Ký ức của ngôi chợ truyền thống thường gắn với lịch sử một vùng đất. Khách rẽ ngang vài sạp hàng, ngắm nghía vài món, thưởng thức vài thức quà chợ hay nghe đôi câu trò chuyện “rặt” chất địa phương từ người bán tới người mua là có thể hình dung cả một diện mạo văn hóa của đất và người. Đó là cách để những chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Đông Ba (Huế), chợ Đà Lạt (Lâm Đồng), chợ Đầm (Nha Trang), chợ Bến Thành (Thành phố Hồ Chí Minh), chợ Cồn và chợ Hàn (Đà Nẵng)… được định danh lâu dài trên bản đồ địa phương như biểu tượng của đời sống đô thị.
![]() |
Một góc chợ Cồn hôm nay. Ảnh: Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng |
“Má hát ru con từ thuở trong nôi/ Câu hát cũng đắng cay như cuộc đời Má vậy/ Đòn gánh đè vai sớm lên Hòa Mỹ/ Rời rã đôi chân chiều xuống chợ Cồn/ Đổi lắm nhọc nhằn đong bát gạo nuôi con”. Đó là những câu thơ được nhà thơ Nguyễn Quân viết trong bài thơ mang tên “Má” (đăng trên Đà Nẵng cuối tuần, tháng 5-2010) gợi lên mảng hồi ức về những bà mẹ tảo tần quang gánh, thúng mủng, xuôi ngược mưu sinh giữa lòng thành phố cho kịp buổi chợ.
Rồi cũng từ những hồi ức như thế, nhà thơ Vạn Lộc trong bài thơ “Chợ Cồn” hoài niệm: "Giờ đây mỗi bận đi qua chợ/ Khó giấu trong tim nỗi ngậm ngùi/ Hai tiếng "chợ Cồn" thân thiết quá!/ Tôi từng gởi gắm những buồn vui".
Trong dòng chảy thời gian
Những mảng hồi ức như thế bắt nguồn từ bao giờ? Chưa có tư liệu nào xác định chính thức ngày-tháng-năm khởi đầu của một địa điểm mang tên chợ Cồn trong dòng chảy thời gian, chỉ là áng chừng. Ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng cho hay: “Nhiều tài liệu ghi chép đề cập việc chợ Cồn ra đời từ những năm thập niên 1940, trên một cồn đất cao giữa lòng thành phố, nên người dân quen gọi thành tên chợ Cồn. Đến năm 1958, chợ Cồn chính thức được đầu tư xây dựng trên cơ sở “chợ Cồn” tạm trước đó”.
Đó là câu chuyện về chợ Cồn những năm trước 1975 - trước thời điểm được nâng cấp, cải tạo về sau. Vậy để nói, chợ Cồn đã là một phần ký ức của nhiều thế hệ ở xứ Quảng và dọc dải đất miền Trung, từ rất lâu.
Ba chữ “từ rất lâu” - với mỗi tiểu thương ở chợ Cồn là một con số. Có những gia đình đã buôn bán tại khu nội thị từ hơn 70 năm trước, người 50 năm, người 30 năm… Cũng có người - như một bà lão giấu tên tôi gặp trước quán nước đối diện chợ, nói “rất lâu” vì không còn nhớ được chính xác số năm, mọi thứ đều là áng chừng. Họ vẫn nhắc về cà phê Xướng, tiệm phở Thái Ngư, bánh mì ông Tý… như một chút gì thân thuộc.
Bà Lê Thị Tức bán hàng ở chợ Cồn từ năm 1972; mỗi lần có ai nhắc đến 3 chữ “hồi mới bán”, kiểu gì bà cụ 70 tuổi cũng bồi hồi. Hơn 50 năm trước, cô gái trẻ Lê Thị Tức bắt đầu dọn hàng với đôi quang gánh, cái rá, cái thúng, cái mủng. Quầy nào lớn hơn thì có sạp, dù bạt che tạm… Chợ cũ đơn sơ, luôn có những ngày mưa giăng, gió tạt, nắng hắt, nhưng chưa bao giờ nhịp sống mưu sinh ở đây tạm ngừng.
