Người má

.

Có những điều trong đời người ta tưởng đã hiểu từ rất sớm, nhưng phải lớn lên, phải đi qua biết bao mùa mưa nắng, mới nhận ra mình chỉ hiểu được một phần rất nhỏ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Hồi còn nhỏ, má nói một câu gọn lỏn, mầy là con của ba má, vậy thôi. Mà con nít thì dễ tin lắm, nhất là khi được nói bằng giọng dịu dàng và ánh mắt không chút gợn sóng. Tôi nghe vậy thì tin vậy, tin một cách vô điều kiện, bằng trái tim non nớt chưa hề quen với hoài nghi. Tôi mang theo niềm tin ấy suốt những tháng năm đầu đời, như đứa trẻ ôm con diều giấy chạy trên đồng, không cần biết dây có đứt, gió có đổi chiều.

Ba tôi làm cách mạng nên vắng nhà gần như suốt năm. Còn má thì ở nhà, gồng gánh một mình, vừa nuôi tôi, vừa nuôi nỗi nhớ. Má bán rau ngoài chợ, dầm mưa dãi nắng, mấy mùa bông bí nở rồi tàn. Vậy mà chiều nào má cũng nấu cơm, dọn đủ ba chén, để y như ngày ông còn ở nhà. Có khi chỉ là cơm trắng với dưa mắm, vậy mà má vẫn múc thêm một chén đầy, để riêng đó. Như thể ba tôi sẽ bước về qua ngõ bất cứ lúc nào, có khi giữa đêm thanh vắng.

Mỗi lần tôi hỏi, “Ba đâu rồi má?”, má chỉ cười, nụ cười có chút gì nghèn nghẹn trong cổ họng, rồi nhẹ giọng đáp: “Ba mầy đánh giặc, bữa nào yên mới về được.” Tôi khi ấy còn nhỏ, không hiểu hết chữ “yên” mà má nói. “Yên” là bao lâu? Là ngày mai, tuần sau, hay là… không bao giờ? Chỉ biết rằng trong lòng tôi luôn có một khoảng trống nhỏ, lặng lẽ chờ một bước chân trở về, chờ một tiếng gọi thân quen nơi ngõ trước.

Có lẽ vì nỗi mong ngóng ấy mà tôi luôn tự hào khi nghe người ta bảo tôi giống ba. Giống từ cặp chân mày hơi xếch cho đến cái dái tai đầy đặn. Các bà hàng xóm hay tấm tắc: “Cái tướng nó, đứng cũng giống, ngồi cũng giống, cười cũng giống y chang ông An.” Nghe vậy, lòng tôi như có chút gì ấm lại. Nhưng rồi, một ngày nọ, tụi bạn trong xóm bỗng thì thầm những lời khiến tim tôi chao đảo. Đứa nói chơi, đứa nói giọng xỏ xiên: “Mầy là con rơi đó! Con rơi của ba mầy đó!”. Những câu nói như vết cứa vào niềm tin non nớt trong tôi, làm lòng tôi bất chợt chùng xuống, hoang mang đến khó tả.

Tôi đứng chết trân. Tự nhiên niềm tự hào trong lòng tôi bị xô đổ. Tôi chạy về, giận dữ, uất nghẹn, ôm má tức tưởi hỏi. Tôi nhớ rõ ánh mắt má lúc đó, không giận, không buồn, mà… trống rỗng. Rồi má nhẹ nhàng kéo tôi lại, ôm vô lòng. Má không trả lời, cũng không chối bỏ, chỉ xiết tôi chặt hơn bình thường. Tôi nghe nhịp tim má đập gấp gáp dưới lớp áo lấm lem mùi chợ, và tôi nghe cả tiếng nấc nghẹn bị ém xuống. Má khóc, nhưng khóc kiểu người đã quen với việc không cho ai thấy nước mắt mình.

