Khi bảo tàng kể chuyện

.

Đó là một chiều mùa đông mưa lạnh, năm 2023, tôi bước ra khỏi hội sách Salon de Livre - một hội sách có lịch sử lâu đời ở Pháp, dành cho thanh, thiếu niên và tổ chức thường niên ở Montreuil - vùng ngoại ô Paris. Tâm trí còn vương vấn những cuộc trò chuyện về xuất bản, về những cuốn sách, về dòng người trẻ chen chúc trong gian hàng của các nhà xuất bản, háo hức chờ chữ ký của tác giả. Trời vẫn còn sáng và tôi quyết định tìm kiếm bảo tàng ở gần khu vực đó để thăm. Đến Pháp, một "thiên đường” của bảo tàng và lưu trữ, việc thăm thú những nơi này luôn là niềm háo hức trông đợi với tôi.

Khung cảnh bên ngoài tại Bảo tàng Lịch sử Nhập cư (Pháp). Ảnh: T.H.P
Khung cảnh bên ngoài tại Bảo tàng Lịch sử Nhập cư (Pháp). Ảnh: T.H.P

Sáng tạo và sinh động

Vùng tôi ở, Montreuil, là một vùng có nhiều người nhập cư, đa sắc tộc và tôn giáo. Người theo Islam giáo khá đông, quán ăn theo phong cách Hồi giáo cũng chiếm tỷ lệ cao. Tôi cảm giác ở đây cũng như các khu nhập cư khác, với các hàng quán vỉa hè nhiều hơn, cuộc sống đa dạng hơn, nhiều người lao động, những quầy hàng hoa quả, tạp hóa, da giày… bày tràn ra mặt đường. Tối tối lại lầm lũi những bóng người túa ra từ các ga tàu điện ngầm, họ làm việc ở Paris và trở về nhà sau chuyến tàu điện đông nghịt.

Giữa bầu không khí đó, sự hiện diện của một bảo tàng với tên gọi Bảo tàng Lịch sử Nhập cư (Musée national de l'histoire de l'immigration) ngay lập tức khiến tôi chú ý. Có lẽ, để hiểu những vấn đề căn cốt trong lòng xã hội Pháp, sự tiếp cận từ lịch sử nhập cư là không thể không nghĩ tới.

Và tiếp đó là một buổi chiều lang thang trong không gian lịch sử, nghệ thuật và nhân học đầy ám ảnh. Những hiện vật, những câu chuyện phản ánh lịch sử nhập cư vào Pháp từ cuối thế kỷ XVIII, khi các làn sóng nhập cư đầu tiên bắt đầu diễn ra. Bảo tàng đặc biệt chú trọng đến các giai đoạn nhập cư lớn từ thế kỷ XIX và XX, đặc biệt là những đợt nhập cư từ các thuộc địa cũ của Pháp, như Bắc Phi, Tây Phi và Đông Nam Á...

Những quãng lịch sử kịch tính và với nhiều dân tộc, những số phận trôi dạt mà căn cước của họ bị nhổ bật khỏi gốc rễ để lưu lạc đến một nơi chốn xa lạ, những thân phận lưu vong cô đơn, dẫu có những câu chuyện với hồi kết tươi sáng nhưng vẫn đượm một nỗi u hoài khó tả. Giờ đây tất cả họ đã trở thành một phần của nước Pháp, vừa thấm nhiễm, vừa dự phần và đóng góp vào bản sắc nước Pháp hiện tại.

Tôi  nghĩ, nếu bọn trẻ được đến những nơi thế này, lịch sử sẽ trở nên có thể chạm vào được. Thân thiết và nhiều cảm xúc. Chúng sẽ nảy sinh những tò mò tìm hiểu sâu hơn các nhân vật, từ đóc ác em sẽ có được những cảm xúc và thôi thúc hơn nữa. Và tôi nghĩ, và tôi mơ đến một ngày nào đó, những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ bản địa của chúng ta, một đất nước với nguồn tài nguyên văn hóa giàu có và đa dạng mang đầy màu sắc của xứ sở nhiệt đới, sẽ được vang lên theo một cách thật tương xứng hơn nữa.

Ngay tiếp đó, đi dọc con phố nơi ngự Cung điện Chaillot, đối diện Tháp Eiffel, tôi bước chân vào Bảo tàng Con người (Musée de l’Homme) và ngay lập tức bị cuốn hút bởi một câu chuyện lịch sử loài người dài rộng, đầy hấp dẫn và sinh động. Bảo tàng này là một trong những bảo tàng quan trọng nhất thế giới về nhân học, khảo cổ học và thời tiền sử của loài người.

