Trong dặm dài những bài viết về văn hóa, kiến trúc Champa đã đưa tôi đến gặp họ - những con người luôn dành sự tận tụy, say mê cho miền tháp cổ, cho vết tích rêu phong hay những đường nét chạm khắc trên đá đầy bí ẩn…
![]() |
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ trong một chuyến đo đạc, hoàn thiện hồ sơ thiết kế cụm tháp Chăm Khương Mỹ (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) năm 2019. Ảnh: NVCC |
Đa dạng cách tiếp cận
Ở tuổi 70, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ vẫn giữ vẻ hoạt ngôn khi nói về kiến trúc và các thông số kỹ thuật ở đền tháp Chăm. Như thể mọi đường nét đã ăn sâu vào trong máu thịt từ những ngày đầu ông đặt chân đến Thánh địa Mỹ Sơn năm 1980. Đứng trước những phế tích nằm ẩn mình giữa cây cỏ, ông tìm thấy một sự sống ngàn năm vươn lên từ những viên gạch nung đỏ, từ đường gờ, từ kiến trúc đền tháp mà người xưa đã dựng lên bằng sự tính toán đầy mỹ cảm.
Kể từ đó, những chuyến đi điền dã đến những vùng đất có vết tích văn hóa Chăm đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống nghệ thuật và tinh thần của ông. Tại đó, ông miệt mài leo giàn giáo đo vẽ, ký họa, nghiên cứu tỷ lệ hay mô tả chi tiết từng họa tiết kiến trúc. Với ông, mỗi cụm tháp là một bản thể sống. Chúng không đứng riêng rẽ mà kết nối với nhau bằng ngôn ngữ kiến trúc thiêng liêng - nơi mà tín ngưỡng, phong thủy, kỹ thuật xây dựng và mỹ học hòa quyện.
Chính tình yêu bền bỉ với kiến trúc Chăm đã đưa Nguyễn Thượng Hỷ đến gần hơn công tác bảo tồn. Ông tham gia các nhóm nghiên cứu và góp ý chuyên môn trong những lần trùng tu di tích. Hàng trăm bản vẽ tay, hàng loạt bức ảnh cùng những trang viết chi chít chú thích, tỷ lệ là kết quả của hơn 45 năm đo, vẽ đền tháp Chăm của người họa sĩ tài hoa. “Có lúc, tôi đứng hàng giờ trước một cửa tháp chỉ để nhìn và ngẫm cái cách người xưa bố trí ánh sáng đi vào bên trong. Cái đẹp nằm ở sự tối giản mà tinh tế đến kỳ lạ”, ông hào hứng nói.
Tư liệu lịch sử kết hợp kiến thức, cảm quan thẩm mỹ của một họa sĩ giúp ông đưa ra những nhận định táo bạo về quy mô và tầm vóc kiến trúc Chăm. Còn nhớ, năm 2011, khi đo vẽ ngọn tháp trong quần thể kiến trúc Chăm tại Phong Lệ, ông quả quyết đây là ngọn tháp lớn nhất từ trước đến nay khi so sánh với tháp Dương Long ở Bình Định (được xem là tháp Chăm cao nhất (41m) với lòng chân móng rộng 5,5m), trong khi tháp Phong Lệ chân móng rộng 6,46m… “Với phát hiện thú vị này, tôi nghĩ Đà Nẵng có thể từng là một trong những vùng đất thiêng quan trọng của người Chăm, chứ không chỉ là trạm dừng chân hay vùng biên như nhiều người từng nghĩ”, ông nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm thì chọn tiếp cận di sản bằng thái độ cẩn trọng khi dựa trên các tài liệu lịch sử, học thuật. Trong quá trình làm nghề, ông rất vui khi bảo tàng nhận được khá nhiều hiện vật hiến tặng. Như gia đình ông Nguyễn Tài Trí ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ hiến tặng pho tượng đá hình sư tử đứng rất quý cho bảo tàng. Theo ông, hình tượng sư tử trong văn hóa Chăm như vị thần hộ mệnh, thường được đặt trước đền tháp hoặc nơi cúng tế xua đuổi tà ma để bảo vệ thần linh cũng như người hành lễ.
“Có rất nhiều hiện vật nếu bảo tàng không đưa về bảo quản kịp thời rất dễ hư hại hoặc lưu lạc trong nhân dân. Với chúng tôi, những gì còn sót lại sau bao biến thiên thời gian, chiến tranh và sự xâm thực của thiên nhiên đều rất đáng quý, bởi nó là phần di sản của một nền văn minh từng rất rực rỡ trên dải đất này”, ông Thắng chia sẻ.
