng” trên nền tảng số.

Khách có thể trải nghiệm thuyết minh đa ngôn ngữ tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: X.S
Khách có thể trải nghiệm thuyết minh đa ngôn ngữ tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: X.S

Đưa di tích lên nền tảng số

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, mở đầu câu chuyện phát triển Bản đồ di sản Đà Nẵng trên nền tảng số bằng ký ức những ngày công tác ở Paris: “Có đến khoảng 2.000 di sản, các cây xanh… trên đường phố ở Paris đều được gắn mã QR. Tất cả được quản lý bằng công nghệ. Chúng tôi tìm hiểu thì càng thích thú khi biết thông tin, hình ảnh, hiện trạng các di tích, di sản ở đây đều được số hóa và tích hợp trong một hệ thống phần mềm quản lý. Hệ thống này như một ngân hàng dữ liệu, bất cứ thay đổi nào với di tích cũng được ghi nhận. Một số công trình tiêu biểu được chọn để phát triển thành mô hình 2D và 3D”.

Với suy nghĩ “nước bạn làm được thì mình cũng có thể làm được”, ý tưởng về một bản đồ di sản tối ưu như thế đã theo chân người làm bảo tàng về nước. Về đến Đà Nẵng, ông Thiện cùng nhóm trình bày ý tưởng thực hiện. Đầu tiên là chuẩn bị một kho/nguồn dữ liệu chỉn chu và có cập nhật chi tiết về các di sản, di tích đã được công nhận trên địa bàn thành phố.

“Về mặt công nghệ nói chung thì cố gắng làm chi cũng được, nhưng phải có nguồn nội dung chất lượng, chính xác để làm nền tảng trước khi tính đến chuyện số hóa”, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nhấn mạnh. Trên tinh thần “cây nhà lá vườn” cũng như tránh vấn đề bản quyền, đội ngũ phát triển tập trung xây dựng một bản đồ riêng, hoàn toàn mới để định vị, thay vì tích hợp với các nền tảng bản đồ sẵn có trên internet.

Từ nền tảng đó, bảo tàng bắt đầu chọn một số di tích tiêu biểu như: Ngũ Hành Sơn, Hải Vân quan, thành Điện Hải để số hóa theo công nghệ 3D, các di tích còn lại được trình bày theo dạng 2D. Toàn bộ dữ liệu về các di tích được tải lên bản đồ và trình bày theo từng danh mục: Di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia liên thành phố, di tích quốc gia, di tích cấp thành phố. Mỗi nơi lại được đính kèm hình ảnh, thông tin, video thuyết minh và vị trí hiển thị. Đội ngũ phát triển mày mò từng dấu định vị trên bản đồ, đối chiếu rà soát từng thông tin di tích, tự ghi hình từng ngóc ngách của những di tích… rồi hồi hộp chờ khoảnh khắc vận hành thử bản đồ, cuối cùng công trình đã hoàn thiện.

Một đề án chuyển đổi số thông qua nền tảng bandodisandanang.vn đã được Bảo tàng Đà Nẵng chủ động xây dựng từ năm 2018. Đến tháng 1-2021, thời điểm Covid-19 bùng phát và nhu cầu trải nghiệm du lịch, tham quan từ xa tăng cao, bảo tàng chính thức đưa vào sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin Bản đồ di sản số bằng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) tại địa chỉ nói trên. Sau khi truy cập, người dùng có thể tham quan trực tuyến các di tích thông qua các video clip, hình ảnh cùng thông tin giới thiệu tên gọi, địa điểm, đường đi sự kiện, nhân vật lịch sử, giá trị... của di tích trên nền nhạc được chọn lọc phù hợp.

Kho tư liệu trường tồn

Tính đến hiện tại, khi Bảo tàng Đà Nẵng chính thức hoạt động từ ngày 1-4, hệ thống Di sản thành phố văn hóa Đà Nẵng với 2 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di tích quốc gia liên thành phố, 17 di tích quốc gia, 63 di tích cấp thành phố và 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được cập nhật thông tin chi tiết trên Bản đồ di sản Đà Nẵng; góp phần phục vụ công tác tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu của người dân, du khách. Cùng với việc truy cập website, khách đến bảo tàng hôm nay được trải nghiệm công nghệ thuyết minh đa ngôn ngữ, được robot dẫn đường, có hướng dẫn viên AI (trí tuệ nhân tạo) hỗ trợ tham quan.

“Chúng tôi đã thuê máy chủ để quản lý và cập nhật dữ liệu theo hai kênh: đóng và mở. Ở đó, dữ liệu mở chính là những thông tin, hình ảnh… được thiết kế để quảng bá các giá trị di sản, di tích đến du khách có nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa - lịch sử của thành phố. Còn dữ liệu đóng được lưu trữ và cập nhật liên tục các thay đổi về hiện trạng của di sản, di tích theo thời gian. Đâysẽ là nguồn thông tin phong phú và chính xác phục vụ cho công tác bảo tồn và phục hồi”, ông Thiện nhấn mạnh.

Quảng bá và lưu trữ - như lời lãnh đạo Bảo tàng Đà Nẵng nói cũng là hai nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chuyển đổi số. Việc ứng dụng thực tế ảo và số hóa bảo tàng là một trong nhiều nội dung được đề cập trong kế hoạch chuyển đổi số của ngành Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo ông Thiện, mục tiêu của chuyển đổi số từ dự án Bản đồ di sản Đà Nẵng và những cải tiến mới của Bảo tàng Đà Nẵng chính là giảm bớt sức người trong công tác bảo tàng và tối ưu chất lượng phục vụ. “Thông qua sự đầu tư về mặt công nghệ, chúng tôi mong muốn du khách có thể cảm nhận, nghe, xem và trải nghiệm những hình ảnh, thước phim tư liệu lịch sử, bám sát dòng chảy văn hóa - lịch sử của thành phố Đà Nẵng và đất nước, khơi gợi tinh thần yêu nước của mỗi người”, ông Thiện nhấn mạnh.

Từ việc đầu tư của Bảo tàng Đà Nẵng trong giai đoạn công nghệ là điều kiện bắt buộc, chúng tôi nhớ chia sẻ của tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, khi nói về câu chuyện số hóa di tích, di sản. Theo bà, sự hiện diện của chuyển đổi số đã giúp hiện vật được tiếp cận gần gũi hơn, sinh động và “nói” được nhiều hơn với du khách về những giá trị trường tồn. Đó chính là tinh thần mà những người làm bảo tàng hướng tới trên hành trình lưu giữ và phát huy văn hóa của một vùng đất.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.