* Tham quan khu vườn của gia đình ba anh em nhà Tây Sơn ở Bình Định, tôi được biết có một nước giếng cổ được gọi là giếng “mắt rồng”. Giếng này có gì đặc biệt và vì sao lại có tên như thế? (Trương Lễ, Hải Châu, Đà Nẵng).
![]() |
Cùng với cây me cổ thụ, giếng nước trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung luôn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng người dân địa phương. Ảnh: V.T.L |
- Trong khu vườn Tây Sơn tam kiệt (chữ Hán: 西山三傑), tên các sử gia dùng để gọi chung 3 anh em ruột lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn) trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) có cây me cổ thụ và giếng nước tương truyền đã hơn 250 tuổi, có từ thời Tây Sơn.
Tương truyền, sau khi ông Hồ Phi Phúc (cha của ba anh em nhà Tây Sơn) từ làng Phú Lạc (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) sang định cư tại làng Kiên Mỹ (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) gần bến Trường Trầu để thuận lợi cho việc buôn bán, ông trồng trong sân nhà một cây me bên trái, đào một giếng nước bên phải.
Sau đó, ba anh em nhà Tây Sơn (gốc họ Hồ, đổi sang họ Nguyễn) là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ chào đời trong ngôi nhà này, được nguồn nước trong giếng nuôi dưỡng mà trưởng thành. Dưới tán cây me cổ thụ là nơi “tam kiệt” ngày đêm luyện võ khi còn niên thiếu. Khi lớn lên, Nguyễn Nhạc cùng các em và bạn bè bàn bạc, hoạch định chuyện dựng cờ khởi nghĩa dưới tán cây me này…
Theo các cụ cao niên làng Kiên Mỹ, giếng nước trong vườn nhà Tây Sơn ngày xưa được ghép bằng đá ong, không có vữa hồ, không có thành giếng, sâu khoảng 8m, đường kính gần 1m. Cũng như các giếng cổ khác, giếng nước có hình tròn, trông như con mắt rồng nên dân làng gọi là giếng “mắt rồng”.
Nói về giếng nước độc đáo này, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử (baophapluat.vn) dẫn lời ông Tô Đình Minh (69 tuổi, ở thôn Kiên Mỹ), người gắn bó với giếng nước từ thuở bé, bây giờ là thợ chụp ảnh ở Bảo tàng Quang Trung. Theo đó, ngày xưa, cả làng Kiên Mỹ chỉ có duy nhất giếng nước trong Điện thờ Tây Sơn tam kiệt nên người dân gọi đó là giếng làng. Nước giếng rất trong và mát. Sau này, làng Kiên Mỹ có thêm nhiều giếng mới nhưng nhiều người vẫn thích dùng nước giếng làng. Có những năm nắng hạn, các giếng trong làng đều khô cạn nhưng giếng trong điện thờ vẫn ăm ắp nước.
Giếng xưa không có thành giếng. Sau này, để giữ gìn nên Ban quản lý Bảo tàng Quang Trung xây thêm thành giếng cũng bằng đá ong và làm hàng rào để bảo vệ. Lúc còn nhỏ, gia đình ông Minh sống ở gần Điện thờ Tây Sơn tam kiệt và được nghe các tiền nhân truyền tụng những câu chuyện linh thiêng quanh cây me, giếng nước cổ nơi này.
Không chỉ có người dân địa phương, nhiều du khách đến Bảo tàng Quang Trung đều thành kính dâng hương tại điện thờ Tây Sơn tam kiệt, rồi ra giếng nước phía bên phải điện thờ múc nước rửa mặt với niềm tin sẽ trị được bệnh tật và nhận được may mắn. Theo các bậc cao niên trong làng, từ xưa cho đến tận bây giờ, nhiều người dân ở địa phương khi đau ốm nhưng điều trị bằng Tây y, Đông y không hết, liền đến nơi đây dâng hương xin nước uống. Có người còn cho rằng uống nước giếng này sẽ được hưởng lộc tổ tiên, làm cho người uống trí được minh, nghĩa được bền, tình được vẹn.
Người dân làng Kiên Mỹ còn lưu truyền những câu ca dao: "Cây me, giếng nước, sân đình/ Ơn sâu, nghĩa nặng, dân mình còn ghi".
ĐNCT