Hôm đó, lần đầu tiên trong đời, tôi thấy má như một người đàn bà… yếu đuối. Không phải người mẹ tảo tần gồng gánh mọi thứ như tôi từng thấy, mà là một người đàn bà đang mang trong lòng một bí mật nặng hơn cả bao gạo gánh chợ mỗi ngày. Và tôi hiểu, dù má không nói gì, thì câu trả lời đã có trong nước mắt má rồi. Nhưng tôi cũng hiểu một điều khác, cái vòng tay đó, cái nhịp tim gấp gáp đó, và ánh mắt không lời kia là tình thương thật. Tình thương không cần máu mủ, không cần giấy khai sinh. Chỉ cần một chữ: “Con”.

Một chiều, khi tôi lên tám, ba tôi trở về. Hôm đó trời xám tro, gió lùa qua hàng cau trước ngõ làm mấy tàu lá già rơi lả tả. Tôi đang lom khom sửa lại cái nhà chòi bằng lá chuối thì thấy một chiếc xuồng từ từ chèo vào bến. Một người đàn ông gầy nhom, áo sờn vai, nón tai bèo bạc màu sương khói, dáng đi mỏi mệt. Gương mặt người đàn ông rám nắng, tóc lấm bụi đường. Tôi không nhận ra ngay, chỉ nhìn trân trân cho đến khi ông cúi xuống… và cười. Nụ cười đó, má đã từng nhắc hoài trong những đêm tối không trăng, khi chỉ có ngọn đèn dầu leo lét giữa căn nhà chắp vá im lìm.

Người đàn ông xoa đầu tôi, bàn tay thô ráp, chai sần, mùi thuốc súng còn vương trên áo. Ông nói, giọng nghèn nghẹn: Mới đó mà bự chảng rồi ha?

Tôi gật gù, không biết nói gì. Cảm giác thân quen mà xa lạ. Người đàn ông này là ba tôi. Suốt bao năm chỉ là một tấm hình trong khung gỗ, và vài câu chuyện má kể lúc ru tôi ngủ. Nay ngồi trước mặt tôi, thiệt mà cứ như trong giấc mơ.

Tối đó, nhà tôi ăn cơm. Cũng chỉ là bữa cơm thường ngày, cơm trắng, nước mắm kho quẹt, chút rau luộc. Vậy mà ba ăn ngon lành, ăn tới ba chén. Má lặng lẽ ngồi gắp đồ ăn cho ba, không nói một lời. Tôi thấy má quay mặt đi lau nước mắt mấy lần, rồi lại cười, gượng gạo như cành bông điên điển nở trái mùa.

Giữa bữa cơm, ba nhìn tôi và má, rồi nói: Bữa nào hết giặc, tôi kể cho nghe. Chuyện dài lắm.

Câu nói ấy, không biết sao mà tôi nhớ hoài. Nhớ tới tận bây giờ. Có lẽ vì nó là lời hứa đầu tiên… và cũng là lời hứa cuối cùng. Vài hôm sau, ba lại đi. Đi lần này là đi luôn. Xuồng ba chèo đi trong đêm thanh vắng, má đứng nhìn theo tới khi bóng xuồng đã khuất và chỉ còn lại tiếng sóng nhẹ ru. Tôi thấy má đứng đó rất lâu. Rất lâu.

Tôi còn nhớ rõ, không lâu sau ngày ba đi, một bữa má đi chợ về, áo ướt sũng, bọc cá rơi bên thềm chưa kịp dọn. Người đưa thư đứng nép bên hàng rào, tay run run trao tờ thư của đồng đội nhắn về, cho hay ba tôi đã hy sinh. Má cầm lấy, nhìn một lúc, rồi… đứng im như hóa đá. Mặt má trắng bệch, không còn chút máu. Tay siết chặt mảnh giấy, mà mắt cứ trừng trừng, như không tin, không hiểu, không chấp nhận nổi.
Tôi kéo áo má hỏi: Thư nói gì vậy má?

Má không nói. Không nhìn tôi. Chỉ cúi xuống ôm tôi vô lòng, ghì chặt. Tôi có cảm giác như má đang níu tôi để khỏi đổ ngã. Như thể nếu không có tôi trong vòng tay, má sẽ tan ra, sẽ vỡ ra như cái lu nước đầy bị nắng phơi khô.

