Một thuở Champa

Dấu tích Champa ở núi Ngũ Hành

.

Những dấu tích xưa của văn hóa Champa ở quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) được các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa đề cập trong các tài liệu từ thế kỷ trước. Đi cùng lịch sử, những giá trị đó vẫn hiển hiện trong sự phát triển của một vùng đất.

Một góc danh thắng Ngũ Hành Sơn và Đài thờ theo phong cách Đồng Dương được phát hiện trong động Tàng Chơn (ảnh nhỏ). Ảnh: L.V
Một góc danh thắng Ngũ Hành Sơn và Đài thờ theo phong cách Đồng Dương được phát hiện trong động Tàng Chơn (ảnh nhỏ). Ảnh: L.V

Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm, tên gọi “Di tích Ngũ Hành Sơn” chỉ chung những dấu vết kiến trúc và di vật Champa còn lại ở khu vực năm ngọn núi Non Nước. Những dấu xưa đó được ghi chép trong tài liệu nghiên cứu của nhà khảo cổ học Henri Parmentier, di tích được ghi ở mục Montagnes de Marbre” (núi Cẩm Thạch, bấy giờ ở làng Hóa Quê, tổng Bình Thái, huyện Hòa Vang).

Từ ghi chép trong hang động

Theo Parmentier, động Tàng Chơn và động Huyền Không tại Ngũ Hành Sơn là những địa điểm ghi nhận có dấu tích văn hóa Chăm còn sót lại. Về sau, nơi này tiếp tục được học giả Albert Sallet nhắc tới trong chuyên luận “Montagnes de Marbre” (Những ngọn núi đá cẩm thạch) đăng trên tập san Những người bạn Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Hué - BAVH, số 1, năm 1924). Trong đó, Sallet ghi nhận sự có mặt của gạch Champa ở nhiều nơi trong khu vực Ngũ Hành Sơn, đặc biệt ông liệt kê chi tiết tất cả miếu thờ trong các hang động, qua đó cho thấy một số vị thần có nhiều khả năng nguồn gốc Champa.

Điều đặc biệt là những dấu tích Champa do Henri Parmentier và Albert Sallet phát hiện và miêu tả trong tài liệu xưa vẫn còn nguyên trạng tại Ngũ Hành Sơn. Đơn cử trong động Tàng Chơn có một hang lớn, gọi là “Hang Chàm” hoặc “Hang Chiêm Thành”, ở lối vào đặt các khối đá có chạm khắc, như một loại lan can; giữa hai khối đá là bậc cấp để bước vào hang. Đây là loại đá sa thạch thường thấy ở các đền tháp Champa.

Các hình ảnh chạm khắc ở mặt ngoài các khối đá cho phép nhận diện là sản phẩm từ thời kỳ Champa. Hai khối đá ở dưới có lối trang trí kiến trúc theo dạng một bệ dài thô có các đường gờ, mặt trước bệ có chạm nổi mô-típ ngọn lửa theo hình cung nhọn thường thấy. Hai khối đá bên trên, mỗi khối thể hiện một ô lõm vuông có đường viền trang trí hoa văn.

Cũng tại hang Chiêm Thành, các nhà khảo cổ tìm thấy một đài thờ mang phong cách nghệ thuật Đồng Dương. Theo mô tả, đài thờ chiếm phần lớn diện tích của lối vào hang. Trên phần thân đài thờ mỗi bên đặt hai bệ đá hình chữ nhật thể hiện hình tượng các vị thần Hộ Pháp theo dạng phù điêu - rất ít thấy trong thời kỳ nghệ thuật Phật giáo Đồng Dương. Rồi tại khu vực sát vách hang, có một bộ sinh thực khí linga-yoni bằng đá.

“Di tích Ngũ Hành Sơn” chỉ chung những dấu vết kiến trúc và di vật Champa còn lại ở khu vực năm ngọn núi Non Nước. Bằng cách này hay cách khác, đi cùng năm tháng, lặng lẽ trong dòng chảy lịch sử, những dấu tích văn hóa Champa vẫn hiển hiện trong sự phát triển của vùng đất, đặc biệt với Ngũ Hành Sơn - một trung tâm tôn giáo của người Chăm trong quá khứ và là mảnh đất văn hóa - lịch sử  - du lịch của xứ Quảng hôm nay.

