Kể ra cũng hơi ngược đời, Thất không phải là Bảy mà lại là... Sáu. Người dân thôn Bình Xá, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam vẫn còn truyền nhau những câu chuyện thú vị về người đàn ông có cái tên lạ lùng đó.
![]() |
Mộ ông Thất Sáu (ảnh trái) và giếng nước còn lại trong khu vừa xưa của ông. Ảnh: A.T |
Ông Thất Sáu tên thiệt là Nguyễn Dũ, không rõ năm sinh. Ông tuy là một địa chủ nhưng không chỉ xuất tiền cho mở nhiều tuyến đường huyết mạch quanh vùng mà còn tích cực tham gia đóng góp tiền của, vật chất rất lớn cho cách mạng trong giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Người đàn ông có... 7 vợ
Ông Nguyễn Dũ quê làng Sơn Tây, nay thuộc thôn Bình Xá, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Nhà báo Lê Trung Việt trong bài viết Chợ Đo Đo đăng trên Báo Quảng Nam ngày 30-8-2013 đã dẫn lời kể của cụ Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1935, quê xã Bình Quế) giải thích về tên gọi ông Thất Sáu: “… nơi đây có ông Thất Sáu giàu nhất. Chữ “thất” là do ông có 7 bà vợ…”.
Các vị cao niên ở thôn Bình Xá cũng cho biết, sở dĩ ông có tên gọi như vậy là vì giai đoạn trước năm 1945, gia đình ông là một gia đình đại địa chủ trong vùng, giàu có nức tiếng với ruộng vườn “cò bay thẳng cánh”. Ông quá giàu nên thiên hạ nợ nần ông khá nhiều, một số người không tiền nên phải trả nợ bằng cách gả con gái cho ông, do đó ông có tới 7 bà vợ. Ông là người con thứ 6 trong gia đình lại có 7 bà vợ nên dân làng gọi ông là ông Thất Sáu - tức là ông Sáu có bảy vợ.
Theo những câu chuyện còn lưu truyền đến ngày nay thì ông Thất Sáu Nguyễn Dũ tuy là địa chủ nhưng ông không phải là người hà khắc trong chính sách “phát canh thu tô”, mà luôn có sự nâng đỡ, tạo điều kiện cho nông dân, cho tá điền mướn ruộng, vay thóc lúa để khuyến khích sản xuất cũng như ổn định đời sống cho họ.
Ngoài ra, để mở mang kinh tế, giao thông đi lại, ông Thất Sáu đã cho mở nhiều tuyến đường huyết mạch từ Bình Quế đi Phú Cang; Bình Quế đi Quán Rường - An Mỹ; Bình Quế đi Vinh Huy - Việt An; Bình Quế đi Kế Xuyên;... Không những thế, gia đình ông còn tích cực tham gia đóng góp tiền của, vật chất rất lớn cho cách mạng trong giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954).
Khi mất, ông Thất Sáu để lại tài sản rất lớn và được người con trai là Nguyễn Cao Thuyên kế thừa. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Hành chính - Kháng chiến huyện Thăng Bình, gia đình ông đã đóng góp rất lớn cho cách mạng. Hồ sơ về những địa điểm liên quan đến ông Thất Sáu do Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thăng Bình lập (vào tháng 10-2024), có chép: “Trong 9 năm kháng chiến, gia đình ông Thất Sáu đã đóng góp cho cách mạng hơn 1.000 ang lúa; 1,2 triệu đồng tiền tín phiếu; tự nguyện hỗ trợ lương thực nuôi 1 đại đội bộ đội địa phương trong 3 năm (từ năm 1951 đến năm 1953). Những đóng góp đó đã được Ủy ban Hành chính - Kháng chiến huyện Thăng Bình ghi nhận và biểu dương, khen tặng”…
Những dấu tích còn lưu lại
Khu vườn nhà ông Thất Sáu giờ đây đã bị chiến tranh và thời gian làm thay đổi nhiều. Tuy nhiên, các dấu tích về ông vẫn còn đây đó như: giếng nước, miếu thờ, ao cá, mộ cổ…
Ngày nay tại khu vực này vẫn còn lại cái giếng nước có kiến trúc khá lạ so với những giếng nước trong vùng. Theo các vị cao niên ở thôn Bình Xá thì giếng được xây dựng khá bề thế trong những năm kháng chiến chống Pháp. Giếng được che bởi mái vòm cong kiên cố được đổ bê-tông và chống đỡ bởi 4 trụ tròn, bên ngoài có tường bao được xây dựng bằng đá khá chắc chắn. Hiện nay giếng không còn được sử dụng nhưng người dân địa phương vẫn giữ lại để bảo tồn một trong những dấu tích cũ liên quan đến vùng đất này. Ngoài ra, tại khu vực trước đây là vườn nhà của ông Thất Sáu hiện nay vẫn còn một phần của hồ thủy tạ trước nhà với diện tích mặt nước 1.800m2, và 2 ngôi miếu được dựng năm 1934.
Nằm cách khu đất cũ và vườn nhà xưa của ông Thất Sáu không xa là ngôi mộ của ông. Đương thời do gia thế và gia đình có điều kiện nên ngôi mộ của ông được xây dựng bằng những khối đá trắng được chế tác công phu, hoa văn tinh xảo, lắp ghép bằng hệ thống mộng ăn khớp nhau thành một chỉnh thể kiến trúc mộ bền vững. Qua khảo sát, mộ ông Thất Sáu nằm giữa một rừng keo lá tràm, có diện tích 40m2. Toàn bộ bia mộ, nấm mộ, nhà bia, khuynh mộ đều được chế tác bằng đá. Phía trước ngôi mộ hiện nay vẫn còn một tấm bia đá với nội dung khắc ghi tên tuổi của người nằm dưới mộ và tên tuổi, chức tước, phẩm hàm của người đứng ra xây dựng lăng mộ.
Qua thời gian, tuy dưới tác động của thiên tai, chiến tranh, những thăng trầm của thời cuộc với bao vật đổi sao dời nhưng những câu chuyện về ông Thất Sáu vẫn còn được lưu truyền trong nhân dân thôn Bình Xá nói riêng, xã Bình Quế nói chung. Bên cạnh đó, những dấu tích liên quan đến ông Thất Sáu vẫn còn lưu lại ở vùng đất này, những tuyến đường do ông mở trước kia đã được chỉnh trang, mở rộng và vẫn được lưu thông đi lại đến ngày nay.
AN TRƯỜNG