Chuyện của bảo tàng

Nghe hiện vật kể chuyện

.

Bước qua cánh cổng Bảo tàng Đà Nẵng ở địa chỉ 31 Trần Phú, tôi như lạc vào dòng chảy thời gian của thành phố bên sông Hàn. Không gian trầm mặc của công trình hơn 120 tuổi giờ đây khoác lên mình diện mạo mới, vừa thân quen, vừa lạ lẫm. Vẫn là những hiện vật mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, nhưng cách chúng được kể lại đã hoàn toàn khác…

“Bức tường ảnh” với 76 hình ảnh giới thiệu tổng quan Đà Nẵng ngay lối vào tầng 3 thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: T.Y
“Bức tường ảnh” với 76 hình ảnh giới thiệu tổng quan Đà Nẵng ngay lối vào tầng 3 thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: T.Y

Trưng bày theo dòng chảy sự kiện

Ông Nguyễn Hữu Thành (58 tuổi), du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh không giấu được sự xúc động khi lần đầu tiên trải nghiệm hệ thống trưng bày mới của Bảo tàng Đà Nẵng. Ông cho hay mình từng ghé bảo tàng ở địa chỉ 24 Trần Phú cách đây 4 năm, nhưng lần trở lại này là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Bởi lẽ, những hiện vật, hình ảnh, thông tin và video trình chiếu giúp ông cảm nhận rõ hơn những biến động lịch sử, văn hóa của vùng đất này.

“Cảm giác rất chân thật, rất đã”, ông buột miệng nói sau khi đứng thật lâu ở khu vực trình chiếu cảnh Đà Nẵng những năm đầu thế kỷ XX để nghe tiếng sóng vỗ, cảnh người - xe trên bến, dưới thuyền. Những thước phim cảnh tàu buôn tấp nập, những bản đồ hàng hải cổ khiến ông như thấy lại một thời kỳ hưng thịnh của thương cảng Hội An - Đà Nẵng xưa. “Ngày trước, tôi chỉ đọc về Hội An và Đà Nẵng qua sách báo, nhưng bây giờ, tôi có thể “thấy” lịch sử đang diễn ra trước mắt mình. Những đoạn phim trắng đen tái hiện cảnh người Hoa, người Nhật, người phương Tây giao thương, hình ảnh phiên chợ ven sông... giúp tôi hình dung sự giao thoa văn hóa đã diễn ra như thế nào”, ông Thành chia sẻ thêm.

Với tư duy trưng bày hiện vật theo dòng chảy sự kiện, ngay lối vào tầng 3, “bức tường ảnh” với 76 hình ảnh giới thiệu tổng quan Đà Nẵng khi còn là một làng chài nhỏ, đến khát vọng vươn lên của thành phố cảng lớn ở châu Á thu hút nhiều du khách. Khu vực này được xem điểm nhấn quan trọng trong cách kể chuyện của bảo tàng mới. Bởi mỗi bức ảnh là một lát cắt thời gian, từ mái nhà tranh đơn sơ, người đàn ông đóng khố, những phiên chợ ven sông đến những công trình, sự kiện chính trị, văn hóa mang dấu ấn phát triển của Đà Nẵng.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nhấn mạnh, ngay từ thời điểm thành phố quyết chuyển bảo tàng về địa chỉ  42-44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú, những người làm công tác bảo tàng như ông đã dành mọi tâm huyết với hy vọng biến nơi này thành nơi vừa mang giá trị văn hóa - lịch sử, vừa mang tính hiện đại, kết nối, tương xứng với tầm vóc của một đô thị lớn. Không dừng ở việc làm mới cách tiếp cận, bảo tàng còn quan tâm đến công tác bảo tồn giá trị lịch sử một cách bền vững. Ông Thiện đánh giá, việc bảo tàng chuyển về địa chỉ mới, vốn là Tòa Đốc lý (1900-1954), Tòa Thị chính (1954-1975) càng làm tăng thêm giá trị di sản của không gian này.

Cũng theo ông Thiện, một trong những thách thức lớn nhất của người làm bảo tàng khi xây dựng hệ thống trưng bày mới là làm sao để dung hòa hai yếu tố truyền thống và hiện đại. Vì lẽ đó, suốt quá trình tái thiết, ông cùng các chuyên gia và đội ngũ của mình đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu nhằm mang đến cách tiếp cận tư liệu hiện vật theo cách mới mẻ, hấp dẫn hơn.

“Chúng tôi muốn giữ nguyên hồn cốt của lịch sử nhưng vẫn phải bảo đảm sự gần gũi, sinh động để thu hút người trẻ lẫn người không có thói quen đến bảo tàng. Trước yêu cầu đổi mới này, bảo tàng đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghệ trình chiếu, thực tế ảo, hệ thống màn hình cảm ứng tương tác, giúp khách tham quan không chỉ xem mà còn có thể trực tiếp trải nghiệm lịch sử”, ông Thiện nhấn mạnh.

