* Chạy xe trên quốc lộ 19 đoạn qua xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, tôi thấy có một cụm tháp Chăm. Không rõ cụm tháp này độc đáo như thế nào và vì sao lại có tên là tháp Bánh Ít? (Hoàng Văn Nam, Điện Bàn, Quảng Nam).
![]() |
Toàn cảnh cụm tháp Bánh Ít với bốn ngọn tháp nổi bật trên nền trời xanh. Ảnh: Tư liệu |
- Trong số các điểm du lịch nổi tiếng ở Bình Định, tháp Bánh Ít là nơi mà bất cứ du khách nào cũng nên ghé thăm ít nhất một lần. Tháp Bánh Ít là một trong những di tích kiến trúc Chămpa cổ kính và độc đáo, nằm cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20km về phía Tây Bắc. Cụm tháp này được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII bởi người Chăm, với tên gọi ban đầu là tháp Bạc (tiếng Pháp là Tour d’Argent) hay Yang M’tian (tiếng J’rai).
Báo Lao Động dẫn lời TS. Nguyễn Hữu Mạnh - bộ môn Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) về di sản văn hóa đặc biệt này.
Theo đó, năm 1909, tháp Bánh Ít được học giả người Pháp Henri Parmentier, đánh giá rất cao trong nền lịch sử nghệ thuật vương quốc Chămpa xưa từng tồn tại ở miền Trung Việt Nam. Năm 2015, tháp Bánh Ít là địa điểm duy nhất của Việt Nam lọt vào cuốn sách “1001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” do nhà xuất bản Quintessence nổi tiếng của Anh phát hành là bằng chứng khẳng định một lần nữa cho luận điểm này.
Tháp Bánh Ít là quần thể với bốn tòa tháp tỏa ra bốn hướng và chụm lại ở giữa, khi nhìn từ xa tương tự chiếc bánh ít, đặc sản của đất võ Bình Định. Thế nên, người dân địa phương đã gọi nơi này là tháp Bánh Ít cũng vì lẽ đó. Cụm tháp Bánh Ít được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1982.
Bên cạnh tên tháp Bánh Ít, công trình của người Chămpa cổ còn có nhiều cái tên khác, như tháp Bạc, tháp Thị Thiện, Thổ Sơn cổ tháp…
Đây là quần thể tháp có quy mô lớn và có số lượng tháp nhiều nhất trong bảy cụm tháp cổ Chămpa hiện còn ở Bình Định, gồm bốn kiến trúc: tháp Chính (Kalan), tháp Cổng (Gopura), tháp Lửa (Kosagrha), tháp Bia (Posah). Tháp chính cao nhất, với 22m. Đây là nơi thờ cúng các vị thần Hindu, như Shiva, Vishnu, Ganesha và tổ chức các nghi lễ tôn giáo của người Chăm. Tháp Lửa, thực ra, trong bình đồ kiến trúc chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, là tháp thờ Thần Hỏa nên gọi là tháp/nhà Hỏa; là nơi chuẩn bị các đồ nghi lễ dâng cúng trong các dịp cúng tế của người Chămpa xưa.
Đây là kiến trúc rất đặc biệt, có rất ít công trình có hình dạng đặc biệt như thế này trong lịch sử nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Ngoài tháp Bánh Ít, loại hình kiến trúc này chỉ xuất hiện ở tháp Mỹ Sơn B5, E7, C3 (tỉnh Quảng Nam) và tháp Po Klong Gialai (tỉnh Ninh Thuận).
Tháp Bánh Ít còn có tên gọi dân gian khác là tháp Cầu Bà Di, do nằm gần cầu Bà Di - một cây cầu cổ có từ thời Pháp thuộc. Công trình kiến trúc này được trang trí bằng nhiều hoa văn và tượng điêu khắc, thể hiện các hình ảnh và ý nghĩa của Ấn Độ giáo. Tháp Bánh Ít chắc chắn là biểu tượng của sự bền bỉ và sáng tạo của người Chăm mặc cho những hư hại bởi thời gian cùng nhiều thăng trầm lịch sử.
Căn cứ những dấu tích còn lại, các nhà nghiên cứu cho rằng, trước đây tháp Bánh Ít có số lượng kiến trúc nhiều hơn, tạo thành trung tâm tôn giáo hoàn chỉnh ở trung tâm của ba thành cổ: thành Thị Nại, thành Cha (có tên là Phật Thệ, thành đô của kinh đô Vijaya, một trong bốn thành cổ Chămpa ở Bình Định), thành Đồ Bàn.
ĐNCT