NÂNG TẦM DU LỊCH ẨM THỰC

Dư vị của ký ức

.

Mùa hè đến, canh cá khoai ngọt vị biển, ốc lể đậm đà hay ly xoa xoa hạt lựu thanh mát… không đơn thuần là món ngon theo mùa, những món này còn ngon hơn khi được hòa trộn thêm dư vị của ký ức, cảm xúc của người dùng. Bởi không tiền bạc nào có thể mua nổi ký ức và trên bản đồ ẩm thực, những món ăn này tự hào đứng đầu trong miền ký ức miên man của họ...

Món ốc lể là món ăn “đặc sản” mỗi độ vào hè của nhiều người.  Ảnh: T.V
Món ốc lể là món ăn “đặc sản” mỗi độ vào hè của nhiều người. Ảnh: T.V

1. Hè đến, cái nắng, cái gió nơi rẻo đất miền Trung càng khắc nghiệt nhưng nhắc đến món canh cá khoai, ai cũng cảm nhận được vị thanh mát, ngọt lành. Mùa cá khoai, nghĩ về cá khoai, trong ký ức ngư dân Đặng Văn Nhựt (SN 1965, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), Tổ trưởng tổ sản xuất Thành Đạt, luôn thổn thức về một thời nghèo khó, cá khoai là món ăn chính của những đêm đông lạnh giá lẫn ngày hè nóng bức. Ông Nhựt bày tỏ, hồi trước, cá khoai rẻ, mẻ lưới cá nào cập bờ cũng đầy đất chật bãi, ăn không hết thì làm thức ăn cho heo, gà. Thậm chí, phải bỏ đi bởi cá khoai có thời gian bảo quản khá ngắn.

Ông Nhựt kể, cá khoai sống gần bờ, cách chừng 10 hải lý, độ sâu 20-50 mét. Đánh bắt cá khoai không khó, chỉ cần thả lưới và chờ chừng 4-5 tiếng bởi cá di chuyển theo đàn, theo luồng. Mỗi lần, kéo lưới lên là không thấy lưới, chỉ có cá khoai chật kín, như những đám mây trắng bồng bềnh giữa không gian rộng lớn. Cá khoai còn có tên gọi khác là cá cháo bởi thân mềm như cháo, đòi hỏi ngư dân vận chuyển nhẹ nhàng, gỡ cá khỏi lưới càng phải tỉ mỉ và khi sơ chế cũng phải nâng niu trong tay. Ngư dân hay đùa rằng, cá khoai như nàng công chúa của biển cả bởi trắng như trứng gà bóc, da mịn như nhung và quý như ngọc.

“Tôi còn nhớ những đêm trăng tròn ngày cuối năm của những năm về trước, sau khi thả lưới, treo dàn chờ cá, anh em chúng tôi nấu vội bữa canh cá khoai. Người mệt lả, đêm đông ở biển lạnh buốt thấu xương, ai nấy húp vội bát canh cá khoai hay những ngày hè nóng rang, bát canh cá khoai cũng là bữa ăn cứu cánh dạ dày, làm thanh mát cơ thể”, ngư dân Nhựt chia sẻ.

Với bà Đặng Thị Mực (70 tuổi, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) thì món canh cá khoai như nằm lòng trong ký ức tuổi thơ lẫn dư vị ngày nào. Bà nhớ như in những buổi sáng sớm tinh mơ, khi bình minh còn chưa ló dạng, bà cùng các chị em trong vùng đi gánh cá thuê tại bãi Ngang (gần lăng Cá Ông, đường Hoàng Sa). Sau khi xong công việc, bà lại chuyển sang gỡ cá khoai để cải thiện bữa ăn hằng ngày bởi các chủ thuyền thúng thường “tặng” cá cho ngư dân vì quá nhiều. Về sau, bà theo chồng ra khơi xa nên những buổi gỡ cá khoai dần đi vào kỷ niệm.

Bà Mực chia sẻ, theo kinh nghiệm đời ngư dân, chưa có loài cá nào mà công đoạn chế biến dễ như cá khoai, chỉ đơn giản đợi nước sôi, thả cá và cho thêm mấy cọng hành, ngò là thưởng thức.

Với khẩu vị người dân vùng biển thì cá khoai khi nấu không mắm, không hạt nêm mới cảm nhận trọn vẹn vị ngon mà biển cả ban tặng, không cao lương mỹ vị nào sánh bằng. Sau này, cá khoai được biến tấu thành nhiều cách như: kho mặn, nấu cháo, nấu với rong biển, lẩu… Thậm chí, ăn không hết thì có thể làm cá khoai khô. Dù ở bất kỳ cách chế biến nào thì cái ngon của cá khoai không thể biến mất và trộn lẫn.

2. Chắc hẳn, ốc lể không còn là món ăn xa lạ với người dân miền Trung và được xem là món ăn “chơi” từ tháng Giêng đến tháng Sáu hằng năm nhưng lại nghiễm nhiên trở thành món ăn “đặc sản. Không hiểu điều gì mà con ốc nhỏ, đủ màu sắc được trộn chút sả, chút ớt, dặm thêm muỗng muối hay rắc vài giọt mắm lại dễ dàng chinh phục và quyến rũ đầu lưỡi của bất kỳ ai. Độ giòn sần sật thịt ốc hòa quyện mặn mòi của mắm, vị cay xè của ớt, dư vị để lại của món ốc lể không ngôn từ nào diễn tả nổi.

Bà Đặng Thị Cúc (SN 1959, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), có gần 20 năm kinh nghiệm bán ốc lể tại chợ An Hải Bắc với kỹ năng chế biến móc ốc lể béo ngậy, thấm đẫm gia vị từ bên trong lẫn bên ngoài, dậy mùi thơm lừng nơi góc phố nhỏ. Bà Cúc nói, mỗi ngày, bà đặt mua ốc từ ngư dân cào lưới. Sau đó, ngâm ốc qua đêm để sạch cát và luộc với sả.

Cách luộc ốc rất quan trọng, nếu để ốc quá chín sẽ khiến thịt ốc bị teo, rất khó lể. Vì vậy, người luộc phải canh, đong đếm thời gian vớt ốc kịp thời, để thịt ốc lộ ngang với miệng ốc thì mới đạt tiêu chuẩn. Tùy theo khẩu vị khách hàng, ngoài ốc, bà chuẩn bị mắm gừng lẫn muối ớt bởi có người thích ăn ốc trộn với muối, số khác lại thích hòa chung với mắm, rắc chút hành phi, vắt thêm tắc.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà (SN 1984, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), khách hàng của bà Cúc bày tỏ, sinh ra và lớn lên ở miền biển nên chị mê mẩn món ốc lể từ khi còn nhỏ. Ngoài vị ngon, vị thơm của ốc lể, chị còn nghiện “thú” ngồi lể ốc bên bờ biển, trò chuyện rôm rả cùng vài người bạn và để nhớ về những ngày tuổi thơ.

Thời đó, ốc lể là món ăn vặt hảo hạng, ba cào ốc, mẹ sơ chế, chị và người em trai lân la ngồi lể cả buổi chiều. Sau này, chị đi học tận miền Nam xa xôi, mỗi mùa ốc lể, chị dạt dào cảm xúc khi nhớ về ốc, về biển. Trong Nam, cũng có ốc lể được vận chuyển từ các vùng biển lân cận nhưng với chị, lể ốc ở một không gian khác nó không “đã” mà phải ở bên bờ biển, tận hưởng cái nắng hanh, gió rát đặc trưng của miền biển quê hương thì mới thỏa lòng.

TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.