Bảo tàng Đà Nẵng trưng bày gần 3.000 tài liệu, hiện vật theo 9 chuyên đề lớn: Bức tường ảnh tổng quan về thành phố Đà Nẵng; Thiên nhiên và con người Đà Nẵng; Lịch sử đô thị Đà Nẵng; Cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc; Chứng tích chiến tranh; Đà Nẵng hội nhập và phát triển; Đa dạng văn hóa; Tòa thị chính Đà Nẵng; Sưu tập cổ vật của Bảo tàng Đà Nẵng. Với mức đầu tư 500 tỷ đồng, nơi đây được kỳ vọng trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử mới và là “phòng khánh tiết” của thành phố trong việc đón tiếp các đoàn khách ngoại giao.

Đến “nghe, nhìn, đọc, trải nghiệm”

Với gần 3.000 tài liệu hiện vật được lựa chọn từ 27.000 tài liệu hiện vật trưng bày trong diện tích khoảng 3.000m2, tập trung ở 45 chủ đề sẽ gợi mở, dẫn dắt công chúng tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về tự nhiên và lịch sử, xã hội thành phố. Đặc biệt, các không gian được cấu trúc theo hướng xưa - nay, cũ - mới, cũng như bổ sung thêm phần thông tin chi tiết về thiên nhiên, hệ sinh thái biển, bản đồ địa hình, làng nghề, làng cổ, địa chỉ văn hóa...

Nhiều ý kiến đánh giá, việc áp dụng công nghệ 3D mapping, phim 2D, 3D và những slide hình ảnh giúp kết nối câu chuyện lịch sử, văn hóa Đà Nẵng từ thời văn hóa Sa Huỳnh, tiền Chămpa đến những giai đoạn phát triển sau này đã giúp bảo tàng trở thành một không gian sống động, nơi du khách có thể “nghe, nhìn, đọc, trải nghiệm” gần như toàn bộ thông tin khái quát về thành phố thay vì chỉ đơn thuần quan sát hiện vật trưng bày như trước đây.

Ông Huỳnh Văn Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố nhận định, sự đổi mới trong cách kể chuyện của bảo tàng giúp lịch sử trở nên gần gũi, dễ tiếp cận chứ không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật. Theo ông, trước đây, khi tham quan bảo tàng, chúng ta chủ yếu nhìn và đọc, nhưng nay có thể nghe, chạm, trải nghiệm, đánh giá. Điều này giúp lịch sử không còn là những dòng chữ khô khan mà trở thành một câu chuyện sống động, có cảm xúc.

Ngay trong ngày đầu tiên bảo tàng mới mở cửa, bên cạnh lượng lớn khách địa phương, nhiều du khách quốc tế cũng tìm đến tham quan. Ông Ricard, du khách người Pháp cho biết ông từng đến nhiều bảo tàng ở châu Âu nhưng cách mà Bảo tàng Đà Nẵng kết hợp công nghệ hiện đại để kể lại câu chuyện lịch sử, văn hóa khiến ông ấn tượng. Ông cho hay mình đã dành 3 phút để xem trọn bộ phim 3D tái hiện lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ tu. Dưới ánh sáng ấm áp của không gian trình chiếu, ông Ricard lặng người khi thấy hình ảnh những người Cơ tu trong trang phục truyền thống, tay cầm nhạc cụ, bước nhịp nhàng quanh cây nêu trong lễ hội mừng lúa mới.

Ông chia sẻ: “Ở Pháp, tôi từng tham gia nhiều sự kiện giới thiệu văn hóa các dân tộc, nhưng việc được chứng kiến một lễ hội truyền thống tái hiện sống động qua hoạt cảnh 3D như thế này thật sự là trải nghiệm hiếm có. Tôi có cảm giác như mình đang đứng giữa núi rừng Trường Sơn, lắng nghe tiếng cồng chiêng vang vọng cũng như ngửi thấy mùi hương rượu cần nồng đượm, thơm tho”.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, chuyên hướng dẫn khách đoàn đến từ các quốc gia châu Âu nhận định rằng sự thay đổi của Bảo tàng Đà Nẵng mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho du khách, mà còn cho chính những người làm nghề như chị.

“Trước đây, khi dẫn khách đến bảo tàng, chúng tôi phải thuyết minh rất nhiều, nhưng giờ hình ảnh, âm thanh, video trình chiếu đã giúp khách hiểu câu chuyện nhanh hơn, sâu hơn. Đặc biệt, với du khách nước ngoài, công nghệ hỗ trợ đa ngôn ngữ giúp họ tiếp cận lịch sử, văn hóa Đà Nẵng thuận tiện hơn. Tôi tin rằng với những đổi mới này, bảo tàng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Đà Nẵng”, chị Linh bày tỏ.

Từ không gian trưng bày tĩnh, Bảo tàng Đà Nẵng đã thực sự khoác lên mình diện mạo mới vừa hiện đại, vừa gần gũi. Và ở đó, mỗi hiện vật dần thoát khỏi vai trò món - đồ - trưng - bày để trở thành một phần của câu chuyện lịch sử, văn hóa, vùng đất đang tiếp tục được kể bên sóng nước sông Hàn.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.