Cũng vào hàng thâm niên ở chợ như bà Tức với 50 năm buôn bán, bà Nguyễn Thị Sèn (73 tuổi) nhắc lại: “Hồi đó, nhờ có mấy đồng lãi từ chợ mà hai vợ chồng nuôi được 7 đứa con”. Chỉ vô quầy hàng bánh kẹo với đủ đầy chủng loại, bà nhớ giai đoạn chồng mất sớm, một mình bà “bám chặt” sạp hàng để gồng gánh cả nhà. Suốt nửa thế kỷ, sáng sớm đến dọn hàng rồi về nhà khi tối mịt, bà Sèn và các con dần vượt qua những khúc đoạn chật vật.
Bà Sèn, bà Tức và nhiều tiểu thương lâu năm khác đã chứng kiến những đổi thay của chợ Cồn, từ thuở sân chợ còn đơn sơ cho tới ngày tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) chủ trương xây dựng, tái thiết chợ Cồn thành “Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng” (khánh thành năm 1985) với diện mạo khang trang trên nền diện tích tổng 13.714m2. Rồi cũng chính họ, không khỏi vui mừng khi Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng được trở về với cái tên thân quen “chợ Cồn” vào năm 2012.
Bản sắc chợ truyền thống
Nếu dựa theo tư liệu áng chừng về năm ra đời (thập niên 1940 của thế kỷ XX), có thể nói cái tên chợ Cồn đã có tuổi đời gần chín mươi năm, chiếm một phần không nhỏ trong quãng thời gian hơn 550 năm danh xưng Quảng Nam thừa tuyên đạo, qua đó đi cùng với vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng cho đến nay. Từ khu chợ nhỏ với ánh sáng đèn dầu nhập nhoạng ở nút giao Rue de la République - Edouard de L’Horlet - Sabiell ngày xưa cho đến một chợ Cồn khang trang ở tuyến Hùng Vương - Ông Ích Khiêm bây giờ là cả một hành trình xuyên suốt thế kỷ. Ở đó, chợ, đất và người đều đang chuyển mình. |
Nếu dựa theo tư liệu áng chừng về năm ra đời (thập niên 1940 của thế kỷ XX), có thể nói cái tên chợ Cồn đã có tuổi đời gần chín mươi năm, chiếm một phần không nhỏ trong quãng thời gian hơn 550 năm danh xưng Quảng Nam thừa tuyên đạo, qua đó đi cùng với vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng cho đến nay. Ông Đàm Văn Tẩu cho hay: “Quá trình phát triển của chợ Cồn gắn liền với quá trình phát triển chung của Đà Nẵng, mang đậm bản sắc văn hóa của thành phố, để mỗi du khách khi đến Đà Nẵng thường ghé chợ Cồn để khám phá và trải nghiệm”.
Chia sẻ đó là có cơ sở, khi trên bản đồ ẩm thực và nhiều trang du lịch, mạng xã hội… ẩm thực ở chợ Cồn nghiễm nhiên có một vị trí đặc biệt với những từ khóa phổ biến được nhiều du khách tìm kiếm: “thiên đường ẩm thực”, “bánh tráng thịt heo Bi Mỹ”, “ốc Hà”, “kem bơ cô Thu”, “bánh canh bà Bé”, “mì Quảng chợ Cồn”…
Cùng với đó là một loạt hình ảnh, gian hàng với đủ đầy đặc sản của xứ Quảng: các loại mắm, nem, chả bò, hải sản khô… Để thấy, đến chợ đâu chỉ có mua sắm, nói theo cách bình dân như nhiều người xứ Quảng là “ăn hàng”. Người dân đi chợ ăn vội đĩa bánh bèo trước giờ cơm, gọi là “ăn nửa buổi”, có người đi buôn hàng sớm ghé chợ gọi một ly cà phê đầu ngày cho tỉnh táo, du khách thì làm “food tour” với một lèo đặc sản bình dị xứ Quảng…
