Họ chọn lập làng mới ở những phần đất cao ráo, thoáng mát, hơi dốc, quay mặt về hướng mặt trời mọc. Cuộc sống mưu sinh dựa vào thiên nhiên, ngoài làm rẫy trồng lúa khô và hoa màu, trồng sâm dưới tán rừng già, đồng bào còn canh tác lúa nước trên những thửa ruộng bậc thang.
![]() |
Ruộng bậc thang của người Xơ Đăng. Ảnh: T.V |
Đồng bào Xơ Đăng cư trú ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Quảng Ngãi, gồm các nhóm địa phương như Hà Lăng, Tơ Đrá, Mơ nâm, Xơ Teng, Ca Dong... Trong đó, nhóm dân tộc Mơ Nâm, Ca Dong sống tập trung nhất ở vùng quần sơn Ngọc Linh. Bản làng của họ chủ yếu dựa vào các sườn đồi, lưng chừng núi cao, thung lũng để thuận lợi trong việc canh tác nương rẫy và làm ruộng bậc thang.
Đồng bào quan niệm rằng đỉnh núi là nơi các thần trên trời trú ngụ, chân núi lại là nơi ma quỷ chầu chực, nên nơi an toàn nhất vẫn là những mảnh đất, mảnh nương ở lưng chừng núi, nên họ tự nhận mình là “tộc người ở lưng chừng núi”. Họ chọn lập làng mới ở những phần đất cao ráo, thoáng mát, hơi dốc, quay mặt về hướng mặt trời mọc. Cuộc sống mưu sinh dựa vào thiên nhiên, ngoài làm rẫy trồng lúa khô và hoa màu, trồng sâm dưới tán rừng già, đồng bào còn canh tác lúa nước trên những thửa ruộng bậc thang (klâng).
Người Xơ Đăng biết làm lúa nước từ rất sớm, mang tính bản địa rõ rệt, đặc biệt là người Mơ Nâm - nhóm địa phương thuộc dân tộc Xơ Đăng - đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc làm ruộng bậc thang. Tương truyền rằng, khi chưa có công cụ bằng sắt, đồng bào nơi đây đã biết dùng đá hoặc gỗ đẽo thành xẻng, thành cuốc để làm ruộng bậc thang.
Các già làng Xơ Đăng kể rằng, để làm ruộng bậc thang, đồng bào thường chọn những sườn núi có độ dốc vừa phải, không có nhiều hốc đá và đặc biệt là gần khe suối để dẫn nước về tưới ruộng. Đầu tiên là người ta vạt thẳng góc vào các sườn núi để tạo bình độ mặt ruộng. Nếu sườn núi không quá dốc, chỉ cần vạt sâu vào núi chừng nửa mét sẽ có mặt ruộng tương đối rộng.
Mặt ruộng rộng thì các nấc thang ruộng không bị quá dốc, sự canh tác được thuận lợi hơn. Đồng bào đắp đập (khung, knong) nắn và ngăn dòng nước cho chảy vào các con mương (hno, chuông), từ đó chảy vào ruộng. Có những con mương dài đến hai cây số chạy từ các khe suối lớn, được nối bởi những máng bằng tre, lồ ô, thân cây đùng đỉnh hay thân gỗ đục rỗng.
Nước từ các khe suối được dẫn vào thửa ruộng cao nhất và từ đó chúng phân bố đều cho các thửa ruộng phía dưới. Ruộng được be bờ, người sục hay trâu quần, dùng cuốc, vạt vuông các góc ruộng, dùng bàn san để san phẳng mặt ruộng, rồi gieo thẳng hạt hoặc cấy bằng mạ. Những thửa ruộng nói chung không rộng lắm do địa thế đất trong vùng rất hẹp. Ở ruộng nước bậc thang, đồng bào chỉ trồng lúa một vụ một năm khác với canh tác trên nương rẫy, thường xen canh gối vụ.
Cảnh quan vùng quần sơn Ngọc Linh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng. Bên cạnh những ngôi làng là các thửa ruộng bậc thang xếp từ chân núi lên đến sườn núi. Từng bậc, từng bậc ôm lấy sườn núi, gối vào nhau từ thấp lên cao. Vào mùa lúa chín, những đám ruộng tập trung, có diện tích lớn nên tạo ra một mảng màu vàng rực, xếp thành từng bậc từ thấp lên cao hay những thửa ruộng nhỏ len lỏi ở các triền núi xa, điểm xuyết những gam màu no ấm giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Nguồn nước làm ruộng bậc thang đồng thời cũng là nguồn nước dùng cho sinh hoạt. Từ con mương có đường ống dẫn nước về đồng ruộng, có đường ống khác dẫn nước mát về giữa làng để phục vụ sinh hoạt, ăn uống hằng ngày. Nơi ấy gọi là “nước giọt”, “máng nước”. Mỗi năm đều có các nghi lễ cúng máng nước trang nghiêm để tạ ơn thần linh.
Đồng bào Xơ Đăng vùng quần sơn Ngọc Linh còn bảo lưu nhiều nét văn hóa mang đậm dấu ấn tộc người, đặc biệt là lễ hội nông nghiệp theo chu kỳ của cây lúa. Vào tháng Tám đến tháng Chín, khi thu hoạch xong lúa nương (lúa khô) và lúa nước từ ruộng bậc thang, đồng bào Xơ Đăng ăn mừng lúa mới. Dân làng sửa sang máng nước, các vật dụng để thu hoạch lúa, làm kho lúa để cất giữ lúa mới. Tháng Hai đến tháng Ba dương lịch, khi Trời - Đất vào xuân, bà con chuẩn bị cho mùa vụ mới. Gia đình tổ chức ăn trâu huê để tạ ơn các thần linh đã cho vụ mùa bội thu, đạt được từ 150 - 200 teo (gùi).
Ăn trâu huê không thể thiếu vắng cây nêu. Trang trí trên cây nêu, cột lễ là công việc được ưu tiên hàng đầu. Hình thức trang trí của nó tùy theo quy mô của lễ hội hay sự đầu tư và sự khéo tay của các nghệ nhân trong làng nóc. Đây là công trình nghệ thuật tạo hình của tập thể nghệ nhân, kết hợp giữa điêu khắc, đan lát và vẽ hoa văn trang trí.
Đồng bào Xơ Đăng xem cây nêu là “cây vũ trụ”, với nhiều tên gọi khác nhau như Gưng Luôi, Gưng Pay, Gưng Rang. Cây nêu là sợi dây tâm linh kết nối giữa con người với đất trời, thần linh và tổ tiên. Nó không chỉ là linh hồn của lễ hội mà còn là một sản phẩm mỹ thuật độc đáo, thể hiện tài nghệ điêu khắc, trang trí của nghệ nhân dân tộc.
Nhờ làm ruộng bậc thang, đồng bào có lúa gạo để ăn quanh năm, đảm bảo nguồn lương thực đồng bào tại chỗ, không phá rừng làm rẫy. Trà Linh, Trà Nam (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) từng là vựa lúa, nơi có nhiều kho lúa nhất ở miền núi xứ Quảng. Việc canh tác lúa nước ruộng bậc thang chẳng những giữ rừng nguyên sinh, nơi lý tưởng để trồng cây sâm Ngọc Linh, cây xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho đồng bào mà còn mang lại nguồn sống cho những cư dân vùng hạ lưu.
TẤN VỊNH