Một thuở Champa

Dấu tích tháp Chăm

.

Không sừng sững giữa núi đồi như tháp Bà hay linh thiêng giữa rừng sâu xứ Quảng như Thánh địa Mỹ Sơn, dấu tích kiến trúc Champa tại Đà Nẵng lại ẩn mình trong dòng chảy thời gian. Những gì sót lại của nền văn minh Champa rực rỡ một thời chỉ là nền móng, hố thiêng, phiến đá điêu khắc hay những viên gạch nung… khuất lấp dưới lớp trầm tích được phát hiện qua từng đợt khai quật khảo cổ học.

Di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ). Ảnh: XUÂN SƠN
Di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ). Ảnh: XUÂN SƠN

Không gian linh thiêng

Men theo đường Thăng Long, chúng tôi được người dân địa phương chỉ lối rẽ vào kiệt 29 Trần Ngọc Sương để đến với di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ). Đây là một trong 4 địa điểm hiếm hoi trên địa bàn thành phố còn sót lại dấu vết tháp Chăm, nằm trong tổng số 7 di tích có bằng chứng rõ ràng về kiến trúc và hiện vật của nền văn hóa Champa. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, di tích này từng xuất hiện tháp Chăm trên một gò đất, theo thời gian, dấu vết này gần như chìm trong quên lãng.

Mãi đến tháng 4-2011, trong lúc đào móng xây nhà, một hộ dân bất ngờ phát hiện tượng sa thạch chạm khắc hình sư tử theo phong cách điêu khắc Chăm. Từ phát hiện ấy, các cơ quan chức năng khảo sát hiện trường, phát hiện dấu vết móng tháp và tiến hành các đợt khai quật khảo cổ. Qua từng lớp đất được cẩn thận bóc dỡ, những dấu tích quan trọng dần làm rõ một phần bình đồ kiến trúc tổng thể đền tháp với những đặc trưng kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và tín ngưỡng của người Chăm.

Đó là nền móng và hố thiêng của tháp trung tâm, phần móng tháp cổng, những lớp gạch xếp ngay ngắn theo trục Bắc - Nam được nhận định là móng tháp Nam hoặc tháp Đông - Nam hay các tượng thần, bệ trụ điêu khắc… Những lát cắt quý giá ấy hé lộ công trình tín ngưỡng quan trọng của người Chăm giữa lòng Đà thành.

Không chỉ mang giá trị khảo cổ học, di tích khảo cổ Chăm Phong Lệ còn in dấu sâu đậm trong tâm thức cộng đồng địa phương. Với người dân làng Phong Lệ xưa, khu vực này từ lâu được xem là nơi linh thiêng, gắn liền với nhiều điều kiêng kỵ truyền đời. Chẳng rõ tự bao giờ, họ quen gọi nơi đây là “Cấm”, hàm chứa sự tôn trọng và nhắc nhở con cháu có những không gian thiêng liêng, tâm linh chớ tùy tiện lui tới.

Định cư từ năm 1989 tại khu vực khai quật di tích, ông Phan Văn Hoàng (tổ 4, phường Hòa Thọ Đông) nhớ lại, trước khi có đoàn khảo cổ đến làm việc, nhiều người vẫn tin nơi đây là vùng “đất thiêng”, gắn liền với chuyện xưa tích cũ mà không ai dám chắc hư thực. Chỉ đến khi phát hiện những dấu tích nền móng tháp, các pho tượng thần, vật linh hay hiện vật trang trí… linh cảm mơ hồ của người dân như được soi tỏ bởi những chứng tích hiển hiện qua từng lớp đất được khai quật.

Tiếng vọng ngàn xưa

Chỉ tay ra mảnh đất sau nhà, nơi diễn ra các đợt khai quật khảo cổ, ông Hoàng trầm ngâm: “Chỗ này bắt đầu khai quật từ hơn chục năm trước. Tôi sống ngay cạnh nên cũng hay nhìn ra. Khi từng viên gạch, mảnh đá được đưa lên từ lòng đất, tự nhiên thấy vừa mừng, vừa lo. Hóa ra nơi mình sống là cả di tích cổ mà lâu nay ít người để tâm”.