Từ hôm đó, má thay đổi. Má không cười nữa, cũng không kể chuyện ba nữa. Nhưng má chăm tôi kỹ hơn. Không than, không hờn, không oán giận. Chỉ lặng lẽ sống, lặng lẽ gồng lên mà gánh vác cả hai phần đời - phần của má và phần của ba. Tôi đi học, má dậy sớm vo gạo nấu cơm sẵn. Tôi bệnh, má thức trắng đêm chườm trán lau người. Tôi ngỗ nghịch, má chỉ thở dài, rồi ngồi sau hè nhai trầu, đôi mắt nhìn xa xăm như đang tìm một ai trong gió. Tôi không hiểu hết tình thương đó khi còn nhỏ. Nhưng càng lớn, càng sống giữa đời, tôi càng thấy má thương tôi không phải vì tôi là con ruột má, mà vì… tôi là tất cả những gì má còn lại của ba.

Hòa bình lập lại. Tôi lớn lên trong những tháng ngày yên bình và như bao người đàn ông khác ở quê, đến tuổi thì dựng vợ, gầy dựng mái ấm riêng. Ngày tôi cưới, má mừng đến rưng rưng. Cặp mắt hoe hoe như giọt sương sớm còn đọng trên ngọn lúa sắp vào hạt. Đám cưới quê nghèo, mâm bàn bày ngoài sân, toàn món cây nhà lá vườn: nồi thịt kho hột vịt, cá lóc nướng trui, và cả những ổ bánh bông lan mà má tự tay nướng suốt cả chiều hôm trước.

Người ta nhìn má hôm đó mà ngỡ ngàng, không ai nghĩ bà từng còng lưng nuôi con qua bao mùa chiến tranh khốc liệt. Má mặc chiếc áo dài cũ sờn cổ, màu vải đã ngả theo màu thời gian, vậy mà dáng má vẫn đứng thẳng, nụ cười tươi rói, ánh mắt long lanh như chưa từng biết đến nhọc nhằn. Giữa đám đông rộn ràng, má là người đẹp nhất với tôi. Một vẻ đẹp không cần phấn son, được dệt nên bằng những năm tháng lam lũ và tình thương vô điều kiện.

Tôi đã tưởng, sau bao nhiêu năm lặn lội, tảo tần, má sẽ được an nhàn, được ngồi bên hiên nhà, nhai miếng trầu cay, uống chén trà nóng, vui vầy bên con cháu. Nhưng đời vốn không dễ đoán như lòng người. Vài tháng sau đám cưới, một buổi sáng tinh mơ, má bất ngờ xách cái giỏ vải cũ kỹ, bỏ vào đó mấy bộ đồ gọn nhẹ, ít lương khô, vài vỉ thuốc cảm, và một xấp thư ố vàng, những lá thư của ba. Rồi má chỉ nói vỏn vẹn một câu, giọng nhẹ như gió: Má có việc. Đi một thời gian.

Không ai dám hỏi. Tôi chỉ thấy trong mắt má lúc đó có một thứ ánh sáng lạ, không phải ánh sáng vui mừng, mà là ánh sáng của người đang lần tìm một mảnh hồn bị bỏ quên đâu đó giữa bụi đời. Ba năm. Má đi biền biệt. Tôi vẫn sống, vẫn làm lụng, vẫn lo cho vợ con, nhưng lòng luôn thấp thỏm. Tôi sợ điều gì đó mơ hồ. Sợ má đi luôn, hoặc… sợ má trở về với một sự thật nào đó khiến má không thể nhìn tôi như xưa nữa.

Rồi một chiều, trời đầy mây, má trở về. Gầy rộc. Vai gầy tới mức tôi tưởng chỉ cần một cơn gió cũng có thể cuốn bay. Nhưng ánh mắt má sáng lạ, sáng một cách yên bình, như thể má vừa đi qua một cơn bão dữ để tìm lại được phần chân thật nhất của mình. Chiều đó, má ra nghĩa trang. Tôi không hỏi, chỉ lặng lẽ đi sau. Má ngồi xuống bên mộ ba, không khóc, không than, chỉ đặt bàn tay gầy guộc lên tấm bia, những ngón tay run run như người sắp lật lại một trang sách cũ, trang sách mà bao năm má cố tình không dám mở.