Dấu ấn Đồng Dương ở Non Nước

Chạm vào tầm mắt du khách khi đến vãn cảnh, dâng hương ở chùa Linh Ứng tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là một khối đá sa thạch lớn, được đặt trước nhà thờ Tổ, hướng mặt ra Biển Đông. Khối đá này, theo tác giả Hồ Tấn Tuấn trong cuốn sách “Ngũ Hành Sơn - di sản văn hóa và danh thắng” (NXB Đà Nẵng, 2014), là một phần đài thờ theo phong cách Đồng Dương.

Theo ông Tuấn, nếu so với những phần đài thờ khác cùng phong cách đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm thì phần đài thờ này có lối thể hiện khá lạ. Chính giữa tác phẩm là hình tượng thần Indira (thần biểu tượng sấm sét) ngồi trên mình một con voi; gương mặt thần trang nghiêm, đầu đội loại mũ Kirita Mukuta, tai dài, hoa tai buông xuống ngang vai có hình đóa hoa 4 cánh… Ở hai bên Thần Indra chạm hình các nhạc công và sư tử, trên phần đài thờ còn chạm trổ các đóa hoa sen cách điệu thành những đường kỷ hà và trang trí các diềm hoa văn hình con sâu thường thấy ở thời kỳ nghệ thuật Phật giáo Đồng Dương.

“Loại hình đồ đội Kirita Mukuta có chạm những đóa hoa thường là 4 đến 5 cánh trên các đồ trang sức của thần Indra, Gandhava hay kiểu ngồi của thần Indra (một chân co, một chân xếp bằng), cho thấy phần đài thờ này đã ảnh hưởng sâu sắc phong cách nghệ thuật Java - Indonesia và có niên đại vào thời kỳ cuối của phong cách nghệ thuật Đồng Dương khoảng nửa đầu thế kỷ thứ X”, ông Tuấn nhận định.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng thông tin thêm, khối đá sa thạch nói trên được tìm thấy trong quá trình tu sửa bệ thờ của miếu Linh Động Chơn Tiên trong động Tàng Chơn, về sau được nhà chùa chuyển ra đặt tại khuôn viên khu vực chùa Linh Ứng như bây giờ. Ngoài ra, tại bậc thềm của Tam Thanh Động trong động Tàng Chơn có lát một phiến đá có ô vuông rỗng ở giữa, nhiều khả năng nguyên là một bệ tượng Champa; tại động Huyền Không có một khối sa thạch có điêu khắc hình sư tử mang phong cách Champa được tìm thấy khi tu sửa bệ thờ Miếu Tam Thế.

Di sản trường tồn

Ông Thắng định vị cho chúng tôi một vị trí trên bản đồ, đó là Trường Mầm non Ngọc Lan. Ngược về thế kỷ trước, đó là nơi Parmentier đã nhìn thấy nhiều gạch Champa và ghi nhận một nền móng tháp ngày xưa, đây là vị trí nằm giữa hai ngọn Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn. Đối diện trường là chùa Thái Sơn được lập từ 1982. Ở thời điểm trường được đào móng, nhiều gạch Champa và một số hiện vật đã được phát hiện. Bây giờ, hiện vật chóp tháp và hai viên gạch Champa còn nguyên vẹn đã được chuyển về lưu giữ ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Ở danh thắng Ngũ Hành Sơn còn có di chỉ Nam Thổ Sơn ở khu vực cồn cát phía nam chân núi Thổ Sơn hay Miếu Bà ở phía đông chùa Thái Sơn, sát vách núi Kim Sơn (được trùng tu năm 2007). Từ đó để thấy, đi cùng năm tháng, lặng lẽ trong dòng chảy lịch sử, những dấu tích văn hóa Champa vẫn hiển hiện trong sự phát triển của vùng đất, đặc biệt với Ngũ Hành Sơn - một trung tâm tôn giáo của người Chăm trong quá khứ và là mảnh đất văn hóa - lịch sử  - du lịch của xứ Quảng hôm nay.

Đã có những ý kiến gợi ý việc đưa những đài thờ, dấu tích Chăm nói chung ở Ngũ Hành Sơn quy tụ về trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Nói về câu chuyện này, ông Võ Văn Thắng nhìn nhận, nếu xét theo hiện trạng, di tích nằm ở đâu thì hiện vật nằm ở đó. Nếu dấu tích Champa hiện hữu ở danh thắng Ngũ Hành Sơn được gìn giữ, bảo quản tốt, phát huy được giá trị văn hóa - lịch sử để lan tỏa đến người dân, du khách là đáng quý. Đó chính là cách để những giá trị xưa cũ được sống mãi.

LÂM VIÊN

;
;
.
.
.
.