SÁCH MỚI, SÁCH HAY

.

1. “Sài Gòn - Đi qua ký ức” là tác phẩm mới của nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa (NXB Trẻ, 2-2025) gồm 30 tạp bút chọn lọc từ các tập sách đã in: “Sài Gòn dòng sông tuổi thơ”, “Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian”, “Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ”, “Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức”. Sách được tuyển theo các chủ đề: Di tích lịch sử - Văn hóa - Ẩm thực - Nghệ thuật, ghép nối thành thước phim tài liệu sống động trải dài từ đất Sài Gòn hơn nửa thế kỷ trước cho đến Thành phố Hồ Chí Minh của hiện tại.

Trải qua hơn ba trăm năm biến thiên lịch sử vật đổi sao dời, vạn bước chân người đi qua đường ngang ngõ dọc, Sài Gòn dần thay màu áo mới, nhiều nơi chốn đã thay tên đổi họ, trở thành hoài niệm với hai chữ “Hồi đó…” vấn vương trong ký ức người cũ. Thước phim thời gian đưa độc giả lần về quá khứ, về với kiến trúc và tàn tích, phố xá và hàng me, rạp hát và cải lương, áo dài và sân trường, sách vở và báo chí…

Bước chân đi qua ký ức lại về đến Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay, với những con đường lưu đầy dấu xưa chuyện cũ. Hãy lần giở từng trang sách, để bước vào chuyến hành trình ghé thăm những thắng cảnh lịch sử đánh dấu cột mốc hào hùng, lắng nghe âm vang lịch sử còn nhắc lại, hít hà hương thơm cà phê và bát phở sáng của người Sài Gòn, xao xuyến trước tà áo dài xưa mềm mại yêu kiều, đắm chìm trong làn điệu cải lương ngọt ngào da diết... Chuyến hành trình đó mang tên “Sài Gòn - Đi qua ký ức”.

Sinh ra và sống trọn cuộc đời trên đất Sài Gòn, trong trái tim nhà văn Lê Văn Nghĩa đã hình thành một thứ tình cảm “nói chữ ‘yêu’ thì tôi không dám nói vì sợ tính cường điệu trong chữ ‘yêu’, nhưng chắc chắn tôi không thể sống rời xa thành phố này”.

Lê Văn Nghĩa (1953-2021), sinh tại quận 6 (Chợ Lớn), là học sinh trường Tiểu học  Bình Tây và Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký. Công tác tại báo Tuổi Trẻ thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1975 đến năm 2014.

2. Tập thơ mới nhất của nữ tác giả Vũ Trần Anh Thư "Ban mai thơm mắt nắng" (NXB Hội Nhà văn, 2024) có năm phần, 123 bài thơ viết theo thể thơ 1-2-3. Đây là thể thơ do nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng năm 2018, được nhiều tác giả thử nghiệm. Thể thơ 1-2-3 không bị ràng buộc bởi các phép tắc tu từ, hài thanh, ngắt nhịp hay vần điệu chặt chẽ như thơ truyền thống. Điều này khiến người viết thoải mái hơn trong việc sử dụng ngôn từ và cách trình bày ý tưởng.

Đề tài tập thơ trải rộng, từ cảm xúc với thiên nhiên, cảnh sắc vùng miền đến tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa và những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống. Nhà thơ khắc họa vẻ đẹp nơi mình từng đi qua, chị cho biết yêu núi đồi, yêu những chuyến đi xa, từ Hà Nội "bừng sắc hoa vô ưu", dòng sông Hương "mang câu hò Huế" cho đến Thác Dải Yếm - "bản hòa ca núi rừng Tây Bắc".

Trong tập thơ, nữ tác giả Vũ Trần Anh Thư vận dụng hình thức thể thơ 1-2-3 trong toàn tập thơ. Cụ thể, trong bài Quê hương dấu yêu ngọt ngào vị ổi, chị viết: "Quê hương dấu yêu ngọt ngào vị ổi/ Bay qua sông Trà dạt dào sóng mênh mang gió/ Bầy chim thiêng ngậm hạt giống gieo trù phú đồng bằng/ No giấc phù sa mặn mà châu thổ/ Làng Bo ơn đời trái ngọt dâng hương/ Theo hành trang những đứa con xa - tỏa lan huyền thoại".

Tập thơ là sự chắt chiu, nâng niu câu chữ mà tác giả dành tặng bản thân, cũng như mong muốn đem đến cho độc giả món quà tinh thần đầy niềm tin và hy vọng.

Vũ Trần Anh Thư, 52 tuổi, từng là học sinh chuyên văn, sau này chị theo đuổi ngành kế toán - tài chính. Chị tìm đến văn chương như một cách cân bằng cuộc sống: giữa công việc với những con số khô khan và thế giới thơ bay bổng, nhẹ nhàng. Trước "Ban mai thơm mắt nắng", chị có tập thơ "Tiếng mưa" (2022).

MẪU ĐƠN

;
;
.
.
.
.