* Tham quan Phòng truyền thống Trường Tiểu học An Phước (huyện Hòa Vang), tôi thấy có tấm ảnh chụp một văn bằng có tên là “Bằng cấp Sơ học Yếu lược”, cấp cho học sinh Lâm Quang Thạnh vào năm 1937. Tấm bằng này có ý nghĩa như thế nào trong hệ thống giáo dục thời đó? Học sinh Lâm Quang Thạnh về sau có đóng góp gì cho xã hội? (Trương Văn Tài, Hòa Vang, Đà Nẵng).
![]() |
Bằng Sơ học Yếu lược của học sinh Lâm Quang Thạnh do Thượng thư Bộ Quốc dân Giáo dục cấp ngày 2-8-1937. Ảnh: V.T.L |
- Thời Pháp thuộc, bậc tiểu học chia ra làm 3 cấp: cấp sơ học, cấp tiểu học và cấp cao đẳng tiểu học; mỗi cấp đều có kỳ thi tốt nghiệp và có văn bằng riêng.
Cấp sơ học trải qua 3 năm 3 lớp: Lớp đồng ấu (lớp 1), lớp dự bị (lớp 2), lớp sơ đẳng (lớp 3). Chương trình cấp sơ học dạy bằng tiếng quốc ngữ, gồm các môn học: Văn, Sử ký, Địa lý, Luân lý, Cách trí và Toán pháp. Ngoài chương trình này, mỗi tuần lễ có thêm mấy giờ học tiếng Pháp. Học hết lớp 3, học sinh phải thi bằng Sơ học Yếu lược (Certificat d'Etudes Elémentaires), tương đương với bằng tuyển sinh thời trước.
Cấp tiểu học trải qua 3 năm: lớp Nhì năm thứ nhất, lớp Nhì năm thứ hai và lớp Nhất. Học sinh cấp sơ học có thể thi vượt lớp, bỏ lớp Nhì năm thứ nhất, học lớp Nhì năm thứ hai ngay. Chương trình học lại các môn ở cấp sơ học, nhưng học bằng tiếng Pháp có thêm quốc văn và Hán tự. Học hết lớp Nhất, học trò phải thi bằng Cơ thủy, còn gọi là bằng Sơ học Pháp - Việt (Certificat d’Etudes Primaires).
Cấp cao đẳng tiểu học: Học sinh đậu bằng tiểu học được thi vào học trường hay ban cao đẳng tiểu học. Ban học này học trong 4 năm: Năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ ba, năm thứ tư. Cuối năm thứ tư có kỳ thi tốt nghiệp để lấy bằng Thành Chung, còn gọi là bằng cao đẳng tiểu học.
Như thế, dưới thời Pháp thuộc, “cấp sơ học” là cấp dưới của “cấp tiểu học”, nhưng cả hai đều nằm trong bậc tiểu học.
Học sinh Lâm Quang Thạnh, sinh năm 1927, được Thượng thư Bộ Quốc dân Giáo dục cấp bằng Sơ học Yếu lược ngày 2-8-1937. Theo tư liệu của Trường Tiểu học An Phước, ông Lâm Quang Thạnh là con trai út của cụ Nghè Lâm Quang Tự (người đương thời tỏ lòng tôn kính gọi là cụ Nghè Lâm). Cụ Nghè là người sáng lập ra Nghĩa thục An Phước vào năm 1908, nay là Trường Tiểu học An Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Dòng họ Lâm ở An Phước nổi tiếng về đường khoa bảng. Ông Thạnh về sau lấy học vị tiến sĩ, từng là Tổng Giám đốc Bộ Ngoại thương (cũ). Anh trai ông là Lâm Quang Thự (1905-1990), Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang 1945, đại biểu Quộc hội các Khóa I, II và III.
Tiến sĩ Lâm Quang Thạnh luôn tâm nguyện được dựng tượng cha mình là thầy giáo Lâm Quang Tự tại khuôn viên Trường Tiểu học An Phước nhằm giáo dục học sinh biết về cội nguồn, thể hiện lòng tôn kính, niềm tự hào và lòng biết ơn của các thế hệ thầy trò nhà trường đối với cụ Nghè Lâm.
Từ rất lâu, các thế hệ thầy và trò nhà trường cũng có cùng nguyện vọng. Nhà trường đã làm tờ trình gửi các cấp lãnh đạo và đã được các cấp đồng ý về chủ trương; ngày 28-2-2022 được UBND huyện Hòa Vang ra quyết định thành lập Hội đồng nghệ thuật tượng thầy giáo Lâm Quang Tự. Ngày 3-10-2023, Sở Văn hóa và Thể thao đồng ý cho Trường Tiểu học An Phước được xây dựng tượng bán thân thầy giáo Lâm Quang Tự. Tâm nguyện của cậu học sinh Lâm Quang Thạnh được Thượng thư Bộ Quốc dân Giáo dục cấp bằng Sơ học Yếu lược năm xưa đã thành hiện thực.
ĐNCT