Được thành lập năm 1937, bảo tàng thuộc hệ thống Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp, tập trung tái hiện lại lịch sử tiến hóa của con người, sự đa dạng văn hóa và di sản của các nền văn minh trên khắp thế giới. Với các bộ sưu tập phong phú bao gồm hơn 30.000 hiện vật, Musée de l’Homme trưng bày nhiều mẫu vật khảo cổ, xương hóa thạch, công cụ lao động từ thời tiền sử, cũng như các hiện vật văn hóa phản ánh đời sống của các cộng đồng bản địa ở nhiều nơi trên thế giới.

Một số hiện vật quan trọng tại bảo tàng bao gồm sọ người Cro-Magnon, các tác phẩm nghệ thuật tiền sử từ hang động và những bộ sưu tập dân tộc học từ khắp các châu lục. Ngoài ra, bảo tàng còn có các phòng trưng bày hiện đại, nơi khách tham quan có thể khám phá các chủ đề như di truyền học, ngôn ngữ, và tác động của con người lên môi trường. Ở đây, thế giới loài người được kể lại qua một lăng kính khác: không phải bằng những biên niên sử chính trị, mà bằng sinh học, ngôn ngữ, văn hóa, nhân học, được sắp xếp theo trục thời gian, đan xen các góc nhìn, các "tự sự” khác nhau từ đa dạng những cá nhân và cộng đồng.

Tôi đặc biệt bị cuốn hút bởi góc trưng bày về ngôn ngữ, nơi có mô hình những chiếc lưỡi đang thè ra, mỗi chiếc lưỡi là một bản ghi âm của một ngôn ngữ trên thế giới trong bối cảnh tự nhiên của họ. Thật thú vị khi kéo chiếc lưỡi ra, ta có thể nghe thấy tiếng hai người nào đó ở một góc nào đó xa xôi trên thế giới đang chuyện trò với nhau thật tự nhiên và sinh động.

Ở đây, tôi nhìn thấy rất đông những nhóm trẻ đi theo trường học hoặc đi cùng bố mẹ. Bọn trẻ tò mò xem, khám phá, tương tác, tung tăng chạy nhảy, và có lẽ, một cách tự nhiên, sẽ cảm nhận được thế nào là đa dạng về loài trên trái đất cũng như sự đa dạng về văn hóa trong thế giới người. Tôi nghĩ, hẳn một ngày ở đây bằng mấy năm học về sinh học tiến hóa, khi lịch sử loài người được tái hiện lại theo cách sáng tạo và sinh động như vậy.

Ấn tượng quan trọng nhất của Bảo tàng Con người là sự đa dạng. Bảo tàng giúp người xem hiểu về sự đa dạng vốn có của tự nhiên và con người. Ảnh: T.H.P
Ấn tượng quan trọng nhất của Bảo tàng Con người là sự đa dạng. Bảo tàng giúp người xem hiểu về sự đa dạng vốn có của tự nhiên và con người. Ảnh: T.H.P

Không gian kể chuyện

Cách thức tổ chức bảo tàng theo hướng kể chuyện (Story-telling) đã giúp hiện vật trở nên có hồn, thu hút khách tham quan và nâng cao giá trị giáo dục. Đây là xu hướng quan trọng trong việc thiết kế bảo tàng hiện đại, giúp truyền tải thông điệp một cách mạnh mẽ và đầy cảm xúc.

Thay vì chỉ trưng bày các hiện vật một cách rời rạc, bảo tàng kể chuyện đặt chúng vào một bối cảnh lịch sử hoặc xã hội cụ thể. Điều này giúp khách tham quan cảm thấy như họ đang dấn thân vào một hành trình khám phá, nơi mỗi hiện vật đều mang một câu chuyện riêng. Ví dụ, khi nhìn thấy một bộ xương người tiền sử tại Musée de l’Homme, thay vì chỉ biết về niên đại của nó, du khách có thể hiểu được cuộc sống, thách thức và môi trường sống của con người thời đại này.

Câu chuyện giúp não bộ con người ghi nhớ tốt hơn so với những dữ kiện khô khan. Khi bảo tàng sử dụng lối kể chuyện, khách tham quan có thể hình dung được bối cảnh, nguyên nhân và hệ quả của các sự kiện, từ đó hiểu sâu hơn về lịch sử, khoa học hay nghệ thuật. Điều này đặc biệt quan trọng trong các bảo tàng về nhân học hay lịch sử, nơi nội dung thường phức tạp và trải dài qua nhiều giai đoạn.

Cách tổ chức bảo tàng theo hướng kể chuyện khiến chuyến tham quan trở thành một cuộc phiêu lưu và khám phá. Ví dụ, bảo tàng có thể tái hiện hành trình di cư của loài người từ châu Phi đến khắp thế giới, dẫn dắt người xem qua từng thời kỳ và nền văn hóa, thay vì chỉ liệt kê các hiện vật theo trình tự niên đại.
Những câu chuyện có thể được thiết kế theo nhiều góc nhìn khác nhau, giúp du khách tìm thấy sự liên hệ cá nhân với nội dung trưng bày.

