Tin vào lòng tốt để sống hạnh phúc hơn

.

Một báo cáo nghiên cứu mới công bố cho thấy con người thường có xu hướng đánh giá thấp lòng tốt của người khác, trong khi thực tế xã hội nhân ái hơn nhiều so với chúng ta nghĩ.

Việc học cách nhận ra và tin tưởng vào lòng tốt nơi người khác có thể là điểm khởi đầu cho sự cải thiện hạnh phúc cá nhân và tập thể. Ảnh minh họa
Việc học cách nhận ra và tin tưởng vào lòng tốt nơi người khác có thể là điểm khởi đầu cho sự cải thiện hạnh phúc cá nhân và tập thể. Ảnh minh họa

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2025 (World Happiness Report 2025) hé lộ một phát hiện đáng chú ý: chúng ta thường nghĩ xấu về người khác hơn thực tế. Thí nghiệm "thả ví" trên toàn cầu chứng minh nhiều người sẵn lòng trả lại ví nhặt được, cao hơn 1,83 lần so với dự đoán.

Đánh giá thấp lòng tốt

Một chiếc ví được đánh rơi ở thành phố Helsinki (Phần Lan). Không tên, không liên lạc, chỉ có một ít tiền và vài tấm thẻ. Người nhặt được không ngần ngại đem nộp cho cảnh sát. Chuyện này không hiếm gặp như chúng ta vẫn nghĩ.

Thí nghiệm "thả ví" - hình thức nghiên cứu hành vi nổi tiếng - được thực hiện ở nhiều quốc gia nhằm kiểm chứng mức độ tử tế trong xã hội. Theo World Happiness Report 2025, các nghiên cứu quốc tế về hành vi trả lại ví nhặt được đều cho thấy Phần Lan và các quốc gia Bắc Âu là những nơi có tỷ lệ ví được trả lại cao nhất thế giới. Điều gây ngạc nhiên không phải là lòng tốt của người nhặt ví, mà là sự bi quan của cộng đồng. Khi được hỏi liệu chiếc ví có khả năng được trả lại hay không, người dân ở các quốc gia khảo sát đều đánh giá thấp khả năng đó - thấp hơn so với kết quả thực tế. Báo cáo chỉ ra rằng tỷ lệ trả lại thực tế cao hơn kỳ vọng trung bình 1,83 lần.

Con người có xu hướng đánh giá thấp lòng tốt của đồng loại, ngay cả trong chính cộng đồng mà họ đang sống. Sự chênh lệch giữa lòng tốt thực tế và cái nhìn bi quan về xã hội tạo nên một khoảng cách về nhận thức đáng chú ý.

Tin tưởng và hạnh phúc

Theo báo cáo, niềm tin rằng người khác sẽ trả lại ví đánh rơi có mối liên hệ tích cực với mức độ hạnh phúc. Cụ thể, báo cáo nói trên cho thấy niềm tin này thậm chí có tác động tích cực mạnh hơn so với một số yếu tố tiêu cực như lo ngại về tội phạm bạo lực hay vấn đề sức khỏe tâm thần. Từ những chiếc ví đánh rơi, một điều đáng chú ý được hé lộ: xã hội có thể tốt hơn ta tưởng, và cái nhìn bi quan về lòng tốt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ hạnh phúc của chúng ta.

Nếu phần lớn chúng ta có xu hướng đánh giá thấp lòng tốt của người khác, liệu có thể cải thiện nhận thức ấy không? Theo một nghiên cứu được trình bày trong Chương 5 của báo cáo World Happiness Report 2025, câu trả lời là có thể. Một minh chứng nổi bật là thí nghiệm tại Đại học Stanford (Mỹ), nơi các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem liệu thông tin tích cực có thể làm thay đổi nhận thức của sinh viên hay không. Họ cho một nhóm sinh viên đọc các dữ kiện thống kê cho thấy mức độ đồng cảm và quan tâm lẫn nhau trong cộng đồng sinh viên cao hơn họ tưởng.

Kết quả cho thấy nhóm sinh viên này có sự thay đổi đáng kể trong nhận thức về sự đồng cảm của người khác. Họ cũng báo cáo rằng họ sẵn sàng tiếp cận và tương tác xã hội nhiều hơn sau can thiệp. Theo báo cáo, sinh viên trong nhóm thực nghiệm có xu hướng chủ động tiếp cận người khác nhiều hơn 11% so với trước khi tham gia nghiên cứu. Hai tháng sau can thiệp, họ vẫn có khả năng tham gia các sự kiện xã hội gấp hai lần so với nhóm đối chứng.

Báo cáo nhấn mạnh, những người nhận thức tích cực về xã hội xung quanh - tin rằng người khác phần lớn là tốt bụng và đáng tin cậy - có xu hướng kết nối xã hội tốt hơn. Chương 5 của báo cáo cũng chỉ ra rằng sự kết nối xã hội là yếu tố quan trọng đối với hạnh phúc của người trưởng thành trẻ tuổi. Kết nối xã hội tốt giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực của căng thẳng và đóng vai trò như một tấm đệm bảo vệ.

Đáng lưu ý, mức độ kết nối xã hội phụ thuộc phần lớn vào nhận thức chủ quan của chúng ta về xã hội. Nghĩa là, nếu bạn tin rằng thế giới xung quanh tử tế, bạn sẽ có xu hướng tương tác nhiều hơn với người khác và từ đó cải thiện mức độ hạnh phúc của mình - đồng thời, dữ liệu cho thấy niềm tin đó cũng phần nào phản ánh đúng thực tế.

Xây dựng niềm tin

Báo cáo cũng chỉ ra việc cải thiện nhận thức về sự đồng cảm và lòng tốt của người khác có thể tạo ra một vòng tròn tích cực: khi ta nhìn nhận người khác tích cực hơn, ta sẽ chủ động tương tác xã hội nhiều hơn, từ đó xây dựng được mạng lưới quan hệ rộng lớn hơn và cuối cùng là cải thiện mức độ hạnh phúc.
Thí nghiệm tại Đại học Stanford cho thấy sau bốn tháng can thiệp, sinh viên trong nhóm thực nghiệm báo cáo có thêm trung bình 0,44 mối quan hệ bạn bè thân thiết so với nhóm đối chứng. Trong một xã hội còn nhiều lo âu và nghi kỵ, việc học cách nhận ra và tin tưởng vào lòng tốt nơi người khác có thể là điểm khởi đầu cho sự cải thiện hạnh phúc cá nhân và tập thể.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.