Tôi lại nhớ người bạn sống ở miệt miền Tây sông nước. Mỗi lần ra Đà Nẵng, bạn mang theo cơ số quà là mắm ba khía, gói bánh dừa, kẹo dừa, bánh pía… để rồi gói ghém đem về là hũ mắm nêm, bánh khô mè, đồ khô mua từ chợ Cồn. Bạn nói, đặc sản có thể đặt mua trực tuyến, hàng gửi 1-2 ngày là có nhưng sẽ vui hơn khi ngồi ăn uống, đi mua sắm ở chợ, hòa vào không khí náo nhiệt với những giọng Quảng “đặc sệt” của “chi, mô, răng rứa”; đó mới thực sự là đi du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận, việc buôn bán truyền thống ở chợ vẫn là kênh được người dân ưa chuộng. Bởi, công nghệ có tân tiến, có tối ưu đến mấy cũng không mang đến trải nghiệm được… trực tiếp mặc cả theo tinh thần “thuận mua vừa bán”, không thay được cảm giác được cầm, lựa kỹ lưỡng mấy món hàng đa dạng trên sạp chợ trước khi rút tiền. Đối với du khách, đến chợ chính là một trải nghiệm khám phá bản sắc văn hóa vùng miền khi đi du lịch. Đó là những điều chỉ chợ truyền thống mới có được.
![]() |
Du khách mua sắm ở chợ Cồn. Ảnh: X.S |
Giữa giao thời mới - cũ
Hành trình của những tiểu thương hôm nay có thêm mảng màu mới khi chủ trương đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa chợ Hàn và chợ Cồn thành chợ điểm phục vụ du lịch được thành phố triển khai; ở đó, họ nhắc nhau gìn giữ không gian chợ là điểm đến thân thiện, an toàn với du khách từ việc bảo đảm văn minh thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, chuyển đổi số…
Dẫu vậy, trong những cái mới, họ vẫn mong “chợ đừng quá mới”, như bà Võ Thị Hoa (68 tuổi, 30 năm kinh doanh hàng gia dụng tổng hợp) chia sẻ: “Nếu tương lai chợ được nâng cấp khang trang hơn thì quá tốt để bà con mua bán và phát triển du lịch, nhưng hãy giữ nguyên nét truyền thống như bây chừ.
Chợ Cồn mà được xây thành trung tâm thương mại hay siêu thị xa hoa, cầu kỳ… thì sẽ không còn là chợ Cồn nữa”. Cùng ý kiến, bà Nguyễn Thị Kim Thanh (62 tuổi, hơn 20 năm kinh doanh áo quần) trăn trở, nâng tầm chợ Cồn là để du khách gần xa biết đến như một nơi đến đáng để đến, đáng để mua sắm và đáng để thưởng thức ẩm thực chứ đừng làm khác biệt quá mà mất nét truyền thống đi…
Bà Sèn đã có thêm “trợ lý” là người cháu nội. Bà dọn hàng theo hướng truyền thống; cháu lo việc quảng bá, bán hàng trực tuyến trên các nền tảng. Rồi những tiểu thương khác, họ tập tành việc sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, học cách dùng mã QR cho thanh toán không dùng tiền mặt, tập livestream bán hàng từ sự hỗ trợ của ngành công thương…
Tất cả đều nhằm cập nhật cái mới trên cơ sở gìn giữ nét truyền thống. Trong xu thế phát triển mới, những khái niệm như “thương mại điện tử”, “bán hàng trực tuyến”, “chuyển đổi số” hay số lượng ngày một nhiều của những hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại chính là để nhắc những tiểu thương nơi chợ Cồn nói riêng và các chợ truyền thống nói chung rằng, không thể dậm chân mãi giữa giao thời cũ - mới này.
Từ khu chợ nhỏ với ánh sáng đèn dầu nhập nhoạng ở nút giao Rue de la République - Edouard de L’Horlet - Sabiell ngày xưa cho đến một chợ Cồn khang trang ở tuyến Hùng Vương - Ông Ích Khiêm bây giờ là cả một hành trình xuyên suốt thế kỷ. Ở đó, chợ, đất và người đều đang chuyển mình.
XUÂN SƠN