Chiều nay, khi đi ngang trụ sở cũ của một đơn vị vừa giải thể, tôi thấy một người đàn ông đứng lặng thinh dưới gốc bằng lăng tím rụng. Tôi được biết, cây ấy được trồng vào ngày đầu tiên thành lập cơ quan, giờ chỉ còn lại vài cánh hoa rơi lặng lẽ trên bậc thềm vắng bóng người. Có những nỗi buồn không gọi thành tên. Như lúc cất ngăn bàn cuối cùng, dọn đi tách trà quen, lau lại chiếc ghế gỗ kêu cọt kẹt khi mỗi lần ngồi xuống… tôi thấy mình như rút một phần ký ức ra khỏi căn phòng đã quá quen thuộc. Sáp nhập, sắp xếp, đổi thay, nghe tưởng như chỉ là chuyện hành chính, mà lại có thể đánh động đến những điều rất người, rất thật.
![]() |
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tôi nhớ lần đầu khoác lên mình bộ áo công chức, mẹ nấu một bữa cơm nhỏ, cha rót ly rượu đầy, bảo: “Làm gì thì làm, giữ lấy cái tâm với dân con nhé!”. Câu nói ấy, tôi mang theo mình suốt mười mấy năm, qua bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu lần công tác về huyện, về xã, về thôn.
Không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận việc đổi thay. Nhất là khi những đổi thay ấy đi kèm với nỗi lo mất chỗ đứng, mất chức danh, hay phải chuyển công tác về nơi chưa từng quen, rồi cuộc sống gia đình, việc đi lại, ăn ở, sinh hoạt và cả việc học hành của con cái... Có người giấu nỗi buồn sau những nụ cười gượng, có người chọn im lặng mà tiếp tục bước tiếp và làm việc, dẫu biết mình có thể không còn là người “đứng mũi chịu sào” như trước. Nhưng rồi, cũng có những người như anh Dũng - một cán bộ từng là trưởng phòng, nay về làm chuyên viên ở đơn vị mới. Gặp lại, anh cười hiền: “Chức vụ là tạm, còn phục vụ dân thì vẫn vậy thôi em”. Câu nói nghe nhẹ tênh mà khiến tôi ngẫm nghĩ rất lâu. Hóa ra, có những giá trị không nằm ở danh xưng, mà ở cách người ta chọn sống với nghề.
Mùa này, lúa ngoài đồng đã bắt đầu uốn câu, cánh diều của đám trẻ con bay trên nền trời vàng vọt chiều quê. Tất cả vẫn diễn ra, như chưa từng có điều gì xáo trộn. Chỉ có lòng người là còn chênh vênh đôi chút.
Có những sáng đến cơ quan mới, tôi vẫn vô thức lái xe qua con đường cũ, con đường quen thuộc mà suốt bao năm qua tôi vẫn đi, như một thói quen ăn sâu vào máu thịt. Thỉnh thoảng, tôi dừng xe lại trước cánh cổng cơ quan nay đã khóa im ỉm, chỉ để nhìn hàng cây trước sân, bậc tam cấp nơi từng ngồi uống ly cà phê buổi sáng với đồng nghiệp, và thầm thì những điều không thành lời. Mỗi viên gạch lát nền, mỗi vết ố trên tường dường như vẫn còn giữ nguyên âm thanh, ánh mắt và cả những giấc mơ ngày trước.
Người ta bảo ký ức là thứ không thể cất vào vali mang theo, nhưng nó lại lặng lẽ đi cùng ta, ẩn trong những mẩu chuyện nhỏ, trong giọng nói của anh, chị, em đồng nghiệp cũ, trong những dòng tin nhắn hỏi thăm: “Ổn không?”, “Nay làm gì rồi?”, “Đã thích ứng với công việc mới chưa?” hay như: “Có tính chuyện mua đất, mua nhà chi ngoài đó chưa?... Có những kết nối không đứt rời, dù có thay tên đổi họ, dù chúng tôi không còn ngồi chung một văn phòng.
Tôi cũng nhận ra, đôi khi, chính trong những thời khắc bất định, người ta lại bộc lộ rõ nhất bản chất của mình. Có người chọn buông xuôi, có người chắt chiu từng cơ hội để bắt đầu lại. Và cũng có người, như chị Hạnh - người từng phụ trách văn thư, giờ làm tổ trưởng vệ sinh - vẫn giữ nụ cười rạng rỡ mỗi sớm, vẫn mang theo hộp cơm tự nấu mỗi sáng, vẫn chăm chút cho từng góc phòng sạch sẽ như xưa. Những điều nhỏ bé ấy, tưởng như vụn vặt, lại là sợi dây neo giữ niềm tin trong những ngày đầu đổi thay.
Thay đổi là điều không thể tránh, nhưng thay đổi không có nghĩa là mất đi tất cả. Có thể một số thứ phải buông bỏ, nhưng có những điều như lòng tận tụy, sự chân thành và tình người sẽ còn mãi, vượt lên trên mọi quyết định hành chính hay sắp xếp tổ chức.
Mọi chuyện rồi sẽ ổn. Con người ta, sau tất cả, cũng học được cách thích nghi. Cũng như dòng sông, khi gặp đá sẽ uốn lượn, khi chia nhánh rồi cũng sẽ hòa vào nhau ở khúc cuối. Và biết đâu, từ những thay đổi hôm nay, một điều gì đó mới mẻ, tích cực lại được khơi dậy, không chỉ trong cách tổ chức, mà trong chính trái tim những người đang khoác áo công quyền.
NGUYỄN THỊ TRÂM