Một thuở Champa

Đọc lại tác phẩm 'Mã cầu'

.

Tại phòng Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện đang trưng bày một tác phẩm mang nội dung khá độc đáo với trình độ điêu khắc tinh xảo, tác phẩm mang tên “Mã cầu”, ký hiệu 24.4.

Tác phẩm Mã cầu hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: N.H.H.D
Tác phẩm Mã cầu hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: N.H.H.D

Tái hiện trò chơi mang tính ngoại quốc

Theo hồ sơ lưu trữ, hiện vật này được tìm thấy tại Thạch An, Quảng Trị và nhập về bảo tàng vào năm 1935. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Lê Đức Thọ nhận định hiện vật được phát hiện tại phế tích một ngôi tháp Chăm thuộc làng Thạch Hãn. Thạch An và Thạch Hãn có thể là tên gọi của cùng một địa điểm, nhưng bị đọc trại đi. Tháp Thạch Hãn ngày nay không còn, nhưng phế tích này đã được Linh mục L.P Cadière ghi chép lại vào năm 1905 trong chuyến đi điền dã, và sau đó ông đã tiến hành khai quật tại địa điểm này.

Hiện vật được làm từ chất liệu sa thạch, kích thước 104cm x 192cm x 70cm. Về mặt công năng kiến trúc, hiện vật trước đây có thể là bộ phận trang trí mặt ngoài của bậc cầu thang dẫn lên một ngôi đền tháp Champa. Hình chạm nổi trên bề mặt hiện vật thể hiện hai người cưỡi ngựa đánh cầu - một đề tài hầu như không phổ biến trong nền nghệ thuật điêu khắc Champa. Hai con ngựa được tạc trong tư thế đang rượt đuổi nhau, đuôi vểnh lên cao.

Mỗi con được trang bị một bộ yên cương, dây cương, lục lạc đeo cổ trang trí những quả chuông, yên ngựa, tấm bọc yên, và đôi bàn đạp. Hai kỵ sĩ ngồi trên mình ngựa, tay trái cầm những chiếc gậy có hình dạng như cái môi múc, tay phải nắm chặt dây đai của bộ yên cương; chân đặt trong bàn đạp. Toàn bộ các nhân vật trong bức phù điêu nhìn hòa hợp với nhau trong từng cử động, cùng với điệu di chuyển nhịp nhàng của đôi ngựa.

Theo sử liệu, người Chăm có nhu cầu dùng ngựa rất cao, đặc biệt dưới triều Tống (960-1279). Nhận thấy những lợi thế của việc dùng ngựa trong các trận chiến, các vua Champa đã cử sứ thần sang Trung Quốc tìm mua ngựa đem về nước; tuy nhiên các yêu cầu của vua Champa đôi khi bị từ chối do lệnh cấm xuất khẩu ngựa của Trung Quốc. Từ đây chúng ta có thể phỏng đoán rằng ở Champa, ngựa nuôi rất hiếm. Ngựa có thể đã được trao đổi buôn bán đến Champa như một mặt hàng giá trị cao.

Hình ảnh con ngựa ít khi xuất hiện trong điêu khắc Champa, ngoại trừ một số tác phẩm thể hiện ngựa như là phương tiện di chuyển của những vị thần trong thần thoại hoặc sử thi - điều này đối lập với sự phổ biến rộng rãi của hình tượng voi, và các con vật linh thuộc Phật giáo và Bà La Môn giáo. “Mã cầu” là một tác phẩm độc đáo, bởi nó thể hiện hình ảnh một loài động vật không phổ biến ở Champa và đồng thời tái hiện một trò chơi mang tính ngoại quốc.