Chung nỗi niềm với ông Hoàng, ông Nguyễn Văn Lý (tổ 4, phường Hòa Thọ Đông) cũng bày tỏ niềm tự hào xen lẫn mong mỏi khi chứng kiến quá trình khai quật di tích. Theo ông, từ ngày biết nơi đây từng tồn tại tòa tháp Chăm cổ, bà con càng ý thức hơn về giá trị của mảnh đất mình đang sống. Song, điều khiến ông đau đáu là “Đường đi vô ra còn chưa có!”. Cho dù khách tham quan hay người dân muốn vào xem, tìm hiểu di tích đều phải đi vòng qua lối nhỏ, mượn lối đi của các hộ dân bên cạnh.

“Tôi cùng bà con ở đây chỉ mong dự án xây dựng bảo tàng tại chỗ sớm được triển khai. Để nơi đây vừa là nơi lưu giữ hiện vật, vừa là điểm đến văn hóa, giúp du khách thập phương hiểu hơn về dấu tích Champa từng hiện diện nơi này”, ông Lý bày tỏ.

Những mong mỏi của người dân địa phương phần nào phản ánh giá trị đặc biệt của di tích Phong Lệ nói riêng và các dấu tích Champa tại Đà Nẵng nói chung. Trong cuốn “Di tích Chăm tại Đà Nẵng và những phát hiện mới”, nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng cũng cho rằng, các đền tháp Chăm tại đây chỉ còn lại nền móng khuất lấp dưới lòng đất, song chính điều đó mở ra cơ hội quý giá để giới khảo cổ tiếp cận sâu hơn với lớp trầm tích văn hóa còn nhiều bí ẩn.

Nếu trước đây, các nhà nghiên cứu chủ yếu chỉ tiếp cận được phần tường tháp, mái tháp, cấu trúc gạch và các chất kết dính… thì tại Đà Nẵng, việc còn lưu giữ tương đối rõ nét phần nền móng trở thành lợi thế đặc biệt để khám phá cấu trúc cơ bản và kỹ thuật xây dựng tháp Chăm từ gốc. Câu hỏi: “Móng tháp Chăm được xây dựng như thế nào?” dần được gợi mở qua những đợt khai quật tại Phong Lệ và Cấm Mít (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang).

Không chỉ vậy, vấn đề “kho thiêng” từng được nhắc đến rải rác trong nhiều tài liệu khảo cổ cũng được sáng tỏ với những bằng chứng rõ ràng hơn. Tại 2 di tích này, các nhà khảo cổ phát hiện dấu vết các hố thiêng nằm sâu trong lòng nền móng. Điều này cho thấy vai trò tâm linh quan trọng của phần móng trong tổng thể kiến trúc tháp Chăm.

Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng, những gì còn lại dưới lòng đất Đà Nẵng không chỉ là dấu tích khảo cổ, mà còn là minh chứng sống động cho một thời kỳ phát triển rực rỡ của vùng đất này. Ông nhận định: “Những di tích, hiện vật Chăm phát hiện tại Đà Nẵng có niên đại liên tục từ thế kỷ thứ VIII đến XIII, gồm cả Ấn giáo lẫn Phật giáo, cho thấy địa bàn này đã được phát triển thịnh vượng”.

Bên cạnh là trung tâm cư trú và tín ngưỡng, Đà Nẵng xưa còn là nơi giao thương nhộn nhịp khi “cửa biển Đà Nẵng đã được khai thác và có vị trí quan trọng đối với Champa trong quan hệ giao thương với các vùng lãnh thổ khác”. Dù tầng văn hóa Champa chỉ là một lát cắt trong bức tranh lịch sử dài lâu của mảnh đất Đà Nẵng, nhưng nó vẫn đọng lại như phần ký ức thân thương mà người dân cần gìn giữ. Chính vì thế, việc phát hiện và bảo tồn các di tích, hiện vật là cách để hậu thế hiểu sâu thêm về mảnh đất mình đang sống.

Với ông, những hiện vật khảo cổ tìm thấy là một phần “của tin” để thế hệ mai sau biết mình đang sống trên mảnh đất có bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Và ông Thắng nhắn nhủ đầy cảm xúc: “Thể phách bao thế hệ đã hòa tan cùng trời đất, nhưng tinh thần vẫn gửi gắm ở từng viên gạch, phiến đá cổ xưa. Chúng ta cần trân trọng và giữ gìn”.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.