Bảo tàng còn sử dụng công nghệ tương tác để cho phép khách tham quan tự khám phá câu chuyện theo nhịp độ riêng, tạo nên trải nghiệm độc đáo cho mỗi người. Người xem có thể chạm vào màn hình cảm ứng để được xem cảnh sinh hoạt của một gia đình người tiền sử được tái hiện sinh động; hoặc có thể đứng vào màn hình chiếu để được “đọc” về lịch sử của mình dựa trên cấu trúc cơ thể, chẳng hạn bạn thuộc dòng dõi của giống người nào từ thời cổ đại…

Tôi chợt nhận ra một điều: những bảo tàng này không chỉ trưng bày hiện vật, mà là những không gian kể chuyện. Ở đây, mọi thứ được sắp đặt để người xem nhìn thấy cá nhân mình tham dự vào một câu chuyện rộng lớn hơn rất nhiều.

Bảo tàng Nhập cư kể câu chuyện về những con người bị cuốn vào dòng chảy của lịch sử, những người đã góp phần làm nên nước Pháp nhưng đôi khi vẫn bị coi như kẻ bên lề. Bảo tàng Con người lại kể câu chuyện về sự đa dạng của loài người, về cách mà mỗi nền văn hóa, mỗi ngôn ngữ là một mảnh ghép trong bức tranh chung của nhân loại. Không gian, ánh sáng, cách sắp đặt, các công nghệ đa phương tiện… tất cả đều góp phần tạo nên một trải nghiệm sống động. Và cả hai đều đưa người xem dự phần vào câu chuyện đó, trong một cuộc đối thoại giữa cá nhân và lịch sử của xã hội, lịch sử của loài người…

Tôi rời Paris với những câu hỏi trong đầu. Nước Pháp đã kể cho tôi nghe câu chuyện của họ qua những bảo tàng, qua những con phố, những tư liệu và lưu trữ...

Xin kết bài bằng một trải nghiệm nho nhỏ về Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, một bảo tàng tư nhân tôi có dịp ghé thăm đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tôi. Tôi còn nhớ câu chuyện hôm Nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huy kể khi chúng tôi ngồi ở sân khu vườn có tên “Vườn ký ức”. Lúc ông còn phân vân có nên lập một bảo tàng về bố mẹ mình, tức ông Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc, thì chuyến thăm Bảo tàng Anne Frank ở Amsterdam đã đưa đến cho ông một gợi ý, và từ đó đi đến một quyết định.

Ở thời điểm đấy, điều phân vân của ông là, liệu việc lập bảo tàng mang màu sắc gia đình như vậy có khiến người ta dị nghị hay không, dù rằng cụ Nguyễn Văn Huyên rõ ràng là một nhân vật văn hóa lớn, và nhiều người trong phả hệ là những nhân vật ghi lại nhiều dấu ấn trong lịch sử. Những trải nghiệm ở Bảo tàng Anne Frank đã gợi ý cho ông một cách tiếp cận: kể lại lịch sử gia đình mình từ ngôi thứ nhất. Một lịch sử thân thiết và gần gũi, chứa đựng tình cảm và hồi ức, nơi các di vật sẽ cất tiếng nói kể lại câu chuyện của một gia đình đặc biệt trải qua chiều dài lịch sử một thế kỷ.

Và trong suốt một buổi sáng, chúng tôi đã lần dọc theo mạch lịch sử của gia đình được kể lại trong mạch lịch sử chung từ quãng thời gian cuối thế kỷ XIX cho đến nay, lần lượt từ tầng 1 lên tầng 4, trong không gian yên tĩnh của căn biệt thự nằm khiêm tốn giữa lòng làng Lai Xá, Hoài Đức, trong âm thanh nhè nhẹ hào hoa của những bản nhạc Pháp và nhạc tiền chiến gợi âm hưởng của quãng thập niên 1930-1940. Đây có lẽ là một trong những bảo tàng tư nhân ở Hà Nội ấn tượng nhất mà tôi từng đến.

Tôi nghĩ, nếu bọn trẻ được đến những nơi thế này, lịch sử sẽ trở nên có thể chạm vào được. Thân thiết và nhiều cảm xúc. Chúng sẽ nảy sinh những tò mò tìm hiểu sâu hơn các nhân vật, từ đó các em sẽ có được những cảm xúc và thôi thúc hơn nữa. Và tôi nghĩ, và tôi mơ đến một ngày nào đó, những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ bản địa của chúng ta, một đất nước với nguồn tài nguyên văn hóa giàu có và đa dạng mang đầy màu sắc của xứ sở nhiệt đới, sẽ được vang lên theo một cách thật tương xứng hơn nữa.

TRẦN HOÀI PHƯƠNG
Giám đốc Công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam

;
;
.
.
.
.