Kết nối cộng đồng yêu văn hóa Chăm
Tròn 10 năm gắn bó với bảo tàng từ trước năm 2018, ông Võ Văn Thắng chủ động kết nối các nhà nghiên cứu Pháp, Nhật Bản… tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm với mong muốn người nước ngoài có cái nhìn rõ hơn những giá trị đặc sắc của kiến trúc mỹ thuật Chăm. Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã trở thành điểm giao thoa giữa nghiên cứu - bảo tồn - giáo dục cộng đồng khi liên tục mời giới chuyên gia, họa sĩ, nhiếp ảnh gia đến tổ chức hội thảo, triển lãm. Mời học sinh, sinh viên đến tham quan, nói chuyện chuyên đề, trưng bày chuyên đề xoay quanh các chủ đề ít được biết đến trong văn hóa Chăm, như hình tượng linh vật, trang phục, nhạc cụ…
Ngoài ra, ông Thắng còn tổ chức, biên soạn sách Bảo vật Quốc gia tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng, 2013), Di tích Chăm ở Đà Nẵng và những phát hiện mới (NXB Đà Nẵng, 2014), phối hợp thực hiện hai catalog tiếng Anh giới thiệu hiện vật giá trị đang được trưng bày, bảo quản tại bảo tàng. Ông nhớ lại, có lần trong buổi triển lãm chuyên đề, một nhóm sinh viên nán lại rất lâu bên bức tượng thần Siva. Khi ông hỏi, họ nói “đây là lần đầu tiên nhìn thấy văn hóa Chăm gần đến thế”. Sự gần gũi ấy là điều ông luôn theo đuổi: để người trẻ không chỉ biết đến di sản bằng con số, năm tháng, mà bằng cảm xúc.
Sau khi nghỉ hưu, ông Thắng vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu và dành thời gian đi điền dã. Dưới mái ngói trầm mặc của bảo tàng nơi ông từng gắn bó, không khó để nhận ra tinh thần gìn giữ di sản vẫn đang âm thầm chảy qua từng hành lang, từng bệ đá. Đó là dòng chảy lặng lẽ nhưng bền bỉ của những người say mê lịch sử, văn hóa Chăm dù ông luôn nói mình “không làm được gì nhiều nhưng đã rất cố gắng trong công tác vận động, xúc tiến một số chương trình bảo tồn, trùng tu và trưng bày hiện vật Chăm trong và ngoài không gian bảo tàng”.
Ấn tượng bởi loại hình kiến trúc, điêu khắc Hindu của Ấn Độ, Java, Khmer cũng như tính ngẫu hứng, không tuân theo các niêm luật chặt chẽ trong kiến trúc Champa, kiến trúc sư Lê Trí Công lại chọn cách tiếp cận khác khi tập trung nghiên cứu, phân tích các đường nét kiến trúc và kết nối cộng đồng qua vai trò amin chính cho fanpage “Hội yêu thích Tháp và văn hóa Chăm”. Tại đây, anh Công dành thời gian chia sẻ hình ảnh, tư liệu và dẫn dắt các cuộc trò chuyện về kiến trúc, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục của người Chăm.
Trang fanpage thu hút hơn 13.000 người tham gia tương tác và trở thành “thư viện mở” - nơi người xem có thể ngắm nhìn tháp Chăm qua hình ảnh, tư liệu cũng như tiếp cận các bản vẽ kỹ thuật. Với anh Công, điều làm nên tính hấp dẫn của kiến trúc Chăm là nhìn thấy các lớp văn hóa Ấn Độ, Java, Khmer, Champa chồng lên nhau tạo nên những mô típ điêu khắc rất cổ xưa.
Xuất thân là kiến trúc sư, anh Công đặc biệt chú trọng đến cấu trúc, quy mô và kỹ thuật xây dựng đền tháp Chăm dựa trên phương pháp nghiên cứu hướng, trục và đưa ra nhận định trong kiến trúc Chăm, hướng Đông Bắc - Tây Nam được xem là hướng của thần Ishana (Siva) và trục Đông Bắc - Tây Nam là hệ trục quan trọng nhất trong hệ quy chiếu định vị không gian linh thiêng.
Theo anh, các thành và trung tâm tôn giáo quan trọng của Champa đều lấy điểm mốc là một hoặc cả hai ngọn núi để định vị và hình thành trục này, khoảng cách dao động 3 - 23km. Anh chia sẻ rằng chính vẻ đẹp bí ẩn và phi đối xứng của tháp Chăm đã khiến anh - người vốn quen với sự cân xứng trong kiến trúc hiện đại - phải suy ngẫm lại về khái niệm “hài hòa” và “tinh thần kiến tạo” của người xưa. “Cái đẹp của tháp Chăm không đến từ sự hoàn hảo về hình khối, mà đến từ cảm giác linh thiêng, từ sự vận động không ngừng của ánh sáng, gió và thời gian lên bề mặt gạch đá”, anh đúc kết.
Đã có nhiều dự định được chia sẻ, nhiều ý tưởng được ấp ủ, từ cuộc khảo sát thực địa ở thành Nam Thành (huyện Hòa Vang), tái dựng kiến trúc Chăm khu vực miền Trung qua bản vẽ kỹ thuật, đến các dự án bảo tồn, nơi họ luôn hy vọng cộng đồng người Chăm được tạo điều kiện tham gia trực tiếp vào hoạt động gìn giữ nền văn hóa.
Trong hành trình miệt mài ấy, họ góp phần lưu giữ ký ức cho mai sau và thắp lên niềm tin rằng di sản không nằm yên dưới lớp bụi thời gian, mà vẫn sống động, hiện hữu trong đôi mắt say mê, trong nhịp chân lặng lẽ giữa những tầng gạch cổ và trong từng câu chuyện được kể lại bằng tất cả sự trân quý, nâng niu.
TIỂU YẾN