Câu chuyện về niên đại

Về mặt niên đại, dựa trên bối cảnh lịch sử, một số nhà nghiên cứu cho rằng tác phẩm có thể được chế tác vào khoảng thế kỷ VII-VIII, khi trò chơi cưỡi ngựa đánh cầu trở nên phổ biến và nở rộ dưới triều đại nhà Đường, Trung Quốc (618-907). Môn thể thao này có nguồn gốc từ các tộc người Iran ở miền Trung Á. Sau đó, thuật cưỡi ngựa được truyền sang Trung Quốc và Đông Á theo sự phát triển của con đường Tơ lụa.

Tư liệu văn học đã ghi lại một trận thi đấu mã cầu vào năm 709 giữa hai đội Trung Quốc và Tibet tại triều đình nhà Đường. Môn thể thao này cũng được miêu tả trên các bức bích họa của nhà Đường, các gương đồng và ghi chép trong thi ca. Một số lượng lớn hình người cưỡi ngựa đánh cầu, đa phần làm từ đất nung, được tìm thấy trong các ngôi mộ nhà Đường ở Thiểm Tây và Tân Cương.

“Mã cầu” được tìm thấy tại khu vực trước kia là một phần lãnh thổ của Lâm Ấp - chính thể đầu tiên của Champa được nhắc đến trong những tập biên niên sử cho đến thế kỷ VIII sau Công nguyên. Theo các nguồn sử liệu này, trong những năm từ 623 đến 749, triều đình nhà Đường liên tục đón sứ thần Lâm Ấp và các cống phẩm của họ.

Dựa trên những mối quan hệ ngoại giao - thương mại giữa Lâm Ấp và Trung Quốc, cũng như sự phổ biến của trò chơi mã cầu dưới thời nhà Đường, như các tư liệu khảo cổ và văn học đã chỉ ra, chúng ta có thể suy luận bộ môn này đã du nhập vào Lâm Ấp - Champa từ Trung Quốc, và chỉ được chơi bởi các gia đình hoàng tộc. Hình ảnh con ngựa xuất hiện nhiều trong nghệ thuật Ấn Độ, tuy nhiên đến thế kỷ XV trò chơi cưỡi ngựa đánh cầu mới phổ biến dưới thời kỳ đế quốc Mogul. Vì vậy, không ngoại trừ khả năng tác phẩm “Mã cầu” của Champa đón nhận nhiều ảnh hưởng từ Trung Quốc, do đó mang một niên đại sớm vào thế kỷ VII-VIII.

Tuy vậy, cũng có ý kiến thiên về một niên đại muộn hơn, khoảng thế kỷ X, dựa trên những đối sánh về phương diện lịch sử nghệ thuật. Tại khu vực Quảng Trị, một số hiện vật điêu khắc Champa có niên đại từ thế kỷ VI đến thế kỷ X đã được phát hiện. Nhiều tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm được nhà nghiên cứu nghệ thuật người Pháp Jean Boisselier định niên đại vào thế kỷ X, đồng đại với nhóm tượng điêu khắc mang phong cách Trà Kiệu.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, nhóm tác phẩm thuộc phong cách Trà Kiệu được chia làm hai giai đoạn: thế kỷ VII-VIII (Trà Kiệu sớm) hoặc thế kỷ X-XI (Trà Kiệu muộn), và câu chuyện niên đại là một vấn đề tranh cãi trong giới học thuật cho đến nay.

Trong bối cảnh di tích không còn dấu vết, hiện vật bị tách khỏi nơi xuất xứ ban đầu, thiếu nguồn tư liệu văn bia hỗ trợ thì việc định niên đại cho tác phẩm, tất cả đều là những phỏng đoán dựa trên sử liệu hay những đối sánh về phong cách nghệ thuật. Câu trả lời về một niên đại chính xác cho tác phẩm vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng chúng ta có thể khẳng định đây là một tác phẩm điêu khắc sống động, tinh xảo về mặt tạo hình; độc đáo, quý hiếm về mặt nội dung của nghệ thuật điêu khắc Champa mà trong lộ trình tham quan tại bảo tàng, nhiều du khách vô tình bỏ qua.

T.S NGUYỄN HOÀNG HƯƠNG DUYÊN

;
;
.
.
.
.