Tôi đứng phía sau, tay nhẹ nhàng đặt lên vai má, khẽ nói: Má đừng bỏ con đi nữa nha má…

Tôi không biết tại sao mình nói vậy. Một câu đơn giản, mà như bật ra từ một nỗi sợ chưa từng gọi tên. Có lẽ tôi sợ… Sợ má vừa trải qua hành trình đi tìm sự thật, và nếu sự thật đó là tôi không phải con ruột của má, thì liệu má còn thương tôi nữa không?

Bất ngờ, má quay lại. Mặt bà đẫm nước mắt. Bà không nói gì trong giây đầu, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt của một người mẹ nhận lại đứa con lạc. Rồi má gào lên, tiếng gào như bật từ ruột gan, như dồn lại từ mấy mươi năm câm lặng: Mầy là con của tao! Là con của vợ chồng tao!

Tôi òa khóc. Khóc không giữ lại gì. Khóc như thằng nhỏ té xe hồi năm năm tuổi, trầy gối rướm máu, ngồi bệt xuống đất chờ má tới dỗ. Má ôm tôi vô lòng, vừa vỗ lưng vừa lập đi lập lại mấy câu đó, như sợ tôi không tin, như sợ chính mình không đủ sức giữ tôi lại lần nữa. Lần này, tôi hiểu trọn nghĩa. Không cần máu mủ, không cần giấy tờ. Chỉ cần trái tim má có tôi, thì tôi là con của má. Vậy thôi.

Sau này, má kể hết. Rằng tôi là đứa bé má “nhặt” từ tay ba. Trong một trận đánh dữ dội, khi giữa tiếng đạn, ba tôi lao ra cứu một người phụ nữ bị thương đang ôm đứa con đỏ hỏn. Bà ấy nhìn ba tôi thều thào, “xin anh cứu con tôi...”. Người ta kể cho má tôi hay rằng, khi mẹ ruột tôi nhắm mắt, ba đứng đó rất lâu. Mặt ông không có nước mắt, nhưng đất dưới chân thì ướt. Ông cúi xuống, bế đứa nhỏ lên, khẽ nói: “Tôi sẽ nuôi nó như con ruột của mình”. Không một lời thanh minh, không đổ cho số phận, ba lặng lẽ đưa tôi về cho má, rồi ra đi, để lại phía sau một đứa con và một người vợ đang tổn thương. Rồi hy sinh. Rồi nằm yên trong lòng đất, mang theo tất cả những lời chưa kịp nói.

Từ ngày trở về, má không đi nữa. Bà trồng rau, phơi cơm khô để nuôi mấy con se sẻ, thỉnh thoảng chỉ vợ tôi cách chao mắm, làm bánh… Má cười nhiều hơn, nụ cười nhẹ tênh như người vừa trút bỏ gánh nặng mang suốt đời. Tôi hỏi má có tiếc không, khi chọn nuôi một đứa con không mang dòng máu của mình. Má chỉ lắc đầu, giọng khẽ như hơi sương sáng sớm:

- Má không chọn. Là con tự bước vô đời má, y như má được định sẵn để chờ con vậy. Câu nói ấy theo tôi suốt đời.

Giỗ ba, má ra mộ thắp nhang, mang theo ổ bánh bông lan tự tay nướng, thứ bánh má từng làm trong đám cưới tôi. Như thể để giữ lấy một chút yên lành giữa những mất mát đời người.

Giờ tôi đã làm cha, mới hiểu, làm cha mẹ không chỉ là sinh con, mà là dám thương, dám sống vì một đứa trẻ. Như má đã thương tôi, thương bằng cả phần đời không lời, không điều kiện. Má không sinh ra tôi, nhưng chính má đã dạy tôi cách làm người.

LÊ QUANG TRẠNG

;
;
.
.
.
.